Cơ sở Foot Massage Gừng mở cửa trở lại từ chiều 30/12.
Từ chiều 30/12, các dịch vụ massage, xông hơi, bi-a tại Hà Tĩnh được mở cửa kinh doanh trở lại. Đây cũng là mong mỏi từng ngày của các chủ cơ sở kinh doanh ngành nghề này để có thêm thu nhập trang trải cuộc sống và tạo công ăn việc làm cho người lao động.
Chị Nguyễn Thị Dung – chủ cơ sở Foot Massage Gừng (đường Đinh Nho Hoàn, TP Hà Tĩnh) vui mừng: "Khi nghe thông tin được mở cửa lại, chúng tôi rất phấn khởi. Tính từ tháng 5 tới nay, cơ sở chỉ hoạt động được khoảng 2 tuần ở thời điểm cuối tháng 10 trong khi vẫn phải trả tiền mặt bằng và một số chi phí khác nên rất khó khăn. Trước đây, mỗi ngày cơ sở đón khoảng vài chục lượt khách, nay trở lại có thể lượng khách chưa nhiều vì còn ngại dịch bệnh nhưng cũng sẽ giúp chúng tôi có thêm đồng ra đồng vào”.
Nhân viên cơ sở Foot Massage Gừng lau chùi, dọn dẹp phòng ốc, đồ đạc.
Với chính sách thích ứng linh hoạt, đến nay, hầu hết các dịch vụ kinh doanh đã được phép hoạt động trở lại (chỉ trừ một số dịch vụ như vũ trường, karaoke, điểm cung cấp trò chơi điện tử, điểm truy cập internet công cộng). Chị Nguyễn Thị Ngân – chủ cơ sở làm tóc và móng Ngân Minh (đường Xuân Diệu, TP Hà Tĩnh) cho hay: “Được phép hoạt động xuyên suốt từ giữa tháng 9 tới nay, mỗi ngày chúng tôi đón khoảng 20 – 30 lượt khách. Đặc biệt dịp cuối năm này, nhu cầu làm đẹp tăng cao nên khách đông hơn, góp phần tăng doanh thu cho cửa hàng và thu nhập cho nhân viên”.
Hoạt động xuyên suốt từ tháng 9 tới nay, tiệm tóc, móng Ngân Minh đón lượng khách ổn định hơn
Ông Nguyễn Văn Tùng – cán bộ Phòng Kinh tế TP Hà Tĩnh thông tin: “Với khoảng 6.000 cơ sở hoạt động, ngành thương mại - dịch vụ hiện nay chiếm đến 64,74% cơ cấu kinh tế của địa phương. Năm 2021, giá trị thương mại - dịch vụ đạt 8.506 tỷ đồng, tăng 7,4% so với năm 2020.
Mặc dù hiện nay hoạt động vẫn trầm lắng so với thời điểm trước dịch do người dân còn tâm lý e ngại dịch bệnh, song với cơ chế thông thoáng, tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh, ngành thương mại - dịch vụ những tháng cuối năm đã từng bước ổn định và tăng trưởng tốt hơn”.
Linh hoạt phòng chống dịch, các cơ sở thương mại - dịch vụ được tạo điều kiện thuận lợi hoạt động.
Theo các chủ cơ sở, dù vui mừng, phấn khởi khi được tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh nhưng vẫn luôn tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 để đảm bảo an toàn cho bản thân và khách hàng.
“Lượng khách đến đông giúp cơ sở có doanh thu tốt, tuy nhiên cũng không vì thế mà chúng tôi lơ là các biện pháp phòng, chống dịch. Từ nay tới tết Nguyên đán, dự đoán lượng khách sẽ đông hơn, cơ sở sẽ luôn nhắc nhở khách mang khẩu trang khi vào tiệm. Cuộc sống đang dần trở lại trạng thái bình thường mới, mỗi người dân có ý thức sẽ góp phần bảo vệ thành quả phòng chống dịch suốt thời gian qua” – chị Nguyễn Thị Thương, chủ tiệm làm móng tại thị trấn Thạch Hà chia sẻ.
Các hoạt động mua sắm, dịch vụ làm đẹp dự báo sẽ nhộn nhịp vào những ngày gần tết Nguyên đán. Ảnh chụp tại thị trấn Thạch Hà
Gần tết Nguyên đán cũng là mùa cao điểm của hoạt động thương mại - dịch vụ khi nhu cầu mua sắm, làm đẹp, giải trí… của người dân tăng cao. Do đó, chính sách tạo thuận lợi cho các cơ sở kinh doanh hoạt động cũng là “liều thuốc trợ lực” thúc đẩy phát triển ngành thương mại - dịch vụ cũng như nền kinh tế nói chung.
Theo số liệu từ Cục Thống kê tỉnh, doanh thu từ thương mại - dịch vụ những tháng cuối năm tăng cao so với những tháng trước. Cụ thể, tổng mức bán lẻ hàng hoá tháng 12/2021 ước đạt hơn 3.837 tỷ đồng, tăng 6,84% so với tháng 11 và tổng mức bán lẻ hàng hóa tháng 11/2021 đạt hơn 3.482 tỷ đồng, tăng 2,41% so với tháng 10. Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành, hoạt động kinh doanh kho bãi và các dịch vụ khác tháng 12/2021 cũng tăng từ 6,25 - 23,09% so với tháng 11.
Nhu cầu mua sắm đồ dùng tăng vào dịp cuối năm góp phần đẩy mạnh phát triển hoạt động thương mại - dịch vụ.
Ông Trần Hoài Nam - Trưởng phòng Thống kê kinh tế, Cục Thống kê tỉnh cho biết: Những tháng cuối năm, thực hiện chủ trương “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19”, các biện pháp phòng dịch được điều chỉnh linh hoạt, việc lưu thông hàng hóa thuận lợi hơn, các cơ sở kinh doanh dịch vụ cũng hoạt động dần ổn định.
Nhờ vậy, thị trường bán buôn, bán lẻ hàng hóa, hoạt động dịch vụ trên địa bàn tỉnh trở nên sôi động hơn những tháng trước đó. Ngoài ra, hoạt động kinh tế bình thường hóa góp phần khiến thu nhập của người dân tăng và thói quen, nhu cầu mua sắm đồ dùng tăng vào dịp cuối năm cũng là yếu tố đẩy mạnh hoạt động thương mại - dịch vụ.