Liên hợp quốc thông qua nghị quyết trừng phạt mới đối với Triều Tiên

Sáng sớm 12/9 theo giờ Hà Nội, toàn bộ 15 nước ủy viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã nhất trí thông qua nghị quyết mới tăng cường các lệnh trừng phạt đối với Bình Nhưỡng nhằm đáp trả vụ thử hạt nhân thứ sáu của Triều Tiên hôm 3/9.

Toàn cảnh phiên họp của Hội đồng Bảo an LHQ ở New York (Mỹ) ngày 11/9. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Liên hợp quốc, nghị quyết mới được thông qua thắt chặt những biện pháp trừng phạt của nghị quyết gần đây nhất được thông qua hôm 5/8, song "nhẹ nhàng" hơn nhiều so với dự thảo nghị quyết mà Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Nikki Haley lưu hành hôm 6/9.

Biện pháp trừng phạt cứng rắn nhất trong nghị quyết mới này là cấm toàn bộ hàng xuất khẩu dệt may của Triều Tiên.

Năm ngoái, ngành công nghiệp dệt may đã mang lại doanh thu gần 1 tỷ USD cho Bình Nhưỡng.

Bên cạnh đó, nghị quyết duy trì lệnh cấm vận khí đốt tự nhiên, song chỉ áp đặt mức trần đối với xuất khẩu dầu đã tinh chế sang Triều Tiên ở mức 500.000 thùng trong vòng 3 tháng tính từ ngày 1/10 và ở mức 2 triệu thùng trong 12 tháng tính từ ngày 1/1 năm sau.

Ngoài ra, xuất khẩu dầu thô sang Triều Tiên bị giới hạn ở mức hiện nay là 2 triệu thùng một năm.

So với bản dự thảo, nghị quyết được thông qua bỏ yêu cầu chấm dứt hoàn toàn việc thanh toán cho lao động Triều Tiên đang làm việc tại nước ngoài. Thay vào đó, nghị quyết yêu cầu những quốc gia tiếp nhận lao động Triều Tiên phải báo cáo lên Liên hợp quốc số lượng người Triều Tiên mà họ tuyển dụng và thời gian kết thúc hợp đồng.

Nghị quyết mới cũng loại bỏ đề xuất đóng băng tài sản, cấm đi lại trên toàn cầu đối với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.

Tuy nhiên, nghị quyết áp đặt lệnh cấm đi lại trên toàn cầu đối với một thành viên của Ủy ban Quân sự Trung ương thuộc Đảng Lao động Triều Tiên, đồng thời phong tỏa tài sản của ủy ban này.

Đây là cơ quan được cho là chỉ đạo các ngành quốc phòng của Triều Tiên.

Đáng chú ý, nghị quyết mới kêu gọi triển khai các biện pháp ngoại giao, trong đó có việc khôi phục các cuộc đàm phán sáu bên.

Đây là điểm quan trọng được Đại sứ Nga tại Liên hợp quốc nhấn mạnh sau khi Mỹ lưu hành dự thảo nghị quyết.

Trước khi đưa dự thảo nghị quyết ra bỏ phiếu tại Hội đồng Bảo an, Mỹ đã có 4 ngày đàm phán căng thẳng với Nga và Trung Quốc. Đặc biệt là cuộc thương lượng với Trung Quốc đã kéo dài đến tận đêm 10/9.

Trước thềm cuộc bỏ phiếu, Triều Tiên cũng đưa ra cảnh báo cứng rắn nhằm vào Mỹ nếu Washington khăng khăng hối thúc Hội đồng Bảo an gia tăng trừng phạt chống lại Bình Nhưỡng./.

Theo TTXVN

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói