Hình như cuối năm lỗi mạng, sóng điện thoại chập chờn. Trên này sóng kém, chỗ cửa sổ phòng thường ngày là nơi duy nhất có sóng giờ cũng bị nghẽn mạng. Chiếc điện thoại cứ thế nằm im trên đó không nhúc nhích. Phi sợ nó reo. Sợ cái cảm giác chung chiêng nhớ nhà vào những dịp cuối năm như thế này khiến anh không thể cầm lòng bởi đã 3 năm rồi không lý do này cũng lý do khác, lần nào anh cũng lỡ chuyến về quê.
"Phi yêu lũ trẻ. Yêu ánh mắt thân thương như con nai, con thỏ ngơ ngác trước những trang sách đầu đời". Minh họa của Huy Tùng.
*
Bản Mọ là nơi anh đã nghe kể rất nhiều trong câu chuyện của ba anh. Một người lính được giao nhiệm vụ tăng cường giữ vững vùng biên những năm 90 của thế kỷ trước đã không ngần ngại xung phong lên đường bám làng, bám bản. Ba đi được ít tuần thì mẹ sinh, khi Phi được ba bồng trên tay anh đã sang tuổi thứ 2 nên trong nỗi nhớ của anh, ba và bản Mọ trở thành nơi vô cùng thân thương dù rằng đó không phải là quê hương bản quán. Vì thế, khi Phi đăng ký dạy điểm trường bản Mọ giữa lưng chừng núi này, ba thì cười còn mẹ thì khóc nhưng rồi cũng xiêu lòng: “Cha con ông ngang như cua ai mà chịu nổi”.
Phi nhớ lễ khai giảng đầu tiên diễn ra thật ấn tượng. Buổi sáng, khi sương mù đặc quánh nhìn không rõ mặt người, đám trẻ con đã tập trung đông đủ. Điểm trường chưa có điện, ngọn nến được đặt ở bàn chỉ đủ để anh đếm được đầu bọn trẻ con lố nhố vây quanh. Khi nhìn được rõ lá cờ thì trời đã chuyển sang trưa từ bao giờ, lễ khai giảng được tổ chức bằng bữa cơm đạm bạc với măng rừng và cá khô kho queo cùng rổ sắn lũ trẻ vừa lúi húi luộc.
Phi yêu lũ trẻ. Yêu ánh mắt thân thương như con nai, con thỏ ngơ ngác trước những trang sách đầu đời. Có đôi đứa nói còn chưa sõi, bập bẹ mãi nhưng sáng dạ, chăm học. Phi nhìn vào những đôi mắt ấy lại như thấy hình ảnh của ba mình nhiều năm trước, mới biết được làm sao ba yêu quý nơi đây vô cùng.
Mùa xuân trên Mù Cang Chải (Tây Bắc). Ảnh: Internet.
Nhiệm vụ của tổ trinh sát ở đây là chốt giữ vùng biên. Ngày ngày, ngoài những buổi tuần tra canh gác, ba tổ chức dạy học cho bọn trẻ. Bản không có cầu qua suối, vào mùa mưa nó gần như bị chia cắt hoàn toàn với bên ngoài. Bao năm qua, lũ trẻ con cứ trông ngóng có cô giáo đến bản nhưng vô vọng. Cho đến ngày ba lên đây làm thầy giáo mang quân hàm xanh, lũ trẻ mới được cầm trên tay cuốn sách đầu tiên.
Bản Mọ không mấy thay đổi. Vẫn con đường độc đạo băng qua suối. Phi nhìn ngôi nhà cấp 4 lợp mái tôn nằm chênh vênh trên đỉnh dốc đang chìm trong sương mù bần thần. Đã xác định lên đây là chấp nhận mọi khó khăn, nhưng những gì anh tưởng tượng ra cũng không thể nào so sánh với hiện thực đang diễn ra trước mắt. 20 đứa trẻ sẽ học trong căn phòng này, anh sẽ ở bên chái nhà tranh vừa được lợp lên nép ngay bên cạnh. Mùa hè nắng lửa, mùa đông lạnh cắt da, cắt thịt, sương mù kéo dài lê thê khiến anh chần chừ nhưng lũ trẻ con hình như đã dậy từ rất sớm, chúng đứng đây chờ anh. Không ngần ngại, chúng lao tới vây lấy anh ríu ra ríu rít.
Dù đã xác định trước những khó khăn có thể đến với mình nhưng khi chính thức bước chân trên những vách núi, những con đường rừng, anh mới biết những dự đoán, tưởng tượng của mình còn kém xa với thực tế. Việc dạy chữ cho học trò vùng cao còn khó hơn việc vượt núi, băng rừng. Bởi dân bản ở đây hầu hết là người mù chữ và không biết tiếng phổ thông; cuộc sống nghèo nàn, lạc hậu, thiếu thốn đủ bề. Những ngày đầu đứng lớp, anh không hiểu học sinh nói gì, còn anh giảng bài thì học sinh cũng không hiểu. Vậy là chỉ còn cách mỗi khi sau giờ lên lớp Phi lại học tiếng dân tộc, phong tục tập quán của họ. Khi biết tiếng bản địa, anh dễ dàng tiếp cận học sinh và trao đổi giúp các em tiếp thu dễ hơn. Cứ như thế, anh gần gũi hơn với học trò, còn học trò thì yêu thầy giáo hơn, chúng không còn tự ý bỏ học nhiều như trước nữa.
Học sinh vùng cao sau giờ tan trường. Ảnh: Internet
Khi đã tưởng mọi việc êm ả thì đến một ngày, đấy là đầu mùa mưa, Phi lần đầu tiên được chứng kiến một cơn mưa rừng vần vũ đến như thế. Gió rít từ trên cao dội xuống như lốc xoáy bốc luôn mái nhà vừa mới lợp dựng cho anh. Phi nằm trên chiếc giường tre nhỏ giật mình nhìn thấy xung quanh mình trắng xóa, mờ mịt. Anh chỉ kịp vơ vội túi đồ chạy lên trú nhờ nơi lớp học.
Những ngày sau đó thật dài. Nó dài trong nỗi mệt mỏi lẫn chán chường của người chưa chịu nhiều va vấp. Anh chẳng còn lại chút gì ngoài bộ đồ trên người và chiếc điện thoại sập nguồn vì ướt nước cùng với những cơn sốt rét li bì không dứt.
Phi đã gần như tuyệt vọng. Anh chỉ muốn trở về ngôi nhà của mình ăn cơm cùng ba mẹ trên chiếc bàn gỗ sang trọng, muốn cùng lũ bạn uống chút rượu cay rồi cùng nhau phóng xe ra ngoại ô hay lên rừng thông tổ chức những bữa tiệc picnic vui vẻ. Rồi anh sẽ có một việc làm ở phố, sáng chiều ra vào phòng điều hòa, mọi việc nơi đây sẽ chỉ còn là kỷ niệm đánh dấu một thời tuổi trẻ sôi nổi. Anh không phải là thiên sứ, trách nhiệm này cũng không phải của riêng anh, không có anh sẽ có bao người lên đây tình nguyện dạy học và cắm bản. Họ cũng sẽ đi tăng cường như anh, lên rồi để về. Phi biện minh như thế rồi tựa vào tường thiếp đi một lúc. Khi anh tỉnh dậy, giống như một giấc mơ vừa qua, căn nhà đã lại được dựng lên ở đó tự bao giờ. Và lũ trẻ con đang ríu rít đi gom củi khô tấp vào một góc nhà. Giọng thằng Vơn vui như reo:
- Thầy ơi, mẹ nấu cháo bảo em mang cho thầy.
- Các bạn đâu rồi?
Điểm Trường Tiểu học Phú Gia tại bản Phú Lâm (xã Phú Gia, Hương Khê, Hà Tĩnh)
Bọn con gái giặt đồ dưới suối, có đứa hái rau rừng… còn mấy đứa nữa đang nằm trên giường của thầy không chịu làm gì - nó vừa nói, vừa cười nhe răng sún - cháo trứng mẹ em nấu là ngon nhất.
Phi hết nhìn bát cháo bốc khói nóng hổi rồi nhìn ánh mắt háo hức của thằng Vơn.
- Em lại lấy bát múc ra ăn đi - Anh đẩy bát cháo lại phía nó - Nhiều quá, thầy ăn không hết được.
- Không không - Thằng Vơn xoắn xuýt - Mẹ dặn rồi, mẹ nói cháo để thầy ăn cho mau khỏe. Quả trứng đó là mẹ đi vay của nhà hàng xóm về nấu cháo, bao giờ gà nhà đẻ mẹ sẽ nấu cho em bát cháo khác.
Phi nâng thìa cháo rưng rưng nước mắt. Đến miếng ngon cuối cùng người dân nơi đây cũng dành tặng cho anh thì làm sao anh có thể đành lòng rời bỏ nơi đây mà đi được.
*
Mưa miết rồi cũng dừng. Nắng lên sáng rỡ. Cây cối như được hồi sinh đâm nụ, nảy chồi. Ngay từ sáng sớm, từ người già đến trẻ nhỏ đã rủ nhau cùng lên rừng hái măng. Những bụi tre, lồ ô được tắm no mưa rừng đội đất nhô lên như chông. Phi thích những buổi dã ngoại như thế, anh lại được lũ học trò dạy lại cho anh nhiều điều.
Thằng Vơn là đứa trẻ hiếu động. Nó nhanh nhẹn như một con sóc khéo léo hướng dẫn anh cách bóc từng bụm măng sao cho khỏi ngứa, luộc măng sao cho mềm và ngọt. Nó bày cho anh cách đặt bẫy, cách nhận biết các loại rau rừng ăn được, lại còn mang cho anh cả chiếc gùi để anh tiện mang theo khi vào rừng. Phi nhìn thằng Vơn thoăn thoắt làm mọi việc thấy yên lòng. Nó là đứa học trò sáng dạ, lại nhiệt tình, được dạy dỗ tốt mai này anh tin nó sẽ đi xa hơn.
Có một trưa ngồi giở cơm nắm ăn cùng măng rừng chấm muối ớt, nó hỏi:
- Thầy học cái gì mà sao về làm thầy giáo?
- Để thành thầy giáo, thầy phải học rất nhiều trường lớp. Đến giờ vẫn đang tiếp tục học.
- Vậy có phải lúc đi học thầy bé như em, giờ già mới về đây làm phải không?
- Ừ - Phi cười khùng khục nghĩ đến ông già vừa qua tuổi 25 và chưa có người yêu như anh rồi mắng yêu - tao này mà già hả mày?
- Ừ ha, em cũng muốn làm thầy giáo - Vơn nhanh nhảu đánh trống lảng.
- Hứa nhé!
- Vâng…
Học sinh dân tộc ở Hương Khê (Hà Tĩnh) đọc sách tại trường học.
*
Sang tháng thứ ba, Phi quyết định về thăm nhà. Từ khi lên đây, thường tháng một lần Phi mới về thăm nhà. Ban đầu anh háo hức lắm. Đám bạn đa phần ở thị trấn chào đón anh bằng những cuộc nhậu tràn đêm lượt là váy áo. Kinh tế khá giả, tuổi trẻ đẹp đẽ làm cho họ nổi bật hẳn lên. Họ buôn bán, đầu tư bất động sản, xe cộ, nhà cửa cứ như dưới phố… Nhưng lâu dần, những câu chuyện quanh quẩn với việc làm tiền và tiêu tiền của lũ bạn khiến Phi thấy chạnh lòng. Phi đã không ngờ rằng, chỉ mới một thời gian ngắn thôi anh đã gần như bị đánh bật ra khỏi thế giới phồn hoa đô hội của người phố thị:
- Về đi chớ, có cái gì hay ho mà mày bám mãi trên mấy cái bản đó?
- Khéo mày mọc đuôi rồi cũng không về được! - Đám bạn nói rồi cười lên một tràng dài sau màn cụng ly tanh tách.
Phi nhấp ly rượu, thấy vị cay thấm dần đầu lưỡi đến tê dại. Biết bao lần Phi đã muốn trở về. Vậy mà lần quyết định trở về này lại khiến anh hoang mang vô cùng. Anh đang đứng ở đâu giữa cuộc sống xô bồ này. Bạn bè anh và lũ trẻ là hai hình ảnh trái ngược của cuộc sống đang song song tồn tại khiến anh phải lựa chọn. Rượu làm anh chếnh choáng, Phi lặng lẽ dắt xe về trước.
Ba anh đã ngồi chờ ở sân từ bao giờ, ấm trà mới pha còn ấm nóng:
- Uống chén nước đã!
- Vâng!
Phi nói rồi ngồi xuống. Anh không nhìn ông. Anh biết mọi sự quyết định lúc này là do anh và ba anh không hề can thiệp.
- Hồi trước, khi lên công tác trên bản, nếu không có sự điều động công tác của tổ chức, ba không nghĩ có ngày mình sẽ trở về, ba thực sự gắn bó với nơi ấy. Lên đến đó, mới thấy cuộc sống của mình, tuổi trẻ của mình thật ý nghĩa.
- Con…
- Mọi sự quyết định là ở nơi con. Dù buồn bực hay chán nản thì cuộc sống vẫn như dòng sông dài chảy mãi. Vậy nên trong những năm tháng có mặt trên cõi đời này, hãy trải nghiệm và sống trọn vẹn với cảm xúc thực và con người thực như mình mong muốn. Sống chỉ vì làm người khác vui lòng, chi bằng khiến bản thân được hạnh phúc. Con hãy nhớ rằng, “Người đi theo đám đông thường không đi xa hơn được đám đông. Người đi một mình có khả năng đến được những nơi mà chưa ai từng bước tới”.
Lời nói của ba đã khiến Phi thêm động lực bám bản, rồi yêu quý nơi đây đến chẳng muốn rời.
*
- Thầy sẽ lên với chúng em chứ!
- Tất nhiên rồi!
Phi xốc ba lô xuống núi. Trời vừa chớm sang chiều, bản Mọ đã xẩm xẩm tối. Vệt hoàng hôn lạnh của những ngày đầu xuân đậm xuống như mật, vòm sáng tụ lại trên những cành hoa mận đã lốm đốm nở. Dưới cánh rừng hoa mận trắng, hoa cải vàng, có người vừa dứt ra khỏi cuộc chia tay. Người thầy giáo đi trước, đám trẻ theo sau líu ríu hẹn hò. Họ bước vội vã xuyên qua những tán cây. Xa xa, phía cuối con dốc, chỗ khúc quanh vào bản, những rặng hồng chín rực như thắp lửa chờ đợi ngày anh trở lại.