Trận đánh đập tan “cánh cửa thép” ở cửa ngõ Sài Gòn

(Baohatinh.vn) - Giữa những ngày tháng 4 lịch sử, ký ức về trận đánh Đồng Dù ngày 29/4/1975 của Sư đoàn B20 (Binh đoàn Tây Nguyên) lại hiện về trong ký ức các cựu chiến binh...

Trận đánh đập tan “cánh cửa thép” ở cửa ngõ Sài Gòn ảnh 1
Quân đội ta tiêu diệt căn cứ quân sự Đồng Dù. Ảnh: T.L.

Cuối tháng 4/1975, Sư đoàn B20 chúng tôi được lệnh tiến công làm chủ căn cứ Đồng Dù trước 11h ngày 29/4 để mở đường cơ động cho mũi đột kích của Binh đoàn Tây Nguyên tiến vào nội đô đánh chiếm các mục tiêu quan trọng của địch.

Đồng Dù với chiều dài 2,8 km, chiều rộng gần 2 km, là một căn cứ trọng yếu của quân ngụy, cách Sài Gòn 30 km về phía Tây Bắc. Bọn địch thường tự đắc gọi đây là “cánh cửa thép” bảo vệ Sài Gòn, bởi ở đây do Sư đoàn 25 - sư đoàn chủ lực mạnh của quân ngụy chiếm giữ. Trong căn cứ lúc này, lực lượng địch có khoảng 3.000 tên, bao gồm Bộ Chỉ huy Sư đoàn 25, Trường Hạ sĩ quan, một chi đoàn thiết giáp…

Chiều 28/4, tại vị trí tập kết bên bờ sông Sài Gòn (Củ Chi), chúng tôi đang họp để xây dựng phương án đánh Đồng Dù lần cuối thì được tin vào lúc 15h, Trần Văn Hương, Tổng thống ngụy quyền Sài Gòn mới nắm quyền được 7 ngày, đã làm lễ trao quyền cho Đại tướng Dương Văn Minh. Thế là chỉ trong vòng một tuần, chính quyền Sài Gòn đã 2 lần “thay ngựa”. Điều đó cho thấy, chế độ tay sai bán nước đã đến ngày tận số. Nhưng mỗi chúng tôi cũng nhận thức được rằng, càng gần thắng lợi, càng lắm gian nguy.

Quân địch không dễ dàng buông súng đầu hàng. Trận đánh này dự báo sẽ rất quyết liệt, đòi hỏi mỗi người phải cố gắng cao nhất để giành thắng lợi. Cuộc họp kết thúc, chúng tôi không ai bảo ai, nhưng mọi người đều lấy bộ quần áo mới nhất ra mặc để sẵn sàng vào Sài Gòn.

Khoảng nửa đêm, chúng tôi đã vào tới vị trí xây dựng trận địa tiến công. Đúng 5h30’ ngày 29/4, Tư lệnh Sư đoàn - Đại tá Bùi Đình Hòe phát lệnh nổ súng tiến công căn cứ Đồng Dù. Pháo binh của ta nã xối xả vào căn cứ địch. Sau đòn hỏa lực, bộ binh các hướng được lệnh tấn công. Quân địch tập trung chống cự điên cuồng. Cuộc chiến đấu diễn ra vô cùng quyết liệt.

Trên hướng chủ yếu phía Tây Bắc, Trung đoàn 48 tổ chức cho Đại đội 3, Tiểu đoàn 1 lên mở cửa. Đại đội 3 đã ba lần tổ chức đánh hàng rào nhưng đều bị hỏa lực địch cản lại, phần lớn chiến sĩ hy sinh. Trung đoàn 48 đã ra lệnh cho đại đội xe tăng đi cùng vào tham gia đột phá. Sau hai lần xung phong, 2 xe tăng ta bị hỏa lực địch bắn cháy, một số chiến sĩ bộ binh thương vong, một mũi đột kích của Đại đội 3 do Trung đội phó Vũ Văn Sơn chỉ huy mới mở được cửa và lọt vào bên trong bờ tường đất. Trong khi đó, Tiểu đoàn 3 ở phía dưới vẫn chưa mở được cửa.

Hướng Tây Nam do Trung đoàn 9 đảm nhiệm, có Tiểu đoàn 16 súng máy cao xạ 12 ly 7 đã đánh lui nhiều đợt phản kích của địch. Nhưng Tiểu đoàn 3/50 của địch từ xóm Mới cơ động lên, bất ngờ từ vườn cao su tiến vào áp sát phía sau. Tiểu đoàn 5 (Trung đoàn 9) cùng Tiểu đoàn 16 được lệnh phản kích. Cán bộ, chiến sĩ của tiểu đoàn bộ đã dùng súng AK, phóng lựu đạn và phối hợp với Đại đội 11 chiến đấu với địch. Đồng chí Ngô Văn Đạo - Trợ lý Tham mưu Tiểu đoàn chỉ huy một bộ phận xuất kích đánh địch bảo vệ Sở Chỉ huy.

Trước làn đạn dày đặc của địch, anh Đạo và 3 chiến sĩ đã hy sinh. Cùng lúc, ở phía Đại đội 11, quân địch đang tiến vào. Trời bỗng đổ mưa to. Trong mưa, bóng quân địch lù lù ken sát vào nhau vừa tiến, vừa bắn như đổ đạn về phía trước. Các chiến sĩ Đại đội 11 chỉ kịp hướng nòng súng về phía địch bóp cò, bọn địch chết như ngả rạ. Đúng lúc quân địch đang chuẩn bị tràn vào trận địa ta thì các chiến sĩ Tiểu đoàn 5 từ hai bên đánh thọc vào, cùng với Đại đội 11 nhanh chóng tiêu diệt Tiểu đoàn 3/50 của địch. Tuy vậy, bộ đội ta cũng thương vong không ít, riêng Đại đội 11 đã có 14 đồng chí hy sinh.

Tình hình gay go khi cùng lúc đại đội chúng tôi phải chịu ba hướng địch tấn công, phía trước, phía sau và bên phải khiến nhiều chiến sĩ hy sinh. Mãi đến hơn 9h, Tiểu đoàn 1 sau nhiều lần đột phá mới vào được căn cứ nhưng lại bị địch tập trung hỏa lực khống chế. Tiểu đoàn 3 cũng mới mở cửa xong. Lúc này, Trung đoàn 46 của địch ở Trảng Bàng đã về kịp cứu nguy cho Đồng Dù.

Hai bên giành nhau từng mét chiến hào. Giữa lúc chúng tôi phải căng lực lượng để đối phó với địch ở cả 3 hướng thì thấy bộ binh ta có xe tăng đi kèm từ phía sau lưng Trung đoàn 46 ngụy đánh lên. Thì ra, Sư đoàn đã đưa lực lượng dự bị là Tiểu đoàn 2 (Trung đoàn 48) cùng đại đội xe tăng T54 của Trung đoàn 273, do Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Hữu Hạ chỉ huy vào tham chiến đã nhanh chóng áp đảo quân địch. Từ lúc đó, các mũi tiến công của ta mới phát triển thuận lợi, đồng loạt tràn vào căn cứ, lần lượt tiêu diệt các ổ đề kháng của địch. Đến 10h30’, ta làm chủ trận địa, toàn bộ quân địch trong căn cứ và bọn ở vòng ngoài về ứng cứu cho Đồng Dù bị tiêu diệt và tan rã. Chuẩn tướng Lý Tòng Bá - Tư lệnh Sư đoàn 25 và Bộ Tham mưu bỏ chạy nhưng đã bị ta bắt giữ.

Căn cứ Đồng Dù - “cánh cửa thép” của địch bảo vệ Sài Gòn bị đập tan, đường vào Sài Gòn - sào huyệt cuối cùng của địch đã thông, theo hiệp đồng, lực lượng thọc sâu chiến dịch của Binh đoàn Tây Nguyên và các lực lượng xe tăng, pháo binh ào ạt tiến vào Sài Gòn, lần lượt đánh chiếm Trung tâm huấn luyện Quang Trung, Sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ Tổng tham mưu ngụy… Sư đoàn chúng tôi đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước anh dũng của nhân dân ta vào ngày 30/4 lịch sử.

(Ghi theo lời kể của CCB Lê Huy Thành)

Chủ đề Sự kiện

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast