Lào và Thái Lan có biên giới chung dài 1.845 km với hơn một nửa chiều dài là dọc theo sông Mekong và chạy từ ngã ba biên giới ở phía bắc giáp Myanmar đến ngã ba biên giới giáp Campuchia ở phía nam.
Đối diện huyện Hat-xai-phong, thủ đô Viêng-chăn là thị xã Mương, tỉnh Nỏng-khai, Thái Lan
Mới đây, dịch bùng phát trở lại, Thái Lan ghi nhận thêm 745 ca nhiễm do nguồn lao động nhập cư trái phép từ Myanmar ở một chợ hải sản tại tỉnh Sa-mut Sa-khon, một tỉnh rất gần thủ đô Bang-kok. Chỉ tính riêng số ca lây nhiễm trong cộng đồng có liên quan tới khu chợ hải sản ở Sa-mut Sa-khon đã lên tới 234 người. Đó là chưa kể 1.356 ca là lao động nhập cư ở tỉnh Sa-mut Sa-khon.
Gần đây, nhà chức trách tỉnh Nong-khai, Thái Lan có biên giới giáp với thủ đô Viêng- chăn của Lào thông báo ca nhiễm Covid-19 đầu tiên bắt nguồn từ chợ hải sản Ma-hả-chai là một phụ nứ 35 tuổi. Trước tình hình này, Lào đã tạm ngừng việc nhập khẩu hải sản tươi sống và đông lạnh từ Thái Lan để đảm bảo không có nguy cơ lây nhiễm Covid-19.
Ông Lăm-khun Vo-la-vông, chủ tịch huyện Sỏng-khon, tỉnh Sa-vẳn-na-khệt (miền trung Lào) cho biết, thời gian gần đây, địa phương này đã phát hiện hàng chục trường hợp lao động Lào thuê thuyền của người dân Thái Lan vượt sông Mekong qua các cửa khẩu địa phương nhưng đều bị phát hiện, đưa đi xét nghiệm và tiến hành cách ly tập trung theo quy định, cũng may chưa có trường hợp nhập cảnh trái phép nào được xác định nhiễm virus corona.
Đối diện thi xã Thà-khẹc, tỉnh Khăm-muộn của Lào, bên kia sông Mekong là huyện Mương, tỉnh Na-khon-pha-nom, Thái Lan
Riêng huyện Sỏng-khon, có chiều dài biên giới giáp với Thái Lan qua sông Mekong hơn 54km, có 15 bản nằm dọc theo bờ sông Mekong. Từ khi hai nước Thái Lan và Lào đóng cửa khẩu biên giới để hạn chế lây lan dịch Covid-19, thì một số lao động Lào đã vượt biên về nước bằng thuyền thuê người Thái Lan chở nhập cảnh trái phép.
Mới đây, lực lượng chức năng Thái Lan đã bắt giữ 4 đối tượng là công dân Lào đang chờ thuyền vượt biên tại khu vực bản Phô-mương, huyện Khe-ma-rat, tỉnh Ubon Ratchathani Thái Lan, đối diện với địa bàn huyện Sỏng-khon, tỉnh Sa-vẳn-na-khệt, định qua sông Mêkong vào Lào.
4 người này khai nhận là nhân viên nhà hàng tại thủ đô Bang-kok, bắt xe về huyện Khe-ma-rat để vượt sông. Khi cả 4 người bị phía Thái Lan trục xuất đã được phía Lào tiếp nhận và tiến hành xét nghiệm và cách ly 14 ngày.
Một thông tin liên quan, trước tình hình dịch Covid lây lan thành làn sóng thứ 2, nhà chức trách Thái Lan cho biết là không xử phạt mà tạo điều kiện lưu trú cho những trường hợp lao động Lào làm việc hoặc lưu trú bất hợp pháp tại nước này. Bên cạnh đó, Đại sứ quán Lào tại Thái Lan cũng kêu gọi công dân mình tăng cường cảnh giác với nguy cơ lây nhiễm Covid-19 bằng cách tránh đến những nơi tập trung đông người và thực hiện các biện pháp phòng tránh dịch nghiêm chỉnh. Hiện, Thái Lan có tổng số ca mắc Covid-19 là 8.439, trong đó có 65 trường hợp tử vong .
Thứ trưởng Bộ Y tế Lào, tại cuộc họp báo chiều 5/1, đề nghị lực lượng biên phòng, chính quyền các địa phương có đường biên tiếp giáp với Thái Lan tăng cường hơn nữa về việc quản lý người qua lại biên giới bất hợp pháp qua sông Mekong. Trường hợp phát hiện nhập cảnh trái phép phải ngay lập tức đưa đi cách ly và xử lý theo quy định của pháp luật.
Thứ trưởng Phu-thon Mương- pak trong buổi họp báo chiều 5-1-2021.
Thứ trưởng Bộ Y tế Lào cũng cho biết, do hiện nay nhiều quốc gia đã xuất hiện dịch làn sóng thứ 2 nên chính phủ Lào tiếp tục tạm ngừng các chuyến bay đến từ các nước có dịch, ngoại trừ các chuyến bay nhân đạo.
Ngày hôm qua, Lào đã tập trung xét nghiệm 138 người gồm lái xe chở hàng quá cảnh và người bán hàng hải sản nhưng không phát hiện nhiễm Covid-19.
Hiện Lào ghi nhận 41 ca nhiễm Covid-19 kể từ đầu dịch đến nay và chỉ còn 1 bệnh nhân đang tiếp tục được điều trị tại bệnh viện Mit-ta-phạp ở thủ đô Viêng-chăn.
Điều đáng lo ngại nhất là trước tình hình dịch bệnh lây lan như vậy thì lao động Lào từ Thái Lan do lo sợ dịch đã tự ý thuê thuyền vượt sông Mekong về Lào, vì vậy, nguy cơ lây nhiễm dịch Covid-19 từ nước láng giềng Thái Lan đối với Lào là rất cao.