Luồng lạch ở Hà Tĩnh bồi lắng, ngư dân bất an mùa mưa bão

(Baohatinh.vn) - Các luồng lạch, âu thuyền, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu thuyền ở Hà Tĩnh đang bị bồi lắng nghiêm trọng, khiến ngư dân bất an khi mùa mưa bão đến gần.

Video: Luồng lạch, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá Cửa Sót (Lộc Hà) bị bồi lắng, cạn trơ đáy khi thủy triều xuống.

Dù đã được nạo vét nhiều lần nhưng hiện nay, luồng lạch tại cảng cá Cửa Sót và khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá Cửa Sót (huyện Lộc Hà) đang bị bồi lắng nghiêm trọng, khiến tàu thuyền ra vào sản xuất và tránh trú mưa bão gặp khó khăn, gây hỏng hóc phương tiện. Hiện nay, khoảng 2 km luồng lạch ra vào nơi bến cảng lẫn khu neo đậu đang dần bị thu hẹp, thủy triều vừa xuống là có những đoạn trơ đáy khiến tình trạng tàu thuyền mắc cạn diễn ra thường xuyên.

Khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá Cửa Sót bị bồi lắng sẽ ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất thường ngày của ngư dân và công tác đảm bảo an toàn cho các phương tiện.

Anh Phan Văn Phú - cán bộ Ban Quản lý Các cảng cá, bến cá Hà Tĩnh cho biết: “Ước tính, mỗi đợt xảy ra thiên tai thì âu thuyền và cảng cá Cửa Sót đón khoảng 300 tàu thuyền/1.300 ngư dân vào neo đậu tránh trú. Tuy nhiên, tình trạng bồi lắng nghiêm trọng đang xảy ra ở nhiều vị trí khiến tàu thuyền ra vào khó khăn, nguy hiểm, nhất là khi trời tối, thủy triều xuống. Đặc biệt, khi có mưa bão, nhiều tàu lớn không thể vào vị trí tập kết, vất vả trong việc tìm nơi neo đậu an toàn”.

Ngư dân Nguyễn Ngọc Hiệp (xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà) phản ánh: “Luồng lạch cạn nên tàu thuyền ra vào phụ thuộc hoàn toàn vào thủy triều. Điều này đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất của bà con và khiến chúng tôi thường xuyên phải đối mặt với nguy cơ mất an toàn. Nhiều lần mưa bão đến, chúng tôi phải làm liều neo đậu bên ngoài vì luồng lạch cạn tàu không thể vào được”.

Luồng vào khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá Cửa Khẩu - Kỳ Hà (TX Kỳ Anh) xuất hiện những bãi cát lớn khi nước xuống.

Khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá Cửa Khẩu - Kỳ Hà (thị xã Kỳ Anh) cũng rất đáng lo ngại. Hiện nay, khu neo đậu tàu thuyền này mới được đầu tư xây dựng giai đoạn 1 (gồm nhà điều hành, sân bãi, hệ thống điện, nước...) nên ở đây chưa có kè chắn sóng, âu thuyền tạm bợ và luồng lạch từ lâu chưa được nạo vét nên bị bồi lắng nghiêm trọng. Những lúc thủy triều xuống, ở khu vực luồng ra vào nổi lên những bãi cát lớn, dòng chảy bị bó hẹp chỉ còn vài chục mét, mực nước rất nông. Tàu thuyền vào ra thường xuyên rất khó khăn, những con tàu nhỏ nằm chênh vênh trên bờ, những chiếc tàu lớn thì neo đậu từ xa chờ nước lên mới có thể di chuyển.

Ngư dân Trần Văn Bình ở xã Kỳ Hà phản ánh: “Âu thuyền dang dở, luồng lạch cạn trơ khiến ngư dân chúng tôi bất an, nhất là khi mùa mưa bão sắp đến gần. Hầu như mỗi khi gặp thời tiết xấu là tàu công suất lớn không vào được, nếu mạo hiểm vào âu thì muốn ra phải đợi lúc thủy triều lên cao để tránh bị gãy chân vịt, hoặc mắc cạn. Nhiều tàu lớn đánh bắt xa bờ khi nghe thông tin mưa bão thì vào Quảng Bình, Đà Nẵng, Nghệ An tránh trú chứ không về khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá Cửa Khẩu - Kỳ Hà vì sợ không vào được bờ. Chúng tôi mong các cấp, ngành sớm bố trí kinh phí nạo vét cửa lạch, hoàn thiện âu thuyền”.

Những con thuyền của ngư dân Kỳ Hà “treo” chênh vênh bên bờ tại nơi neo đậu mỗi khi biển động.

Tình trạng bồi lắng cũng diễn ra nhiều năm nay ở khu vực cửa lạch và khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá Cửa Nhượng (xã Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên). Mỗi khi có thiên tai, khoảng 160 tàu cá với hơn 700 ngư dân luôn trong tình trạng chật vật tìm nơi tránh trú.

Vì luồng cạn nên chỉ có thuyền nhỏ của ngư dân bản địa (Cẩm Nhượng, Thiên Cầm...) vào được khu neo đậu, còn các tàu công suất lớn thì phần lớn đều phải chạy sang các tỉnh khác để đảm bảo an toàn.

Luồng lạch bị bồi lắng nên mỗi khi đi biển về, ngư dân Cẩm Nhượng phải neo đậu từ xa, dùng thuyền thúng đưa hải sản vào bờ để bán.

Ngoài ra, cảng cá Xuân Hội và lối vào khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá Xuân Hội (xã Xuân Hội, huyện Nghi Xuân) cũng đang trong tình cảnh chung. Nhiều năm nay, cảng cá Xuân Hội trơ đáy, tàu thuyền mắc cạn, hỏng chân vịt, nghiêng thân tàu... diễn ra thường ngày. Những bãi bồi kéo dài đến luồng ra vào của khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá Xuân Hội có nguy cơ xảy ra tắc luồng. Tại đây, khi có bão, khoảng 100 tàu thuyền công suất nhỏ với khoảng 300 ngư dân bản địa vào tránh trú.

Luồng lạch không đảm bảo nên trong khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá Xuân Hội thường có ít thuyền vào neo đậu và chủ yếu thuyền nhỏ.

Ông Thân Quốc Tế - Phó Giám đốc Ban Quản lý Các cảng cá, bến cá Hà Tĩnh cho biết: Mỗi năm, Hà Tĩnh chịu ảnh hưởng của hơn 10 cơn bão, áp thấp nhiệt đới nên việc bị bồi lắng như hiện nay ảnh hưởng rất lớn đến công tác quản lý của đơn vị cũng như hoạt động sản xuất, đảm bảo an toàn của ngư dân. Vì vậy, chúng tôi đã chủ động xây dựng phương án, kế hoạch phòng chống thiên tai cho mọi tình huống; trong đó, tập trung tuyên truyền để nâng cao nhận thức và ý thức cảnh giác cho cộng đồng, luôn trong trạng thái sẵn sàng “4 tại chỗ”, có phương án phối hợp di dời ngư dân tại thuyền đến nơi an toàn, tổ chức giằng néo tàu thuyền trong khu tránh trú, đảm bảo an ninh trật tự tại các cảng và khu neo đậu.

“Về lâu dài, để giải quyết triệt để vấn đề bồi lắng này thì cần phải khơi thông luồng lạch, nạo vét nơi neo đậu thường xuyên. Vì ngân sách hạn chế, khối lượng thực hiện nhiều nên chúng tôi đã đề nghị cấp trên sớm có chủ trương nạo vét hằng năm theo hình thức xã hội hóa. Tuy nhiên, vì những vướng mắc trong Nghị định số 159/2018/NĐ-CP ngày 28/11/2018 của Chính phủ về quản lý hoạt động nạo vét trong vùng nước cảng biển và vùng nước đường thủy nội địa nên các doanh nghiệp có ý định tham gia đều không đáp ứng được yêu cầu” - ông Thân Quốc Tế thông tin thêm.

Chủ đề Thiên tai - bão lũ

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói