2 lần được gặp Bác Hồ
Đã bước vào tuổi 90, đôi chân đi lại không còn nhanh nhẹn, đôi tay đã hơi run nhưng ông Dương Xuân Thâu vẫn luôn miệt mài với công việc, từ làm từ thiện, chăm lo xây dựng tổ dân phố đến đọc sách, viết báo… Trong ngôi nhà cấp 4 cũ kĩ nằm trong con hẻm ở thị trấn, ông Thâu trải lòng: “Còn sức, còn đóng góp. Mình tuổi cao thì có cách đóng góp của người tuổi cao. Mỗi người phải chung tay một chút thì xã hội mới ngày một tiến bộ được”…
Ông Thâu có hơn 200 đầu sách dùng nghiên cứu hàng ngày, ông dự tính sau này sẽ tặng cho thư viện hội quán tổ dân phố.
Ông là người may mắn được gặp Bác Hồ 2 lần và chính những lần gặp gỡ ấy đã tạo nên những thông điệp cuộc sống mãi theo ông cho đến hôm nay. Lần thứ nhất, ông gặp Bác vào năm 1952. Hồi ấy, ông là đại biểu của tuổi trẻ Hà Tĩnh ra tham dự Đại hội chiến sỹ thi đua toàn quốc khu vực phía Bắc lần thứ 2 được tổ chức tại tỉnh Tuyên Quang. Ông Thâu nhớ lại:
- Gặp tôi, Bác xoa đầu và hỏi: “Cháu ở đâu? Làm nghề gì? Có thành tích gì không?”.
- “Dạ, thưa Bác, cháu ở Hà Tĩnh. Cháu dạy bình dân học vụ. Cháu không có thành tích gì cả. Chỉ là… thực hiện lời kêu gọi “diệt giặc đói, giặc dốt” của Bác, cháu đã xóa mù cho 100 người, trong đó có nhiều cán bộ cốt cán của địa phương”.
- Bác cười hiền: “Rứa là cháu đã ngang bằng việc giết 100 giặc ở ngoài chiến trường rồi đó. Thành tích đáng khen!”.
Sau Đại hội chiến sỹ thi đua khu vực miền Bắc lần thứ 2, ông Thâu được bầu là đại biểu đi tham gia Đại hội Thanh niên thế giới lần thứ IV tại Rumani và được ở lại các nước XHCN ở Đông Âu tham quan, học tập 1 năm. Ngày trở về, ông tiếp tục được gặp Bác Hồ. Vẫn phong thái ung dung, ánh mắt hiền từ, Bác xoa đầu và nói: “Ở Việt Nam ta còn khổ lắm, cơm chưa đủ ăn, áo chưa đủ mặc, sang bên ấy cháu thấy thế nào?”.
- “Dạ thưa Bác, rất tốt ạ. Cháu đã tăng được 14 kg so với lúc đi…”.
- “Cháu về nói với nhân dân là 14 kg quốc tế nhé. Các cháu phải tuyên truyền cho nhân dân hiểu thành quả xây dựng XHCN, tiếp tục đánh thực dân Pháp, giải phóng đất nước, xây dựng CNXH để nhân dân được sung sướng như các nước bên ấy!”.
Bấy giờ, ông Thâu mới 19 tuổi. Sau khi gặp Bác Hồ, chàng trai trẻ được phân công vào Bình Trị Thiên công tác để tuyên truyền về kết quả Đại hội thanh niên thế giới lần thứ IV. Hồi ấy, giao thông khó khăn, phương tiện không có, ông cùng các thành viên đi bộ từ chiến khu Việt Bắc đến chiến khu Bình Trị Thiên mất đến 6 tháng ròng. Khó khăn, đói, rét… nhưng tất cả đều vượt qua bởi những lời căn dặn của Bác chính là sứ mệnh, là niềm tin tất thắng…
Thực hiện sứ mệnh “14 kg quốc tế”
Hoàn thành nhiệm vụ được giao, ông Thâu trở về địa phương và được phân công làm cán bộ đoàn, sau đó trở về công tác trong ngành giáo dục. Năm 1964, ông được Huyện ủy Cẩm Xuyên điều về làm cán bộ tuyên giáo. Năm 1967, ông giữ chức Chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên. Đến lúc được nghỉ chế độ theo quy định của Nhà nước, ông vẫn tiếp tục tham gia các tổ chức hoạt động xã hội. Dù ở cương vị nào, ông cũng luôn là người cán bộ mẫn cán, tận tâm, trách nhiệm, sống giản dị, vui với cái vui của dân chúng và buồn với nỗi buồn của dân chúng.
Ông Thâu chia sẻ về những điều học và làm theo tấm gương đạo Hồ Chí Minh tại hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị do huyện Cẩm Xuyên tổ chức
Một điều rất đặc biệt là chính ông Thâu luôn lấy việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh để thực hiện tốt sứ mệnh được giao. Ông học Bác ở “cần, kiệm, liêm, chính”, về học tập suốt đời và rèn luyện sức khỏe, về lòng bác ái, thương người…
Anh Nguyễn Ngọc Long, người hàng xóm của ông Thâu vui vẻ: Bác Thâu là “của hiếm” đấy, không chỉ của thôn mà là của toàn huyện. Hiếm thứ nhất là về sức khỏe, tuổi thọ, 90 tuổi nhưng còn tham gia các việc xã hội rất tốt. Thứ 2 là về sự chuẩn mực, lòng nhân ái. Tất cả các phong trào của tổ dân phố bác đều là người tiên phong, gương mẫu, làm “đầu tàu” cho phong trào. Bác còn đặc biệt quan tâm đến khuyến học và những mảnh đời bất hạnh. Nghe đài, báo giới thiệu về các địa chỉ tình thương, bác lại lặn lội đến từng nhà để trao quà… Bác đã lập hòm “Tiết kiệm vì gia đình và xã hội” trong gia đình để dành cho công tác từ thiện…
90 tuổi xưa nay hiếm, ông Thâu vẫn còn làm đầu tàu cho 4 tổ chức xã hội, đó là Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt – Nga (Cẩm Xuyên); Trưởng ban Hưu trí Cẩm Xuyên, Chủ tịch Hội đồng hương họ Dương Hà Tĩnh và Chủ nhiệm CLB Thơ Đường huyện Cẩm?Xuyên. Thêm điều hiếm nữa là ông còn mua máy vi tính để học. Tôi ngạc nhiên: “90 tuổi rồi bác vẫn còn học vi tính?”. “Học chứ, ông đã đánh văn bản được rồi đấy. Thời đại công nghệ thông tin, mình viết bài báo cũng phải đánh máy để gửi các tòa soạn cho đàng hoàng, mà mình cũng khỏe hơn. Hơn nữa, qua đây cũng để giáo dục con cháu là sự học không bao giờ ngừng nghỉ” - ông Thâu chia sẻ.
Cứ thế, ông Thâu say sưa kể cho tôi nghe những câu chuyện trong suốt hành trình dài phấn đấu của mình. Tôi hăm hở ngồi nghe ông như đứa trẻ nghe mẹ kể chuyện cổ tích và nhận ra, lắng sâu trong mỗi câu chuyện, dù việc lớn hay việc nhỏ, ông luôn nghĩ cho người khác với mong muốn thiết tha là xã hội được tiến bộ hơn và người dân được sung sướng hơn như lời căn dặn của Bác Hồ.