Lộc Hà mỗi năm huy động khoảng 40 tỷ đồng bảo tồn các công trình văn hóa

(Baohatinh.vn) - Huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) luôn ưu tiên chăm lo xây dựng không gian, môi trường sinh hoạt văn hóa để phục vụ đời sống tinh thần Nhân dân.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
2 - Copy.jpg
Lễ đón rước bằng di tích quốc gia đền Phạm Tôn Tuyển

Cách đây chưa lâu, UBND huyện và dòng họ Phạm Bá (thôn Hợp Tiến, xã Mai Phụ) đã tổ chức đón nhận bằng di tích quốc gia đền thờ Phạm Tôn Tuyển. Trong 2 ngày lễ hội, Nhân dân trong vùng được thưởng thức các làn điệu dân ca, màn trống hội do đội trống họ Phạm Bá biểu diễn; những màn múa lân đặc sắc, linh hoạt; nhiều tuyến đường quê rợp bóng cờ đỏ sao vàng, cờ ngũ sắc...

Anh Phạm Bá Quốc ở thôn Hợp Tiến (xã Mai Phụ) chia sẻ: “Lễ hội đã khơi dậy lòng tự hào, tạo môi trường giáo dục truyền thống để mọi người không ngừng nỗ lực cống hiến, xây dựng quê hương ngày càng phát triển...”.

4 - Copy.jpg
Lễ hội cầu ngư ở đền thờ Sát Hải Đại Vương (xã Thịnh Lộc).

Lộc Hà là vùng quê giàu “trầm tích” nên các địa phương luôn quan tâm, chăm lo xây dựng không gian văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, nhất là trong các dịp lễ hội. Hàng chục lễ hội được tổ chức mỗi năm đều mang đậm yếu tố truyền thống, nhân văn, thu hút du khách thập phương và Nhân dân trong vùng tham gia. Trong đó, nổi bật là lễ hội chùa Chân Tiên (Thịnh Lộc), lễ hội chùa Kim Dung (thị trấn Lộc Hà), Giỗ vua Mai (Mai Phụ), lễ hội đền Chiêu Trưng đại vương Lê Khôi (Thạch Kim)...

Việc tổ chức các lễ hội truyền thống được gắn liền với công tác trùng tu, tôn tạo, bảo quản 7 di tích lịch sử cấp quốc gia, 64 di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh và hàng trăm công trình văn hóa. Bình quân mỗi năm, Lộc Hà huy động khoảng 40 tỷ đồng (chủ yếu nguồn xã hội hóa) để bảo tồn, lưu giữ công trình văn hóa cho hậu thế. Qua đó, góp phần quan trọng trong việc khôi phục, tạo dựng các địa điểm sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng phục vụ nhu cầu của người dân.

6 - Copy.jpg
Các hội diễn văn nghệ quần chúng ở Lộc Hà ngày càng được đầu tư công phu, chất lượng.

Hiện nay, trên địa bàn Lộc Hà đang có 11 câu lạc bộ dân ca ví, giặm và 1 câu lạc bộ Trò Kiều thường xuyên biểu diễn phục vụ quần chúng. Ngoài ra, mỗi năm, toàn huyện còn tổ chức khoảng 54 – 56 chương trình văn hóa, nghệ thuật quần chúng và 90 giải thể thao cấp xã, 7 giải thể thao cấp huyện...

Bà Nguyễn Thị Phương Loan – Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin huyện Lộc Hà cho biết: “Từ 2014 đến nay, toàn huyện đã huy động hàng chục tỷ đồng xây mới, nâng cấp 4 nhà văn hóa và 12 khu thể thao cấp xã, 79 nhà văn hóa và 98 khu thể thao thôn, mở 4 sân bóng đá nhân tạo... Việc ưu tiên đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao đã tạo ra những điểm không gian tốt và nhiều khu vực thuận lợi cho người dân sinh hoạt văn hóa, hoạt động thể thao, cải thiện đời sống tinh thần”.

3 - Copy.jpg
Lộc Hà huy động nhiều nguồn lực đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa

Phó Chủ tịch UBND huyện Lộc Hà Nguyễn Việt Cường khẳng định: “Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh được xem là nội dung quan trọng nhất trong thực hiện Nghị quyết số 33-NQ-TW ngày 09/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” trên địa bàn.

Vì vậy, chúng tôi đã thường xuyên chỉ đạo, chăm lo, khuyến khích các phòng ngành, địa phương, Nhân dân vào cuộc bằng những việc làm, hoạt động cụ thể. Nhờ có môi trường tốt nên việc xây dựng nếp sống văn hóa trên địa bàn có nhiều chuyển biến tích cực, nhiều nét văn hóa lành mạnh đã được hình thành”.

Chủ đề Đất và người Hà Tĩnh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast