Tháng tư, về nơi "ra ngõ gặp anh hùng"...

(Baohatinh.vn) - Sau nhiều dự định, cuối cùng chúng tôi cũng đặt chân lên đất Điện Bàn - Quảng Nam, quê hương của mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thứ, nơi chôn rau cắt rốn của "Người con gái Việt Nam" Trần Thị Lý và Anh hùng Nguyễn Văn Trỗi. Cơn Giông đầu mùa tầm tã không ngăn được bước chân chúng tôi. Mỗi bước đi đều chạm vào ký ức hào hùng và làm rung lên những nỗi niềm xúc động, tự hào của con tim.

40 năm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2015)

>> “Nơi hầm tối là nơi sáng nhất...”

Già trẻ đều anh hùng

Ngôi nhà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thứ ở thôn Thanh Quýt, xã Điện Thắng Trung, thị xã Điện Bàn nằm trong khu vườn rộng phủ bóng cây xanh như nhuộm thắm thêm kỷ niệm. Ngay ở góc vườn là mô hình tượng đài Mẹ Thứ được sáng tác dựa trên thiết kế của họa sỹ Đinh Gia Thắng và cũng chính là khuôn mẫu của Tượng đài mẹ Việt Nam anh hùng ở TP Tam Kỳ vừa được khánh thành. Chính tại khu vườn này, ngày trước mẹ đã nén nỗi đau mất con, đào 5 hầm bí mật cùng con gái đầu nuôi giấu cán bộ.

Tháng tư, về nơi "ra ngõ gặp anh hùng"... ảnh 1

Tượng Mẹ Thứ được dựng trong vườn nhà Mẹ tại huyện Điện Bàn.

Mẹ đã quy tiên cách đây 5 năm, nhưng nhìn vào đâu cũng như còn thấy hình bóng mẹ thấp thoáng, từ gian thờ, chiếc giường, bậc cửa... Bên chiếc ghế mẹ từng ngồi, anh Lê Tự Hiệp, 44 tuổi, cháu nội của Mẹ không giấu nổi tự hào: "Bà nội tôi có 12 người con đẻ, trong đó 11 trai và 1 gái. Trong chiến tranh chống Mỹ, nội tôi đã hiến dâng cho đất nước chồng và 9 con trai ruột, 1 con rể và 2 cháu ngoại. Hiện bà tôi còn 3 người con. Bác gái cả sống ở làng Thanh Quýt. Bác trai thứ 8 là Lê Tự Thử sống ở Sài Gòn và ba tôi là Lê Tự Thân. Ngôi nhà này đã được Nhà nước xây thêm hàng rào để làm lưu niệm, đón du khách thăm viếng".

Được biết, con gái cả của Mẹ Thứ, bà Lê Thị Trị cũng được Nhà nước công nhận là Bà mẹ Việt Nam anh hùng vì có chồng và 2 con gái là liệt sỹ. Mảnh đất thiêng này là địa chỉ anh hùng bởi toàn huyện Điện Bàn có 2.176 bà mẹ được Nhà nước phong tặng, truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng, riêng thôn Thanh Quýt 2 đã có 9 mẹ.

Rời nhà Mẹ Thứ, chúng tôi sang thăm ngôi nhà tuổi thơ của anh Nguyễn Văn Trỗi ở thôn Thanh Quýt 2. Hình ảnh người thợ điện 26 tuổi, đẹp trai, thư sinh hiên ngang và dõng dạc trước giờ ra pháp trường cùng mối tình tuyệt vời với chị Quyên khiến chúng tôi trào dâng cảm xúc khi đứng trước ngôi nhà anh đã sinh ra và sống trọn thời thơ ấu.

Tháng tư, về nơi "ra ngõ gặp anh hùng"... ảnh 2

Anh Trỗi hiên ngang trước giờ ra pháp trường

Bà Nguyễn Thị Bê, em gái cùng cha khác mẹ của anh Trỗi đón chúng tôi, chỉ lên bàn thờ cha mẹ rồi chậm rãi: "Bố tôi là Nguyễn Văn Hóa. Mẹ anh Trỗi sinh được 4 người con, anh Trỗi là thứ 3. Sinh xong con thứ 4 được mấy tháng thì mẹ anh mất. Bố đi bước nữa. Mẹ tôi sinh thêm 3 con, tôi là út. Gia đình hồi trước nghèo lắm, nhưng có tinh thần yêu nước và cách mạng. Bố tôi làm hầm nuôi giấu cán bộ. Anh Trỗi lớn lên vào Sài Gòn làm thợ điện. Ngày anh đi, tôi lẵng nhẵng đòi đi theo, anh bảo: em ở nhà ngoan, anh đi rồi anh về. Ai ngờ sau khi anh cưới chị Quyên được 19 ngày thì gài mìn giết địch, bị bắt và hy sinh, chẳng bao giờ trở về nữa".

Về anh Trỗi, sách báo đương thời viết rất nhiều, nhưng tôi vẫn nhớ nhất là bài thơ của Tố Hữu: Hãy nhớ lấy lời tôi! với 4 câu mở đầu ai cũng thuộc: “Có những phút làm nên lịch sử/ Có cái chết hóa thành bất tử/ Có những lời hơn mọi bài ca/ Có con người như chân lý sinh ra”. Ở cái đất Thanh Quýt này, hình như ngay từ trong bụng mẹ, đứa trẻ đã thấm đẫm lòng yêu nước và cho đến lúc về với đất như Mẹ Thứ, lòng yêu nước, tinh thần cách mạng vẫn không hề vơi.

Tháng tư, về nơi "ra ngõ gặp anh hùng"... ảnh 3

Dang hương tại Nhà tưởng niệm anh hùng liệt sỹ Nguyễn Văn Trỗi ở huyện Điện Bàn

Nhớ về "Người con gái Việt Nam"

"Em đã sống lại rồi/ Em đã sống!/ Điện giật, dùi đâm, dao cắt, lửa nung/ Không giết được em, người con gái anh hùng...". Những câu thơ của nhà thơ Tố Hữu cứ ngân vọng trong lòng tôi khi chậm rãi bước vào Nghĩa trang Liệt sỹ Điện Bàn. Mộ mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thứ và mộ nữ Anh hùng Trần Thị Lý nằm không cách xa nhau và cũng không khác biệt lắm so với 5.000 ngôi mộ liệt sỹ, trong đó có 120 mộ mẹ Việt Nam anh hùng và lão thành cách mạng của 8 xã trong toàn huyện.

Tháng tư, về nơi "ra ngõ gặp anh hùng"... ảnh 4

Toàn cảnh Nghĩa trang Liệt sỹ huyện Điện Bàn.

Thắp nén hương thơm trong cơn mưa không ngớt, chúng tôi thì thầm khấn nguyện. Hình ảnh chị Lý bị tra tấn dã man, thân thể cháy sém và chằng chịt 42 vết thương mà tôi đã xem ở Bảo tàng Điện Bàn chợt hiện về. Anh Trần Công Tú - phóng viên Báo Quảng Nam, cũng là người sinh ra ở vùng Gò Nổi cho hay: Chị Trần Thị Lý tên thật là Trần Thị Nhâm, sinh năm 1933, mất năm 1992, quê làng Kỳ Lam (nay là thôn Văn Ly, xã Điện Quang, thuộc vùng Gò Nổi).

12 tuổi chị đã ở trong Đội Thiếu niên cứu quốc, rồi Đoàn Thanh niên cứu quốc huyện, gây dựng phong trào cách mạng ở các xã, vào Đảng năm 18 tuổi. Thời kỳ chống Pháp, chị đã từng bị địch bắt 2 lần nhưng lần nào cũng quyết không khai cơ sở của ta. Sau 5 tháng bị giam cầm, chúng buộc phải thả chị. Thời kỳ chống Mỹ, trong 2 năm 1957-1958, chị lại bị địch bắt 2 lần và những lần này chúng tra tấn chị vô cùng dã man. Tháng 10/1958, tưởng chị đã chết, chúng đem chị vứt ra khỏi nhà lao. Cơ sở của ta đã đưa chị về cứu chữa rồi đưa ra miền Bắc để chữa trị vết thương.

Tháng tư, về nơi "ra ngõ gặp anh hùng"... ảnh 5

Tác giả dân hương tại mộ chị Trần Thị Lý ở Nghĩa trang Liệt sỹ huyện Điện Bàn

Những ngày này, đúng như Tố Hữu đã viết: “Từ cõi chết em trở về chói lọi”. Sức sống bất diệt của người con gái anh hùng đã trở thành động lực to lớn, lay động hàng triệu trái tim người Việt Nam và bạn bè năm châu. Tháng 2/1992, chị được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân. Tháng 11/1992, vết thương tái phát, chị Lý đã qua đời tại Bệnh viện Đà Nẵng.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết: Gia đình chị Lý có 7 anh em thì 5 người là liệt sỹ. Năm 1968, một người đồng hương từ Quảng Đà ra Hà Nội, cảm phục, thương mến chị, anh đã ngỏ lời và hai người nên duyên vợ chồng. Anh Tuấn, chị Lý đã xin một cô con gái làm con nuôi vì sau đòn roi địch, chị không thể sinh nở. Sau này, gia đình chị chuyển về sống ở TP Đà Nẵng cho đến ngày chị qua đời. Tên chị Lý và tên anh Trỗi đã được đặt cho một cây cầu hiện đại vừa nâng cấp ở TP Đà Nẵng.

Anh hùng trong dựng xây quê hương

Khép lại quá khứ đau thương, Điện Bàn và toàn Quảng Nam bắt tay xây dựng cuộc sống mới trên mảnh đất bom cày, đạn xới. Tấm gương hy sinh lẫm liệt của những người anh hùng và những bà mẹ anh hùng đã trở thành sức mạnh cho các thế hệ hôm nay vượt qua khó khăn, năng động, sáng tạo đi đầu trong phát triển kinh tế, văn hóa, nâng cao đời sống nhân dân, làm hồng hào gương mặt quê hương. Đảng bộ và nhân dân thị xã Điện Bàn đã dồn sức, dồn lực triển khai nhiều chương trình đầu tư phát triển, cải thiện an sinh xã hội với quy mô lớn, tốc độ nhanh, hiệu quả cao và bền vững.

Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc với diện tích 390 ha, đã giải quyết việc làm cho 23 ngàn lao động; Khu du lịch cao cấp Nam Hải, sân golf Montgomerie Links là những điểm đến khá lý tưởng của nhiều du khách. Khu đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch đang thu hút hàng chục dự án; 13 khu du lịch cao cấp và khu đô thị nghỉ dưỡng trên chiều dài 8 km trên bờ biển từ giáp Đà Nẵng đến Hội An; 11 cụm công nghiệp của huyện đã và đang được triển khai. 3 xã Điện Trung, Điện Quang, Điện Phong đã về đích nông thôn mới trước 1 năm. Giao thông đồng bộ; hệ thống trường học, trạm y tế cơ bản đầy đủ và đạt chuẩn quốc gia. Thị xã Điện Bàn đã được công nhận danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới vào năm 2005.

Quá khứ vinh quang và hiện tại sôi động trên mảnh đất từng thấm máu cha ông đã làm cho Điện Bàn có một sức sống lạ kỳ, níu giữ, mời gọi du khách gần xa.

Điện Bàn, cuối tháng 3/2015

Chủ đề Sự kiện

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast