Tham dự lễ kỉ niệm có nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Lê Xuân Tùng; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Lê Minh Hưng; Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản Đoàn Minh Huấn.
Về phía Hà Tĩnh có Bí thư Tỉnh uỷ Lê Đình Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tiến Hưng, các đồng chí Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Thường trực HĐND, lãnh đạo UBND, UBMTTQ tỉnh; nguyên lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ; các Mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang; các vị đại biểu, đại diện các tầng lớp nhân dân cùng về dự lễ.
Mở đầu là màn nghệ thuật đậm chất sử thi "Lời ru Âu Lạc" do vũ đoàn Biển Xanh và Trường THPT Hương Sơn biểu diễn
Diễn văn tại lễ kỷ niệm do Chủ tịch UBND huyện Hương Sơn Nguyễn Quang Thọ trình bày đã ôn lại truyền thống hào hùng lịch sử 550 năm xây dựng và phát triển của huyện.
Theo lịch sử, tên gọi huyện Hương Sơn có từ năm 1469, đời vua Lê Thánh Tông. Đây là sự kiện lịch sử trọng đại, phản ánh nấc thang phát triển mới của huyện trong sự nghiệp dựng nước, giữ nước của dân tộc ta và trở thành danh xưng thiêng liêng, rất tự hào của người dân nơi đây.
Chủ tịch UBND huyện Hương Sơn Nguyễn Quang Thọ đọc diễn văn tại lễ kỷ niệm
Phát huy truyền thống của quê hương, trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hương Sơn đã ra sức tranh thủ thời cơ, vượt qua thách thức, đưa huyện ngày càng phát triển.
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng gia tăng tỷ trọng công nghiệp - xây dựng và thương mại dịch vụ. Các mô hình gia trại, nông trại phát triển ngày càng nhiều; thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, dịch vụ có nhiều tiến triển tốt. Xây dựng nông thôn mới đạt được nhiều kết quả vượt bậc với 16/30 xã đạt chuẩn. Mức sống, nếp sống, chất lượng cuộc sống của nhân dân ngày càng được nâng cao.
“Kỷ niệm 550 năm là dịp để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hương Sơn nhìn lại chính mình, soát xét mọi nguồn lực, phát huy sức mạnh to lớn của nhân dân, tìm động lực mới để đưa Hương Sơn tiến bước trong thời gian tới” - Chủ tịch UBND huyện Hương Sơn Nguyễn Quang Thọ khẳng định.
Phát biểu tại buổi lễ, Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao và nhiệt liệt chúc mừng những thành tựu đáng tự hào mà Đảng bộ, quân và nhân dân huyện Hương Sơn đạt được trong suốt chặng đường xây dựng và phát triển thời gian qua.
“Trải qua hàng trăm năm, với bao thăng trầm lịch sử, mảnh đất “địa linh, nhân kiệt” Hương Sơn đã đóng góp cho dân tộc ta những giá trị văn hóa phong phú, đa dạng. Nền văn hóa ấy được sản sinh trên vùng đất miền núi của đại ngàn, của dòng sông Ngàn Phố chứa đựng tinh khiết của trời đất; bồi đắp và hình thành nên cốt cách con người Hương Sơn thông minh, sáng tạo, thủy chung, chịu khó, vượt lên chinh phục thiên nhiên, làm chủ cuộc sống; anh dũng, hy sinh chống giặc ngoại xâm. Ở thời đại nào cũng có anh hùng hào kiệt. Nhiều người trở thành nhân vật lịch sử, danh tướng, nhà văn hóa lớn, nhà tư tưởng, ngoại giao, nhà khoa học xuất sắc” - Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn nhấn mạnh.
Đông đảo đại biểu và con em Hương Sơn về dự lễ kỷ niệm 550 năm thành lập huyện
Để Hương Sơn khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế, trở thành trung tâm kinh tế phía Tây Bắc của tỉnh, xứng đáng với truyền thống lịch sử, văn hóa và công lao của các thế hệ tiền nhân, Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn mong muốn Đảng bộ, quân và nhân dân huyện nhà tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, chung sức, chung lòng, xây dựng Hương Sơn ngày càng giàu về kinh tế, đẹp về văn hóa, vững mạnh về quốc phòng - an ninh; người dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc; góp phần cùng xây dựng Hà Tĩnh ngày càng “nổi bật lên” như Bác Hồ mong muốn.
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Lê Minh Hưng, Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn trao cờ thi đua xuất sắc của Chính phủ cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hương Sơn.
Ngay sau phần lễ là chương trình nghệ thuật đặc sắc với chủ đề “Âm vang núi Nầm, sông Phố”.
Chương trình nghệ thuật “Âm vang núi Nầm, sông Phố” chào mừng kỷ niệm 550 năm thành lập huyện Hương Sơn, do Huyện ủy, UBND, UBMTTQ huyện Hương Sơn chịu trách nhiệm nội dung và chỉ đạo chương trình; kịch bản văn học: Nhà văn Đức Ban; Tổng đạo diễn: Nguyễn Kiều Nga; cùng tham gia có các ca sỹ, nghệ sỹ: Trọng Tấn, Tố Nga, Thành Lê, Thụy Miên...
Chương trình gồm 3 phần: Mở đất; Âm vang đại ngàn; Hương Sơn ngày mới.
Mở đất
Âm vang đại ngàn
Hương Sơn ngày mới.
Chương trình được dàn dựng công phu, hoành tráng với hơn 400 diễn viên chuyên nghiệp và quần chúng tham gia