Nguyên liệu được lựa chọn là những con me dưới 1 năm tuổi vì thịt mềm, ngon, phù hợp để sản xuất giò.
Vừa chuẩn bị nguyên liệu cho quá trình sản xuất, anh Nguyễn Đình Giáp – Chủ cơ sở giò me Tiến Giáp chia sẻ: “Bản thân nhận thấy ở Hương Khê có nguồn nguyên liệu sản xuất giò me rất dồi dào nhưng qua tìm hiểu thì chưa thấy cơ sở nào sản xuất được các sản phẩm từ thịt me. Sau thời gian dài suy nghĩ, tôi quyết tâm “khăn gói” ra ngoại tỉnh học nghề. Chính những kiến thức đó đã tạo nền tảng để tôi phối hợp nguyên liệu, sáng tạo nên sản phẩm mang đặc trưng riêng của núi rừng Hương Khê”.
“Một điều mang lại sự khác biệt của giò me Tiến Giáp là được làm ra từ thịt me của vùng núi Hương Khê. Với tập quán chăn thả tự nhiên, không sử dụng cám tăng trọng, thịt me ở đây ngọt, ít mỡ, săn chắc cộng với công thức chế biến riêng đã tạo nên hương vị hấp dẫn cho món đặc sản này”, anh Giáp cho biết thêm.
Nguyên liệu được tẩm ướp, đảm bảo quy trình “3 không” .
Đặc biệt, ngay từ khi bắt đầu, giò me Tiến Giáp tuân thủ quy trình “3 không” không sử dụng chất bảo quản, không hàn the, không phụ gia tạo vị - tạo màu.
Giò được chế biến từ thịt đùi, ba chỉ nguyên miếng của con me non dưới 1 năm tuổi, ướp với gia vị từ 7 - 8 tiếng đến khi tất cả nguyên liệu được hoà quyện, dậy mùi, sau đó đưa vào lò hấp cách thủy, để nguội và khâu cuối cùng là cho giò vào trong tủ đá để cấp đông.
Nhờ đầu tư bài bản, thị trường của cơ sở ngày càng được mở rộng, lấy được lòng tin của khách hàng.
Tâm sự về quá trình khởi nghiệp, anh Giáp cho biết: Thời gian đầu khó khăn, cơ sở sản xuất giò thủ công, mỗi ngày chỉ sản xuất lẻ tẻ để cung ứng cho vài mối quen. “Tiếng lành đồn xa”, thị trường ngày càng rộng mở cũng là lúc cơ sở quyết định đầu tư gần 300 triệu để hoàn thiện nhà xưởng, khu sản xuất, máy móc hiện đại như máy cắt thịt, máy xay da bê, máy hấp,… để kịp cung ứng cho khách hàng. Ngoài ra, còn đầu tư kho cấp đông để bảo quản sản phẩm an toàn, giữ nguyên màu sắc, hương vị, tránh hư hỏng, đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng.
“Lượng đơn hàng tăng thì mình phải nghĩ đến “đường dài”, phải có hướng sản xuất “chuẩn” hơn, quy trình cũng cần hiện đại hơn thì hoạt động sản xuất, kinh doanh của cơ sở mới ngày càng phát triển. Khách hàng yêu cầu ngày càng cao về chất lượng nên chúng tôi đã chủ động làm giấp phép kinh doanh, giấy chứng nhận VSATTP…”, anh Giáp chia sẻ.
Bằng chứng nhận của UBND tỉnh Hà Tĩnh đối với sản phẩm đạt 3 sao trong chương trình OCOP.
Nhờ đầu tư bài bản, sản phẩm của cơ sở được người tiêu dùng ưa chuộng sử dụng; khẳng định được chỗ đứng tại địa bàn trong và ngoài tỉnh như Hải Dương, Hải Phòng, Nam Định, Cần Thơ, Bình Dương… Đến thời điểm này, mỗi năm cơ sở của anh trung bình có thể xuất ra thị trường từ 18 - 20 tấn giò me.
Đặc biệt, vượt qua nhiều sản phẩm tiêu biểu từ các địa phương khác trên địa bàn toàn tỉnh, giò me Tiến Giáp đã được Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh Hà Tĩnh xếp hạng 3 sao về chất lượng theo các tiêu chí của Bộ tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP.
Sản phẩm của cơ sở tại lễ trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP và sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu Hà Tĩnh trong khuôn khổ tổng kết 10 năm thực hiện MTQG xây dựng nông thôn mới.
Đây vừa là niềm tự hào rất lớn cũng chính là “đòn bẩy” để cơ sở phát triển sản xuất, mở rộng thị trường khi có bộ nhận diện thương hiệu riêng như tem sản phẩm có đánh dấu 3 sao OCOP, mã quét QR Code… Đồng thời, nhận được cơ hội tham gia vào các chương trình hội chợ tại các tỉnh thành lớn; có điều kiện xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, đưa sản phẩm giò me Tiến Giáp ngày càng vươn xa.
Không thoả mãn với những gì đạt được, thời gian tới, anh Giáp sẽ huy động thêm vốn mở rộng quy mô sản xuất và đầu tư thêm hệ thống máy móc nhằm “nâng tầm” chất lượng sản phẩm. Cùng đó, cơ sở đang tiến hành trao đổi, hoàn thiện hồ sơ, các thủ tục liên quan với siêu thị Co.opmart Hà Tĩnh để đủ điều kiện đưa sản phẩm giò me Tiến Giáp “lên kệ” tại siêu thị.