Lưu học sinh Lào mong sớm quay trở lại Hà Tĩnh học tập

(Baohatinh.vn) - Trong khi nhiều trường đại học, cao đẳng trên địa bàn Hà Tĩnh đã mở cửa đón sinh viên trở lại thì vì nhiều lý do, các lưu học sinh Lào vẫn chưa thể nhập cảnh để quay trở lại giảng đường.

Lưu học sinh Lào mong sớm quay trở lại Hà Tĩnh học tập

Anousuck học trực tuyến tại nhà ở tỉnh Xiêng Khoảng, Lào khi chưa thể quay trở lại giảng đường học tập. (Ảnh: NVCC)

Maneevong Anousuck là sinh viên năm cuối lớp K9 Tài chính Ngân hàng, khoa Kinh tế - Quản trị kinh doanh của Trường Đại học Hà Tĩnh. Lưu học sinh 22 tuổi trở về Lào tránh dịch từ hôm 20/3, trước khi Việt Nam thực hiện biện pháp cách ly xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phòng, chống đại dịch Covid-19.

Anousuck tâm sự, đã nhận được thông báo từ Trường Đại học Hà Tĩnh về việc tiếp tục trở lại hoạt động giảng dạy, học tập, công tác bình thường ở tất cả các loại hình đào tạo từ ngày 4/5/2020. Tuy nhiên, Anousuck chưa thể quay trở giảng đường do các quy định phòng ngừa Covid-19 chặt chẽ mà cả Việt Nam và Lào đang áp dụng, cụ thể là biện pháp đóng cửa các cửa khẩu biên giới, hạn chế tối đa việc xuất nhập cảnh và áp dụng quy định cách ly bắt buộc khi nhập cảnh.

“Những ngày này, bọn em vẫn thực hiện học trực tuyến theo thời khóa biểu cũ thông qua phần mềm Google Meet và Google Classroom để không bị chậm tiến độ học tập. Học kỳ này, em còn 5 môn chưa hoàn thành, mỗi tuần sẽ online 5 buổi để học theo sự hướng dẫn của giảng viên”, Anousuck nói.

Theo đánh giá của lưu học sinh Lào, việc học online hay trực tiếp đều sẽ mang lại hiệu quả tiếp thu bài ngang nhau nếu như người học nghiêm túc và tập trung.

Anousuck thông tin, theo lịch cũ thì Trường Đại học Hà Tĩnh sẽ bắt đầu thi cuối kỳ từ ngày 20/5, nhưng hiện nhiều lưu học sinh Lào vẫn chưa thể quay trở lại giảng đường. “Em đang theo dõi các thông tin mới và liên tục cập nhật các hướng dẫn từ nhà trường để thực hiện. Hy vọng những lưu học sinh như em sẽ sớm được quay trở lại giảng đường để hoàn thành việc học tập”, Anousuck nói.

Lưu học sinh Lào mong sớm quay trở lại Hà Tĩnh học tập

Trường Đại học Hà Tĩnh ra thông báo về hoạt động giảng dạy và học tập online đối với các lớp có sinh viên Lào từ ngày 4/5/2020.

Cùng chung mong muốn sớm quay trở lại trường như Anousuck là Bobbee Phaiyasarn, sinh viên năm 3, lớp K10, Khoa học môi trường, Trường Đại học Hà Tĩnh.

Phaiyasarn thông tin, cậu cũng không gặp khó khăn khi tiếp thu bài giảng qua phương pháp học trực tuyến, nhưng khá lo không kịp quay trở lại giảng đường tham gia kỳ thi cuối kỳ.

Phaiyasarn về nước tránh dịch đã gần 2 tháng. Tại Lào, sau hơn 1 tháng thực hiện nghiêm ngặt Chỉ thị 06/TTg của Thủ tướng Lào về các biện pháp phòng dịch Covid-19, tính đến hôm 6/5, đã trải qua 24 ngày không ghi nhận ca nhiễm mới. Kể từ hôm 4/5, Chính phủ Lào ban hành Thông báo số 524/VPTTg, nới lỏng những chính sách phòng, chống dịch Covid-19 mà nước này đã áp dụng quyết liệt từ cuối tháng 3.

“Tính đến nay, Lào đã ghi nhận 19 ca nhiễm Covid-19. Số bệnh nhân đã hồi phục và xuất viện là 9. Số bệnh nhân đang điều trị là 10, bao gồm cả một trường hợp tái dương tính. Mặc dù lệnh giãn cách xã hội đã được nới lỏng nhưng để phòng bệnh, người dân vẫn hạn chế ra khỏi nhà nếu không thực sự cần thiết và đeo khẩu trang khi đến nơi công cộng”, Phaiyasarn cho biết thêm.

Phaiyasarn, Anousuck và rất nhiều lưu học sinh Lào đang rất nóng lòng được nhập cảnh quay trở lại học tập theo lịch của nhà trường.

Như thông tin đã đưa sáng nay trên Báo Hà Tĩnh điện tử, Sở Ngoại vụ Hà Tĩnh hiện đang xin ý kiến Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao về việc lưu học sinh Lào xin nhập cảnh để trở lại học tập tại các trường học trên địa bàn Hà Tĩnh.

Đọc thêm

Bạo lực gia tăng tại Colombia

Bạo lực gia tăng tại Colombia

Ngày 19/1, Lực lượng quân đội Colombia cho biết sẽ tăng cường các hoạt động ở khu vực Tây Bắc đất nước để ngăn chặn làn sóng bạo lực bùng phát trong những ngày qua.
WMO cảnh báo khẩn về khí hậu toàn cầu

WMO cảnh báo khẩn về khí hậu toàn cầu

Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) xác nhận rằng năm 2024 là năm nóng nhất từng được ghi nhận, đánh dấu một cột mốc đáng lo ngại về biến đổi khí hậu toàn cầu.