Mô hình lớp học đảo ngược phát huy được khả năng tư duy, xâu chuỗi kiến thức của người học
Thay bằng việc ngồi hàng giờ để nghe giáo viên giảng bài và ghi chép, mỗi giờ học môn Địa lý ở Trường THPT Minh Khai giờ trở thành một diễn đàn.
Trong giờ học, ngoài việc thảo luận nhóm, các em còn được tương tác, kết nối, chia sẻ trực tuyến với chuyên gia và nhiều lớp học khác trên các vùng miền và nước ngoài qua phần mềm Skype.
Với phương pháp giảng dạy này, giáo viên chỉ là người điều tiết, hỗ trợ, giúp học sinh giải quyết những điểm khó hiểu của bài học
Em Trần Đức Kiên, học sinh lớp 10A1 chia sẻ: "Hàng tuần, chúng em đều háo hức mong chờ giờ Địa lý. Việc đổi mới phương pháp giảng dạy bằng cách ứng dụng công nghệ thông tin đã tạo sự lôi cuốn, hấp dẫn, giúp chúng em chủ động hơn trong việc chiếm lĩnh kiến thức. Ngoài ra, sự tương tác với bạn bè trên khắc các vùng miền, thậm chí nước ngoài cũng đã giúp em hiểu sâu và nhớ lâu hơn những kiến thức đã được học ”.
Theo mô hình lớp học đảo ngược (Flipped classroom), học sinh phải tự học tập ở nhà qua bài giảng E-learning và tài liệu, video, hình ảnh... mà giáo viên cung cấp. Thời gian trên lớp được dành cho các hoạt động thảo luận nhóm để xây dựng hiểu biết dưới sự hướng dẫn của giáo viên.
Việc tích lũy kiến thức, rèn luyện kỹ năng của học sinh cũng được củng cố ngay trong mỗi chủ đề bài học qua các hoạt động tương tác, báo cáo sản phẩm bằng sơ đồ tư duy, chia sẻ trực tuyến với chuyên gia và các lớp học khác trên toàn thế giới qua phần mềm.
Nhờ việc lĩnh hội kiến thức bài giảng ở nhà qua tài liệu và bài giảng E-learning mà giáo viên cung cấp từ trước nên thời gian ở lớp, các em giành để thảo luận nhóm...
Cô Phạm Thị Ngọc Mai - giáo viên Địa lý, người ứng dụng phương pháp giảng dạy mới ở Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai cho biết: “Trước đây, giáo viên là người cung cấp những kiến thức cơ bản về bài học, việc làm bài tập được học sinh thực hiện ở nhà nhưng phương pháp này lại đảo ngược hoàn toàn. Giờ đây, giáo viên chỉ đóng vai trò là người điều tiết hỗ trợ, giúp học sinh giải quyết những điểm khó hiểu trong bài học mới”.
... và thuyết trình kiến thức bài giảng qua sản phẩm của nhóm
Em Lê An Chi, lớp 10A1 cho biết: "Chỉ cần 1 máy điện thoại hoặc máy tính có kết nối Internet, em có thể học bài giảng E-learning mà cô cung cấp mọi lúc mọi nơi. Điều thuận lợi khi tiếp cận mô hình này là học sinh có thể xem lại nhiều lần bài giảng cho đến khi hiểu mới thôi. Em thích nhất là phần kiểm tra kiến thức bằng công cụ Kahoot với 3 chức năng chính là: làm bài kiểm tra, khảo sát ý kiến và thảo luận, phản biện. Qua đó, chúng em cũng có thể đánh giá hiệu quả tiếp thu kiến thức trong mỗi giờ học của bạn và của chính mình”.
Được biết, để góp phần đổi mới phương pháp dạy học, từ năm học 2016-2017 qua dự án "ASEAN – Một tầm nhìn, một bản sắc, một cộng đồng", cô Ngọc Mai đã tìm tòi và ứng dụng phần mềm Skype vào việc giảng dạy cho các em học sinh Trường THPT Đức Thọ. Sau khi chuyển đến trường học mới, cô tiếp tục tìm tòi để năm học 2018-2019, mô hình "Lớp học đảo ngược" với sự hỗ trợ của phần mềm là Skype và công cụ Kahoot đã được ứng dụng vào dạy học.
Theo đó, các chủ đề trong chương trình Địa lý lớp 10 và lớp 11 như: "Sóng - Thủy triều - Dòng biển"; "Đất - Sinh vật"; "Dân số và sự gia tăng dân số"; "Một số vấn đề mang tính toàn cầu"…. trở nên gần gũi, dễ hiểu hơn đối với học sinh.
“Việc đổi mới phương pháp giảng dạy, ứng dụng công nghệ mới vào quá trình dạy học để nâng cao chất lượng giáo dục là hết sức cần thiết, phù hợp với tinh thần đổi mới căn bản giáo dục đào tạo. Thực tế cho thấy, phương pháp giảng dạy mới này không chỉ phát huy năng lực của người học mà còn thổi hồn, tạo hứng thú cho các em học sinh” - thầy Nguyễn Xuân Phượng, Hiệu trưởng Trường THPT Minh Khai ( Đức Thọ) cho biết.