Tôi sinh ra tại xã Thạch Kênh (Thạch Hà - Hà Tĩnh); 17 tuổi đã thoát ly gia đình. Năm 1957, tôi được Ty Y tế Hà Tĩnh cử đi học lớp Dược tá do Bộ Y tế mở tại Hải Phòng. Ngày 30/5/1957, Bác Hồ về thăm TP Hải Phòng lần thứ hai. Tôi vinh dự là 1 trong 3 học viên xuất sắc được cử đi gặp Bác.
Bác Hồ làm việc tại Phủ Chủ Tịch. Ảnh: Tư liệu
Trong buổi nói chuyện, Bác nói về chủ nghĩa cá nhân. Bác nói: “Chủ nghĩa cá nhân là một tật xấu, nó làm hư hỏng con người. Khi đã có đầu óc cá nhân thì cho mình là cao siêu, ích kỷ, cái gì cũng muốn hơn người, có khi còn tìm cách chen vào lãnh đạo. Người lãnh đạo mà mang chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, hẹp hòi vào cơ quan nhà nước thì tai hại cho dân, cho đất nước vô cùng. Cho nên Đảng ta, Nhà nước ta luôn luôn chủ trương chống chủ nghĩa cá nhân. Các chú, các cô, các cháu có đồng ý với Bác chống chủ nghĩa cá nhân trong mỗi người chúng ta không?”. Toàn thể hội trường đồng thanh trả lời: “Thưa Bác, có ạ”. Bác bảo “tốt” và nói tiếp: “Thế thì phải học tập văn hóa, chính trị, học chủ trương, đường lối của Đảng và Chính phủ cho kỹ, cho thông. Phải nêu cao tinh thần tập thể, quét sạch chủ nghĩa cá nhân trong mỗi người, Bác lại hỏi: “Có đồng ý không?”. Mọi người đồng thanh trả lời: “Thưa Bác, đồng ý ạ”.
Bà con làng Sen, xã Kim Liên đón Bác về thăm quê nhà. Ảnh: Tư liệu
62 năm đã đi qua nhưng những lời dạy hôm ấy của Bác, với tôi vẫn như mới hôm qua… Sau buổi gặp Bác, tôi đã cố gắng học tập thật tốt và trở thành một trong 2 học sinh tốt nghiệp loại xuất sắc. Về Hà Tĩnh công tác, qua quá trình rèn luyện, phấn đấu, năm 1960, tôi được bầu là chiến sỹ thi đua ngành y tế Hà Tĩnh.
Năm 1961, tôi được cơ quan cử đi học Trường Bổ túc văn hóa công nông Trung ương (đóng tại xã Kim Liên, Nam Đàn, Nghệ An). Thật hạnh phúc khi tôi có dịp gặp Bác lần thứ 2 lúc Bác về thăm quê vào ngày 9/11/1961.
Tác giả Nguyễn Xuân Hướng truyền đạt kinh nghiệm cho thế hệ trẻ
Hôm ấy, học sinh của nhà trường vinh dự được đứng làm hàng rào danh dự đón Bác. Khi Bác đi từ nhà ra sân vận động để nói chuyện với nhân dân, đi đến gần tôi, Bác dừng lại hỏi: “Cháu làm gì ở đây?”. “Thưa Bác, cháu học Trường Bổ túc văn hóa công nông”. Bác hỏi tôi: “Công nông là gì?”. Tôi thưa với Bác: “Thưa Bác, trường bổ túc văn hóa công nông là nơi bồi dưỡng văn hóa cho cán bộ, con em công nhân và nông dân để sau này làm việc cho tốt, góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội ạ”. Bác cười rồi đi ra chỗ mít tinh.
Sau 3 năm học tập tại Trường Bổ túc văn hóa công nông Trung ương, tôi tốt nghiệp loại giỏi. Năm 1965, tôi được cử đi học ở nước ngoài.
Năm 1969, Bác đi xa, chúng tôi vô cùng thương tiếc và càng cố gắng học tập để về nước công tác tốt. Riêng tôi, khi tốt nghiệp được Bộ Y tế phân công về công tác tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô. Năm 1980, tôi được Bộ Y tế giao nhiệm vụ tham gia Ban Bảo vệ sức khỏe Trung ương, trực tiếp chăm sóc sức khỏe các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước.
Tác giả Nguyễn Xuân Hướng và vợ của mình - bà Trần Thị Đào
Trong 30 năm công tác tại bệnh viện, có 15 năm là Phó Giám đốc - Bí thư Đảng ủy, tôi luôn nhớ lời Bác dạy, cố gắng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Liên tục 20 năm là chiến sĩ thi đua, 2 lần chiến sĩ thi đua ngành y tế toàn quốc; Đại biểu Quốc hội khóa X và XI. Năm 2003, tôi được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Thầy thuốc nhân dân. Ngoài ra, tôi còn được tặng thưởng 2 Huân chương Lao động hạng Nhì, hạng Ba; Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Ba; 2 bằng khen của Thủ tướng Chính phủ…