Trong bản Di chúc lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: "Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là việc rất quan trọng và rất cần thiết” (Ảnh tư liệu).
Cương lĩnh hành động của cả dân tộc
Bản Di chúc được Bác viết lần đầu tiên năm 1965, khi Bác 75 tuổi. Sau này, đồng chí Vũ Kỳ kể lại ngày đầu tiên Bác viết văn kiện quan trọng này như sau: “Tôi nhớ mãi sáng tháng năm ấy... trời cao và trong xanh. Mây trắng lững lờ trôi trên bầu trời Ba Đình. Phía đầu hồi nhà sàn chim nhảy chuyền cành gọi nhau ríu rít... Đó là buổi sáng thứ hai, ngày mùng 5 tháng 5 năm 1965” (1). “Đúng 9h, Bác Hồ ngồi chăm chú viết. Vấn đề chắc đã được suy ngẫm từ lâu... Chính vào giờ phút đó, Bác Hồ đặt bút viết những dòng đầu tiên vào tài liệu “Tuyệt đối bí mật” để dặn lại mãi mãi mai sau...”(2). Sau đó, Di chúc được Bác sửa lại và bổ sung thêm vào các năm 1968, 1969.
Di chúc là một văn kiện lịch sử vô giá, kết tinh trong đó tinh hoa tư tưởng, đạo đức, mong muốn của một con người vì nước, vì dân, suốt đời phấn đấu hy sinh cho độc lập, tự do của dân tộc, no ấm, hạnh phúc cho nhân dân, dân chủ, hòa bình cho nhân loại. Toát lên trong văn kiện vô giá này là những lời căn dặn ân cần, tình cảm thiết tha, niềm tin sâu sắc của tâm hồn cao đẹp mà Người gửi lại cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, thế hệ mai sau nên nó có giá trị như một cương lĩnh hành động của cả dân tộc trong sự nghiệp thống nhất đất nước, thôi thúc toàn dân tộc hành động trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Những dòng đầu tiên của Di chúc Bác nói về Đảng. Bác nhắc lại truyền thống tốt đẹp của Đảng là đoàn kết, là hết lòng phục vụ nhân dân. Bác đưa ra một số tiêu chuẩn để đảm bảo sự cầm quyền của Đảng như: “Phải đoàn kết trong Đảng; thực hành dân chủ rộng rãi; cán bộ, đảng viên phải thấm nhuần đạo đức cách mạng; Đảng phải bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau; Đảng phải có kế hoạch phát triển kinh tế, văn hóa nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân”.
Tiếp theo, Bác nói đến cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ cứu nước. Bác nhận định: Cuộc kháng chiến chống Mỹ có thể kéo dài mấy năm nữa. Đồng bào ta có thể phải hy sinh nhiều của, nhiều người. Dù sao chúng ta phải quyết tâm đánh giặc Mỹ đến thắng lợi hoàn toàn.
Rồi Bác nói đến công việc đối với con người. Thật toàn diện, Bác quan tâm đến nhiều thành phần trong xã hội và có những chỉ dẫn sâu sát đối với những người trực tiếp gắn với cuộc kháng chiến và kiến quốc của dân tộc như: Những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình trong kháng chiến như thương binh, liệt sỹ, cha mẹ, vợ con của thương binh, liệt sỹ, những chiến sỹ trẻ tuổi, với phụ nữ, với nạn nhân của chế độ cũ.
Là một chiến sỹ cộng sản trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế nên trong Di chúc, Bác đã đề cập đến vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam với các đảng cộng sản anh em. Bác mong muốn Đảng ta sẽ ra sức hoạt động góp phần đắc lực vào việc khôi phục lại khối đoàn kết giữa các đảng anh em trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin và chủ mnghĩa quốc tế vô sản có lý, có tình. Bác tin chắc rằng, các đảng anh em và các nước anh em nhất định sẽ phải đoàn kết lại.
Và cuối cùng, Bác mới nói đến việc riêng của mình. Thật nhẹ nhàng... Bác cảm thấy không có gì hối hận khi từ biệt thế giới này. Chỉ tiếc rằng, không sống được lâu hơn để phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân.
Khu lưu niệm Bác Hồ về thăm Hà Tĩnh tại TP Hà Tĩnh
Thực hiện điều mong muốn cuối cùng của Bác
Điều mong muốn cuối cùng của Bác là “toàn Đảng, toàn dân đoàn kết, phấn đấu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ, giàu mạnh và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”.(3)
Ngay sau ngày Bác đi xa, Đảng đã lãnh đạo nhân dân thực hiện Di chúc của Người. Từng bước một, chúng ta thực hiện những di huấn của vị lãnh tụ kính yêu. Trước mắt là tập trung nhân tài, vật lực hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trên phạm vi cả nước, non sông thu về một mối, đưa đất nước phát triển theo con đường XHCN. Tiếp đó là xây dựng, chỉnh đốn Đảng ngang tầm thời đại; chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân; làm tốt công tác đền ơn đáp nghĩa; tích cực hoạt động góp phần vào việc đoàn kết các đảng cộng sản và các nước anh em.
Cùng với cả nước, suốt nhiều năm qua, Hà Tĩnh đã nỗ lực thực hiện tốt lời di huấn của Người, góp phần vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. (Ảnh: Thanh Hải)
Di chúc của Người từng bước được thể chế hóa thành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước. Những chủ trương đó sớm đi vào cuộc sống và phát huy giá trị tích cực bởi đó là những hoạch định có tính chiến lược cho cách mạng Việt Nam, do vậy đem lại những thành công trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa xã hội, QPAN và đối ngoại.
Có thể khẳng định rằng, thực hiện và làm theo những chỉ dẫn của Người trong Di chúc, đất nước Việt Nam tái thiết thành công, vươn mình và ngày một phát triển, đã khẳng định vị thế của mình trong khu vực và trên trường quốc tế. Những lời thề của chúng ta khi Bác đi xa đã lần lượt được thể chế hóa thành chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật nhằm mang lại độc lập cho dân tộc, ấm no, tự do, hạnh phúc cho nhân dân.
Dù còn không ít khó khăn và thách thức, trên một số lĩnh vực của công tác quản lý, đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng cán bộ, song với quyết tâm chính trị và bản lĩnh của một Đảng cầm quyền do Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện, với những kết quả đã đạt được qua hơn 30 năm đổi mới, trong công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng, đặc biệt là gắn thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” với Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”, nhất định Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ lãnh đạo nhân dân xây dựng thành công một nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong tương lai.
Với những giá trị đó, Di chúc đã được Đảng, Nhà nước và nhân dân tôn vinh là “Báu vật của quốc gia” mà Bác đã để lại cho Đảng và dân tộc.
-------------------
1.“Bác Hồ viết Di chúc” - Hồi ký của Vũ Kỳ, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1989, trang 5.
2.Sđd trang 6.
3.Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nxb Sự thật, Hà Nội, 2007.