Mạnh tay xử lý nạn săn bắt chim trời ở Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Các biện pháp xử lý vấn nạn săn bắt chim tự nhiên ở Hà Tĩnh bước đầu đã mang lại hiệu quả. Song, để “xóa sổ” nạn tận diệt chim trời cần thêm thời gian, sự vào cuộc đồng bộ của các cấp chính quyền...

“Thiên la địa võng” tận diệt chim trời

Là địa phương có bờ biển dài cùng các cánh đồng rộng lớn, từ nhiều năm nay, Hà Tĩnh trở thành điểm dừng chân của nhiều loại chim tự nhiên sau quãng đường di cư tránh mùa mưa bão. Và đây cũng là thời điểm một số người dân địa phương giăng sẵn các loại bẫy để săn bắt chim trời.

Xung quanh các con chim mồi có rất nhiều thanh tre dính nhạ được cắm sẵn, chỉ cần chim tự nhiên tới đậu là sẽ dính bẫy. Hình ảnh ghi ở xã Thịnh Lộc, huyện Lộc Hà.

Địa điểm mà người dân “chọn” làm nơi đặt bẫy chim trời thường là các cánh đồng lúa đã được thu hoạch, gần đó có thêm những bụi cây lớn, rậm rạp hoặc những vũng nước nông. Tại đây, họ găm cả trăm con cò giả được làm bằng xốp rồi cắm các thanh tre đã được quệt chất keo dính (dân săn chim gọi là nhạ) ở khắp nơi, từ giữa ruộng, bờ bao cho tới các lùm cây.

Một số nơi, người dân còn dùng các thiết bị công nghệ để phát ra tiếng kêu của các loại chim trời.

Chim mồi bị khâu mắt để tiếng kêu của chúng phát ra to hơn, dễ dụ các đàn chim khác.

Những người đánh bắt còn sử dụng một số con cò thật để làm mồi nhử. Điểm chung của chim mồi thường là đều bị khâu mắt, chân bị cột vào cọc gỗ. Một khi đã đáp xuống bẫy đã giăng sẵn, các loài chim tự nhiên gần như không có cơ hội thoát.

Sau khi bị bắt, chim trời bị vặt trụi lông, bán công khai dọc các tuyến đường. Hình ảnh ghi trên tuyến đường ven biển đoạn qua xã Thịnh Lộc, huyện Lộc Hà.

Ông N.V.H (xã Thịnh Lộc, huyện Lộc Hà) – người “hành nghề” này nhiều năm cho biết, vào dịp tháng 8, tháng 9 âm lịch là thời điểm bẫy chim dễ nhất.

Nếu may mắn, có ngày ông này bắt được cả trăm con cò, cói. Chim bị bắt sẽ bị vặt trụi lông, bán ở chợ hoặc dọc các tuyến đường với giá từ 25.000 – 50.000. đồng/con, tùy theo chủng loại và cân nặng.

Bao giờ nạn tận diệt chim trời được chấm dứt?

Cò giả được dựng lên để dẫn dụ các đàn chim tự nhiên tại một cánh đồng ở TX Kỳ Anh.

Suốt nhiều năm, tình trạng săn bắt, buôn bán chim tự nhiên diễn ra rầm rộ ở các địa phương như Thịnh Lộc, thị trấn Lộc Hà (huyện Lộc Hà); Xuân Liên, Cương Gián, Cổ Đạm (Nghi Xuân); Sơn Bình, Sơn Trung, Sơn Long, Tân Mỹ Hà (huyện Hương Sơn); Hòa Lạc, Tân Dân, Tùng Châu (Đức Thọ); Kỳ Xuân, Kỳ Phú, Kỳ Khang (huyện Kỳ Anh); Kỳ Phương, Kỳ Lợi, Kỳ Nam (TX Kỳ Anh)... Điều này dẫn tới số lượng chim trời ngày càng khan hiếm, ảnh hưởng đến cân bằng hệ sinh thái.

Lực lượng chức năng huyện Đức Thọ gỡ bỏ các điểm bẫy chim trời.

Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Trương Quốc Long cho hay: Trước vấn nạn săn bắt chim tự nhiên, thời gian qua, lực lượng kiểm lâm đã phối hợp với chính quyền địa phương thành lập các đoàn liên ngành ra quân xử lý các vi phạm về săn bắt động vật hoang dã và chim di cư. Đây là hoạt động nhằm thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh và Chỉ thị số 29/CT-TTg ngày 23/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp cấp bách quản lý động vật hoang dã.

Qua 357 cuộc kiểm tra, truy quét, cấp huyện và xã đã tịch thu, thả về tự nhiên 435 chim mồi còn sống; tịch thu, tiêu hủy 19.025 các loại chim giả, 31.390 thẻ tre dính nhựa, 3 máy phát tín hiệu gọi chim, 28.850m² lưới; tháo dỡ, tiêu hủy 56 chòi, lán tạm dùng để ẩn nấp bẫy chim; vận động 225 hộ dân tự tháo dỡ bẫy bắt chim; ký cam kết với 513 hộ gia đình, nhà hàng, cá nhân không mua bán, tiêu thụ chim các loại.

Các dụng cũ bẫy chim trời bị thu giữ và tiêu hủy ở cánh đồng xã Thịnh Lộc, huyện Lộc Hà.

Theo Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Trương Quốc Long, trước sự vào cuộc quyết liệt của các ngành chức năng, tình trạng săn bắt chim tự nhiên đã giảm hẳn. Tuy nhiên, để giải quyết triệt để vấn nạn này thì không thể ngày một ngày hai.

“Tới thời điểm này chưa có người dân nào bị xử phạt hành chính hay xử lý hình sự về việc săn bắt chim trời. Nguyên nhân là bởi các loài chim như cò, cói…, thuộc nhóm động vật hoang dã thông thường nên chưa có chế tài xử lý trong việc bẫy bắt, mua bán, tiêu thụ. Một số hộ gia đình, người dân xem đây như kế sinh nhai hoặc đặt bẫy trong vườn nhà, lén lút mua bán nên gây khó cho việc xử lý ”, ông Trương Quốc Long thông tin.

Ngành chức năng thả các con chim mồi về với tự nhiên.

Trưởng bộ phận Bảo vệ rừng và Bảo tồn thiên nhiên Hạt Kiểm lâm huyện Lộc Hà Trần Huy Tâm cho biết: Thực tế thì một số chính quyền địa phương vẫn chưa thực sự vào cuộc xử lý, chưa coi đây là nhiệm vụ trọng tâm. Trong quá trình xử lý, những người đơm bẫy chim cò thường bỏ đi khỏi hiện trường nên khó bắt quả tang.

Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Hà Tĩnh Trương Quốc Long cho biết, thời gian tới sẽ tiếp tục tuyên truyền tới người dân, đồng thời tổ chức kiểm tra, truy quét liên tục nhằm xóa bỏ việc giăng bẫy bắt chim trời ở các địa phương.

Chủ đề BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói