Luận về “tiếng gà” trong truyện Kiều

(Baohatinh.vn) - Trong số khoảng 50 loài động vật được nhắc tên trong Truyện Kiều, gà xuất hiện 5 lần..

Kể ra dùng từ “xuất hiện” ở đây không thật chính xác, vì cả 5 lần ấy không hề thấy bóng dáng con gà một lần nào, mà hầu hết chỉ là tiếng gáy. Đêm trong Truyện Kiều thường có trăng, còn tiếng gà thì thưa thớt lắm. Trong hạnh phúc thề bồi, rồi tình tự trắng đêm, tiếng gà lánh biệt, để cho vầng trăng vằng vặc giữa trời chứng kiến lời thề nguyền trọn vẹn. Tiếng gà khi ấy như ém sẵn đâu đó để chờ cơ hội là bước đường lưu lạc của Thúy Kiều.

Ảnh minh họa từ internet

Gặp cảnh gia biến, nàng Kiều phải bán mình cho Mã Giám Sinh để có tiền chuộc cha. Nàng đã “ngồi nhẫn tàn canh” trong đêm trao duyên đầy nước mắt, nhưng không hề có một tiếng gà nào, mà nàng chỉ nghe khắc canh đã giục nam lâu mấy hồi. Rồi sáng hôm sau, gã họ Mã đưa xe ngựa đón nàng đi về nhà trọ, là bắt đầu cuộc đời lưu lạc của nàng. Sau một cơn mưa gió nặng nề Mã gây ra, có lúc nàng đã toan tự tử vì coi đời người thôi thế là xong một đời nhưng liên lụy đến cha mẹ, nàng đành cam chịu nuốt hận, thì tiếng gà tìm đến:

Những là đo đắn ngược xuôi

Tiếng gà đâu đã gáy sôi mé tường.

Không phải ở nhà mình, nàng không biết tiếng gà từ đâu vọng lại, mà sao tiếng gà lại nhiều thế, lại dồn dập, gáy như sôi cả mé tường? Tiếng gà ấy không chỉ báo trời sắp sáng, mà còn như phụ họa tay họ Mã giục nàng “vội vàng ra đi”.

Nàng theo Mã đi xe một tháng ròng từ Bắc Kinh về tận Lâm Tri nhập vào nhà chứa của Tú Bà. Nàng toan tự tử để tránh chuyện tiếp khách làng chơi, buộc Tú Bà phải dùng lời ngon ngọt để lừa nàng. Rồi tên Sở Khanh xuất hiện để thực thi âm mưu của mụ chứa, y làm ra vẻ người anh hùng muốn vớt nàng ra khỏi bể trâm luân. Và một đêm, nàng đã theo y bỏ trốn. Sở Khanh khoe “có ngựa truy phong”, chạy nhanh như gió, ai cũng nghĩ chính y sẽ cưỡi con ngựa đó, nàng Kiều sẽ ngồi sát sau lưng y trên đường chạy trốn giống như công chúa Mỵ Châu đã chạy trốn theo vua cha An Dương Vương. Nhưng không, “song song ngựa trước ngựa sau một đoàn”, nghĩa là dùng 2 ngựa, Sở Khanh đi trước dẫn đường, Thúy Kiều theo sau. Thì ra, gã Sở Khanh này đã tính chuyện bỏ nàng lại giữa rừng, để mình “rẽ dây cương” làm ra như thể vô tình lạc nhau, là y tính chuyện sau này còn gặp lại nàng. Trong khung cảnh này, tiếng gà lần thứ hai xuất hiện trong Truyện Kiều:

Đêm thu khắc lậu canh tàn

Gió cây trút lá, trăng ngàn ngậm gương

Lối mòn cỏ nhợt màu sương

Lòng quê đi một bước đường một đau

Tiếng gà xao xác gáy mau

Tiếng người đâu đã mé sau dậy dàng.

Bốn câu đầu nói cảnh cuối đêm về sáng giữa rừng khi 2 người lặng lẽ đưa nhau đi trốn. Nhưng cảnh ấy không hề yên tĩnh, vì lòng Kiều không yên tĩnh, nên mọi tiếng động đều được khuếch đại lên. Nàng nghe “gió cây trút lá”, tức là gió mạnh, làm cho lá cây rơi tơi tả, dường như nàng có linh tính về thân phận của mình trên lối mòn cỏ nhợt màu sương ấy. Rồi tiếng gà xao xác gáy mau, gáy dồn dập để chuẩn bị cho tiếng người đâu đã mé sau đuổi đến bắt nàng. Tiếng gà ở đây là dấu hiệu của tai họa nên bản thân nó cũng đáng kinh sợ đối với nàng Kiều rồi!

Tú Bà đã thành công khi dùng Sở Khanh để buộc Thúy Kiều làm phận sự của cô gái lầu xanh cuộc say đầy tháng, trận cười suốt đêm. Rồi nàng gặp Thúc Sinh, Thúc Sinh đã vớt nàng ra khỏi vũng bùn lầu xanh thì lại đưa nàng hứng chịu máu ghen của Hoạn Thư. Hoạn Thư hành hạ Kiều, không “cạo đầu bôi vôi”, không hề đánh đập… nghĩa là không hành hạ về mặt thể xác, mà về tâm hồn. Nghĩ cho cùng, đó là cách đánh ghen cay độc của một người có văn hóa khi tin đối thủ là người có văn hóa. Tài năng đã cứu Kiều, Hoạn Thư nể trọng và cho Kiều ở Quan Âm Các, một tháp thờ Quan Âm của gia đình họ Hoạn từ lâu đã xây lên để tu tại gia. Kể cho cùng, Hoạn Thư muốn hành hạ (tâm hồn) Kiều để Kiều xa Thúc Sinh, chứ không có ý diệt Kiều, nên tạo điều kiện cho Kiều tự trốn đi khỏi Quan Âm Các giữa đêm khuya. Và trong đêm ấy, nàng đã nghe tiếng gà:

Cất mình qua ngọn tường hoa

Lần đường theo ánh trăng tà về tây

Mịt mù dặm cát đồi cây

Tiếng gà điếm nguyệt, dấu giày cầu sương.

Sao tiếng gà ở đây “vắng vẻ” đến vậy? Trong không gian bàng bạc ánh trăng trên ngôi điếm và sương buông trên nhịp cầu đêm, có dấu giày mà không có tiếng chân, duy nhất âm thanh chỉ có tiếng gà, dường như rất mảnh. Tiếng gà lần này lại khác hẳn 2 lần trước là vì tác giả Truyện Kiều đã đưa ta vào “không gian Phật giáo”, không chỉ từ cái Quan Âm Các của nhà họ Hoạn, mà cái chính là ngôi chùa Chiêu Ẩn Am của sư Giác Duyên phía trước. Lần thứ nhất tiếng gà gáy sôi mé tường để báo trước cảnh hãi hùng của bước đường lưu lạc đùng đùng gió giục mây vần. Lần thứ hai gà xao xác gáy mau nhằm đưa tin một đoàn đổ đến trước sau trong đó có Tú Bà tốc thẳng tới nơi vây bắt Thúy Kiều. Còn lần này, mặc dù vẫn trên bước đường lưu lạc, nhưng phía trước là ngôi chùa mở tay “tế độ”, nên tiếng gà như đã báo cảnh yên bình không xa.

Sự yên ổn của Thúy Kiều ở Chiêu Ẩn Am chỉ được độ nửa năm, rồi nàng lại tiếp tục cuộc lưu lạc đầy nước mắt. Và tiếng gà cũng từ giã nàng từ ấy cho tới ngày đoàn viên đem tình cầm sắt đổi ra cầm cờ. Người tình xưa đã hóa thành người bạn, đánh đàn, trò chuyện suốt đêm thâu. Trong trạng thái đó, tiếng gà lại tìm đến để cho nàng Kiều và chàng Kim cùng nghe một lần duy nhất:

Chuyện trò vừa cạn tóc tơ

Gà vừa gáy sáng, trời vừa rạng đông

Tiếng gà ở đây có chức năng báo thời khắc: đêm đã qua, ngày mới đã tới và cũng ngụ ý đêm trường lưu lạc 15 năm đã qua để gặp ngày mới đoàn viên. Có lẽ đây là tiếng gà vui duy nhất trong Truyện Kiều, khi lòng nàng không nỗi kinh hoàng và âu lo nữa.

Ngoài 4 lần tiếng gà xuất hiện, thì còn một lần khác gà không đến với Thúy Kiều bằng âm thanh, mà bằng hình hài trong lời mắng nhiếc nàng của mẹ Hoạn Thư: Ra tuồng mèo mả, gà đồng/ Ra tuồng lúng túng chẳng xong bề nào… trước khi sai người nhà đánh đập Thúy Kiều không thương xót. Có lẽ đây là lần chữ gà làm đau Kiều nhất, vì một người tài sắc vẹn toàn, có giáo dục như nàng mà bị xếp vào bọn vô lại, không nơi nương tựa, chui rúc đầu bờ, cuối bụi như lũ mèo ở mả, gà ở đồng.

Nhân đây ta cũng cần lưu ý: chỉ mẹ Hoạn Thư mới sai người nhà đánh đập Thúy Kiều, còn Hoạn Thư không hề động đến nàng, vì Hoạn Thư luôn cảm phục Thúy Kiều, lòng riêng riêng những kính yêu…

Nguyễn Du mô tả tiếng gà không qua tai nghe của bản thân mình, mà qua sự cảm nhận của Thúy Kiều. Bởi vậy, chỉ cần suy xét tiếng gà, chúng ta cũng một phần hiểu được tậm trạng lo sợ, buồn vui của nàng, mà hơn thế nữa, tiếng gà ấy có khi báo trước chặng hành trình sắp tới.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói