Việc làm

Doanh nghiệp “loay hoay” với bài toán nhân lực
Doanh nghiệp “loay hoay” với bài toán nhân lực

Khác với kỳ vọng ban đầu, khi hoàn thành và đưa vào vận hành các dây chuyền sản xuất, một số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có nhu cầu nhân lực lớn trên địa bàn tỉnh đã rơi vào tình thế khó khăn khi triển khai tuyển dụng lao động. Tỉnh cần có chính sách hỗ trợ lao động hồi hương là đề xuất của doanh nghiệp nhằm giải bài toán về nhân lực hiện nay.

Doanh nghiệp “loay hoay” với bài toán nhân lực
Doanh nghiệp “loay hoay” với bài toán nhân lực

Là doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài, được đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng và dây chuyền sản xuất khang trang, hiện đại, Công ty TNHH Haivina Hồng Lĩnh (Cụm công nghiệp Nam Hồng, TX Hồng Lĩnh) hoạt động sản xuất ổn định trên địa bàn được hơn 1 năm qua với lượng công nhân hơn 1.100 người. Cuối năm 2020, công ty tổ chức đợt tuyển dụng mới với nhu cầu 1.500 lao động, sau 4 tháng tích cực triển khai các giải pháp tuyển dụng, công ty chỉ nhận được vẻn vẹn hơn 100 công nhân.

Doanh nghiệp “loay hoay” với bài toán nhân lực

Công ty TNHH Haivina Hồng Lĩnh.

“Chúng tôi đã tập trung tuyên truyền tuyển dụng lao động tới tận các phường, xã ở TX Hồng Lĩnh và các huyện Đức Thọ, Can Lộc, Nghi Xuân, tuy nhiên, kết quả là số lượng hồ sơ đăng ký tuyển dụng không đáng kể so với nhu cầu. Nguyên nhân là lực lượng lao động ở độ tuổi 18 - 40 không còn nhiều tại địa phương do đang làm việc tại các công ty ngoại tỉnh. Số lao động ở nhà cơ bản cũng đã có việc làm”, ông Võ Trọng Cần - Quản lý tổng vụ Công ty TNHH Haivina Hồng Lĩnh cho biết.

Doanh nghiệp “loay hoay” với bài toán nhân lực

Để tuyển lao đông Công ty TNHH Haivina Hồng Lĩnh treo nhiều băng rôn tuyển dụng lao đông (trong ảnh: băng rôn treo tại xã Thanh Bình Thịnh, huyện Đức Thọ).

Với sự đồng hành của địa phương sở tại, hiện nay, Haivina Hồng Lĩnh đang nỗ lực mở rộng địa bàn tuyển dụng, trước mắt là tại huyện Thạch Hà để đáp ứng nhu cầu sản xuất. Khá bị động với tình huống khó khăn về nhân lực, lãnh đạo DN thừa nhận họ đã không lường trước được thực trạng này. Khi lao động đã làm việc ổn định tại các DN ngoại tỉnh, sẽ không dễ dàng kéo họ trở về, trong khi mọi điều kiện về thu nhập và sinh hoạt ở địa phương chưa đủ sức cạnh tranh. Điều này đang đặt ra cho DN sự tính toán kỹ lưỡng, những thay đổi hợp lý hơn trong chiến lược về nhân lực, nhất là khi các nhà máy của công ty vận hành hết công suất 9,9 triệu sản phẩm/năm với nhu cầu sử dụng 4.000 lao động vào quý I/2022.

Video: Đại diện các doanh nghiệp trao đổi về những khó khăn, mong muốn trong công tác tuyển dụng lao động.

Tại Công ty TNHH May mặc xuất khẩu Appareltech Hà Tĩnh trong Cụm công nghiệp Đức Thọ (thôn Châu Lĩnh, xã Tùng Ảnh), tình hình tuyển dụng có khả quan hơn với 800 lao động được tuyển từ các huyện: Hương Sơn, Vũ Quang, Đức Thọ trong tổng nhu cầu tuyển dụng là 1.000 lao động. Tuy nhiên, theo ông Vũ Duy Anh - quản lý nhân sự Công ty TNHH May mặc xuất khẩu Appareltech Hà Tĩnh, tình trạng lao động đã làm việc ổn định rời công ty mà không có lý do cũng đã xảy ra, gây ảnh hưởng không nhỏ tới dây chuyền sản xuất.

Doanh nghiệp “loay hoay” với bài toán nhân lực

Theo nhận định của các đơn vị dịch vụ việc làm, ở thời điểm tuyển dụng trước, sau tết năm nay, do ảnh hưởng dịch Covid-19, một lượng lao động khá lớn trở về từ Lào, Thái Lan và các tỉnh, thành trong nước chưa quay lại làm việc, hiện đang ở địa phương, đây là điều kiện khá thuận lợi để DN tuyển dụng. Thế nhưng, các DN vẫn gặp khó khăn trong thu hút lao động bởi mức thu nhập mà họ đưa ra chưa thực sự hấp dẫn.

Doanh nghiệp “loay hoay” với bài toán nhân lực

Chị Nguyễn Thị Thanh, quê ở xã Tân Dân (Đức Thọ) đã nộp hồ sơ ở Công ty TNHH May mặc xuất khẩu Appareltech Hà Tĩnh cho biết, “Mức lương tôi được nhận tại một công ty giày da ở Khu công nghiệp Nhơn Trạch (Đồng Nai) là hơn 10 triệu đồng/tháng. Nếu ở lại làm việc tại địa phương, chí ít DN cũng phải trả bằng 2/3 mức lương trên (khoảng 6-7 triệu đồng) mới phù hợp; tuy nhiên, thực tế, mức lương của các DN gia công ở Hà Tĩnh hiện nay khá thấp, chưa đáp ứng nhu cầu tối thiểu của cuộc sống”.

Anh Đào Minh Khoa ở xã Tùng Châu (Đức Thọ) chia sẻ, tại các khu công nghiệp Bình Dương - nơi vợ chồng anh đang làm việc, công nhân có mức thu nhập trung bình 8 - 10 triệu đồng/tháng, các dịch vụ sinh hoạt dành cho công nhân thì khá rẻ; tổng chi phí thường chỉ hết khoảng 1/3 thu nhập; nếu biết dành dụm thì hằng tháng vẫn tích góp được số tiền kha khá.

Video: Người lao động Hà Tĩnh chia sẻ mong muốn được về quê làm việc với mức lương đảm bảo được cuộc sống.

Doanh nghiệp “loay hoay” với bài toán nhân lực

Doanh nghiệp “loay hoay” với bài toán nhân lực

Bên cạnh mức lương thấp, nhiều khu công nghiệp trên địa bàn Hà Tĩnh chưa hình thành được chuỗi dịch vụ phục vụ đời sống, sinh hoạt của công nhân, vì vậy, chi phí sinh hoạt rất cao, khó tích lũy. Chị Trần Thị Hồng (xã Lưu Vĩnh Sơn, Thạch Hà) chia sẻ: “Tôi đang có nhu cầu tìm việc tại địa phương. Qua tìm hiểu tại các công ty may đang tuyển dụng nhiều lao động, tôi nhận thấy khoảng cách từ nhà đến công ty khá xa, khó đi về trong ngày, trong khi DN chưa có khu ký túc xá cho công nhân. Và, nếu phải thuê nhà trọ thì với mức thu nhập mà DN đưa ra, sẽ không thể đảm bảo cuộc sống”.

Doanh nghiệp “loay hoay” với bài toán nhân lực

Nhiều phòng trọ được đầu tư cho người lao động thuê tại xã Tùng Ảnh nơi có Cụm công nghiệp huyện Đức Thọ.

Ở một khía cạnh khác, theo nhiều người đã và đang làm việc xa quê, cuộc sống ly hương dẫu có nhiều bất tiện nhưng môi trường làm việc ở các tỉnh, thành phố lớn lại khá năng động; người lao động (NLĐ) có nhiều sự lựa chọn việc làm. Điều này rất hấp dẫn lao động trẻ với tâm lý muốn khám phá, trải nghiệm. Chị Nguyễn Thị Thắm (xã Khánh Vĩnh Yên, Can Lộc) đang làm việc tại một nhà máy ở TP Biên Hòa (Đồng Nai) cho biết, tại các khu công nghiệp Bình Dương, Đồng Nai, các DN cần nhân công phải cạnh tranh về tiền lương, chế độ đãi ngộ để giữ chân lao động. Bên cạnh đó, hầu hết DN đều có tổ chức công đoàn mạnh để bảo vệ quyền lợi NLĐ.

Doanh nghiệp “loay hoay” với bài toán nhân lực

Mặc dù các đơn vị tuyển dụng số lượng lao động lớn trên địa bàn tỉnh hiện nay hầu hết là DN nước ngoài với điều kiện sản xuất, môi trường làm việc tốt; các chế độ bảo hiểm và chính sách lao động đảm bảo…, tuy nhiên, với điều kiện kinh tế khó khăn, những “điểm mạnh” nêu trên chưa phải là yếu tố hấp dẫn nhất đối với lao động Hà Tĩnh. Mục tiêu hàng đầu mà NLĐ ở Hà Tĩnh (chủ yếu là khu vực nông thôn) hướng đến, đó là mức lương thực nhận phải cơ bản đảm bảo nhu cầu của cuộc sống.

Doanh nghiệp “loay hoay” với bài toán nhân lực

Theo tổng hợp khảo sát của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Tĩnh, với mức lương khởi điểm dành cho lao động chưa có tay nghề (chiếm tỷ lệ trên 70% tổng số lao động ở các nhà máy) chưa đầy 5 triệu đồng/tháng, các DN may chưa thể tạo được sức hút đối với NLĐ để đáp ứng nhu cầu về nhân lực.

Bà Nguyễn Thị Thanh Hương - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Tĩnh cho biết, bên cạnh mức lương chưa đủ sức hấp dẫn, thì độ tuổi tuyển dụng của một số DN chỉ từ 42, 40 trở xuống (với người chưa có tay nghề) càng thu hẹp cơ hội thu hút lao động. Từ đầu năm đến nay, trung tâm đã tổ chức 5 phiên giao dịch ở các địa phương, số lượng lao động tham gia khá đông (khoảng 200 người/phiên); tại đây, DN may cũng đã tham gia tuyên truyền, thông tin tuyển dụng nhưng chưa nhận được nhiều sự quan tâm đăng ký của NLĐ.

Video: Đại diện Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Tĩnh đưa ra một số nguyên nhân khiến người lao động Hà Tĩnh chưa mặn mà với các doanh nghiệp trong tỉnh.

Lý giải về mức lương đang áp dụng cho lao động Hà Tĩnh hiện nay, đại diện các DN may cho rằng, công ty trả lương theo đúng quy định của Nhà nước theo vùng. Nếu như làm việc ở khu công nghiệp lớn, công nhân sẽ được hưởng mức lương của vùng 1, thì tại các nhà máy đang tuyển dụng ở Hà Tĩnh hiện nay, NLĐ chỉ được hưởng mức lương theo vùng 4. Tuy nhiên, theo ông Ngô Đình Vân - Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh, đây là mức quy định tối thiểu vùng và DN hoàn toàn có thể chủ động điều chỉnh mức thu nhập phù hợp bằng nhiều hình thức để hài hòa quyền lợi giữa hai bên.

Doanh nghiệp “loay hoay” với bài toán nhân lực

Doanh nghiệp “loay hoay” với bài toán nhân lực

Tại buổi làm việc với UBND thị xã Hồng Lĩnh và Công ty TNHH Haivina Hồng Lĩnh về công tác tuyển dụng lao động trên địa bàn, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Nguyễn Trí Lạc khẳng định: “Hà Tĩnh sẽ đáp ứng đủ nguồn nhân lực cho công ty; tuy nhiên, phía DN cần xem xét và điều chỉnh về chế độ tiền lương, chính sách phúc lợi cho NLĐ và chính sách khác phù hợp hơn để thu hút, giữ chân NLĐ”.

Doanh nghiệp “loay hoay” với bài toán nhân lực

Sở LĐ-TB&XH Hà Tĩnh làm việc với lãnh đạo TX Hồng Lĩnh và Công ty TNHH Haivina Hồng Lĩnh để tháo gỡ khó khăn trong tuyển dụng lao động.

Thực tế cho thấy, bên cạnh các chính sách hỗ trợ của tỉnh, sự đồng hành của các cấp, ngành trong việc tuyển dụng, đào tạo lao động thì hơn hết, DN phải thực sự nhận định đúng về dư địa, tâm lý, những điều kiện đặc thù của lao động ở địa bàn đứng chân. Có vậy câu hỏi: “Lao động Hà Tĩnh dồi dào như thế, tại sao chúng ta không tuyển dụng được” mà lãnh đạo một DN nước ngoài từng trăn trở trong quá trình tuyển dụng mới có thể sớm tìm được câu trả lời thỏa đáng.

thiết kế: huy tùng

Doanh nghiệp “loay hoay” với bài toán nhân lực

(Còn nữa)

Chủ đề Kinh tế Hà Tĩnh

Chủ đề Khởi nghiệp

Đọc thêm

Tuyển dụng nhân viên bưu tá

Tuyển dụng nhân viên bưu tá

Bưu điện tỉnh Hà Tĩnh tuyển dụng 3 lao động phổ thông làm nhiệm vụ nhận hàng và phát hàng, thư báo, công văn theo đúng địa chỉ được phân công.
Chật vật tìm lao động xuất khẩu sang Nhật

Chật vật tìm lao động xuất khẩu sang Nhật

Nhu cầu lao động ở Nhật Bản tăng nhưng nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn khi tìm nguồn, phải “mua” lại từ môi giới với giá 20-30 triệu đồng mỗi người để kịp đơn hàng.