+ Bài 1: Gia đình mẹ liệt sỹ khốn khổ vì bị nghi nuôi “ma thuốc độc”
+ Bài 2: Tận mắt xem thầy lang bắt "ma thuốc độc" tại Hà Tĩnh
Chưa từng nhìn thấy “ma thuốc độc”
Người dân làng Yên Ngư, xã Xuân Yên khẳng định có “ma thuốc độc”.
Tiếp xúc với chúng tôi, chị Trần Thị Vân (SN 1976, trú làng Yên Ngư, Xuân Yên, Nghi Xuân) một mực khẳng định “ma thuốc độc” là có thật. Chị Vân còn đưa ra dẫn chứng trong nhà có thành viên đã bị mắc, nhưng đã được thầy lang chữa lành.
Hiện tại 2 đứa cháu của chị cũng đang mắc “thuốc độc”. Thế nhưng, khi được hỏi về thuốc độc là loại như thế nào, chị Vân lắc đầu: “Tôi chưa nhìn thấy hình thù nó thế nào”.
Chị Vân kể các triệu chứng người bị mắc bệnh “ma thuốc độc” nhưng lại không biết thuốc độc là gì, màu sắc hay hình thù thế nào.
Tin đồn “ma thuốc độc” đã làm xáo trộn cả vùng quê.
Không chỉ có người dân mà ngay cả những “thầy lang” chuyên hành nghề bắt “ma thuốc độc” cũng không rõ nó là gì. Trong câu chuyện với thầy lang Nguyễn Thị Loan (trú thôn Thành Tiến, xã Xuân Thành – Nghi Xuân), chúng tôi hỏi về “ma thuốc độc” thế nào thì bà này chỉ trả lời quanh co như: Thuốc độc được bỏ vào thức ăn chín hoặc để vào tay vỗ vai người khác nhằm làm cho bị hại mắc nhiều chứng bệnh. Còn về câu hỏi thuốc độc màu gì, hình thù thế nào thì bà Loan không trả lời được.
Những thầy lang “cơ hội” tung tin đồn ma thuốc độc" để bán những gói thuốc không có rõ nguồn gốc như thế này
Rõ ràng, chính những người trong cuộc không biết ma thuốc độc là gì nhưng lại thêu dệt nên những câu chuyện đầy ma mị, truyền tai nhau từ người này qua người khác gây hoang mang dư luận, làm tổn hại danh dự của những người bị nghi oan khiến cuộc sống của họ trở nên điêu đứng mà trường hợp mẹ liệt sỹ Trần Thị Phương (trú làng Yên Ngư, xã Xuân Yên) là một điển hình.
Cơ quan chức năng nói gì về “ma thuốc độc”?
Mang những câu chuyện buồn nói trên trao đổi với Tiến sỹ Nguyễn Lương Tâm - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Tĩnh, được hay, chuyện về “ma thuốc độc” hoàn toàn không có cơ sở mà chỉ là do người dân quá mê tín, tin vào những thầy lang khám bệnh khi không dựa trên cơ sở khoa học. Về việc đồn thổi “ma thuốc độc” ở Nghi Xuân, đơn vị đang cho cấp cơ sở kiểm tra, xem xét.
“Hiện đang là thời điểm giao mùa, nắng gắt gây ra cảm nắng, suy nhược cơ thể (do thiếu nước và muối), đau bụng, viêm họng… Chúng tôi đã khuyến cáo người dân, khi có các triệu chứng bệnh hãy đến ngay các cơ sở y tế để được thăm khám, chữa trị kịp thời. Nếu người dân tin theo các thầy lang, uống các loại thuốc không rõ nguồn gốc sẽ gây ra hậu quả khôn lường”, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Tĩnh nói thêm.
Thiếu tá Hồ Công Đạt – Phó Trưởng Công an huyện Nghi Xuân.
Thiếu tá Hồ Công Đạt – Phó Trưởng Công an huyện Nghi Xuân cho biết: “Qua công tác nắm tình hình, chúng tôi đã nắm được một số đối tượng sử dụng việc mê tín dị đoan tung tin về “ma thuốc độc” dẫn đến nhiều người người dân tin theo lời đồn thổi, đến các thầy lang khám chữa bệnh.
Chúng tôi lập tổ công tác điều tra, đấu tranh trực tiếp với các đối tượng hành vi lừa đảo, mê tín dị đoan. Sắp tới sẽ có biện pháp mạnh với những thầy lang hành nghề “bắt ma thuốc độc” trên địa bàn."