Marthe Cnockaert - Nữ y tá làm điệp viên hai mang thời Thế chiến 1

Marthe Cnockaert đang sống ở Westrozebeke (Bỉ) với cha mẹ và các anh năm 1914 thì cô hay tin thế giới sắp có chiến tranh. Các anh trai cô lên đường phục vụ cuộc chiến mà sau này được gọi là Chiến tranh Thế giới thứ nhất.

Biến cố gia đình

Marthe Cnockaert - Nữ y tá làm điệp viên hai mang thời Thế chiến 1

Marthe Cnockaert. Ảnh: Wikimedia Commons

Theo trang historycollection.co, Marthe thầm ao ước có thể làm gì đó để để chiến đấu cho đất nước nhưng ngặt nỗi phụ nữ không được phép gia nhập lực lượng vũ trang.

Không lâu sau, Đức chiếm đóng Bỉ và người dân Bỉ cố gắng bảo vệ mảnh đất quê hương bằng mọi giá.

Binh lính Đức cáo buộc bố Marthe tội tìm cách nã súng vào chúng. Đây không phải là chuyện hiếm. Khoảng 1.000 dân thường Bỉ đã bắn binh lính Đức khi chúng xâm chiếm làng mạc của họ. Sự việc này bị quân Đức trả đũa rất tàn bạo. Chúng muốn thể hiện rằng chúng sẽ không dung thứ cho dân thường can thiệp vào chiến tranh. Vì thế, chúng đã đốt nhà của gia đình Cnockaert.

Mặc dù Marthe trốn thoát cùng bố mẹ, nhưng họ đã trở thành người vô gia cư, bị kẻ thù bao quanh.

Một hàng xóm tốt bụng đã cho họ ở nhờ nhà và bố Marthe quyết định chuyển tới thành phố gần đó tên là Rousseliere làm việc và kiếm chút tiền để tìm nơi khác ở. Marthe và mẹ ở lại Wstrozebeke.

Marthe xin làm y tá trong một bệnh viện trong vùng mà công việc hàng ngày là điều trị cho cả lính Đức và Bỉ. Là y tá, cô đối xử công bằng với bệnh nhân và được đồng nghiệp tôn trọng.

Năm 1915, một người bạn của gia đình tên là Lucelle Deldonck tới thăm, bà đã hỏi Marthe xem cô có muốn phục vụ đất nước bằng cách trở thành điệp viên cho tình báo Anh không. Marthe đồng ý và vài ngày sau, một phụ nữ lớn tuổi bán đậu trong thị trấn Westrozebeke tuồn cho cô một mẩu giấy ghi hướng dẫn để gặp một điệp viên tên là Lissette.

Về sau, Marthe biết rằng đó là mật danh của bà Lucelle.

Công việc của Marthe đơn giản nhưng quan trọng. Cô vẫn sẽ sống cuộc sống hàng ngày nhưng tai mắt phải luôn lắng nghe, quan sát nhằm lấy được bất kỳ thông tin nào mà cô nghe lén được từ binh lính Đức liên quan tới địa điểm cất đạn dược của chúng hoặc kế hoạch chúng thực hiện trong trận tấn công tiếp theo. Nếu cô nghe thấy điều gì, cô sẽ gặp thành viên mạng lưới gián điệp và đưa thông tin về cho tình báo Anh.

Marthe phải đưa thông tin cho một người đàn ông cài hai ghim băng trên cổ áo. Người này gõ cửa sổ nhà cô vào nửa đêm và cô sẽ đưa mẩu giấy ghi thông tin mã hóa. Không phải lúc nào Marthe cũng đưa thông tin cho cùng một người nhưng miễn là người đó phải có ghim băng và biết cách gõ cửa bí mật.

Bố Marthe đã mua một quán cà phê ở thị trấn Rousseliere gần đó. Trên quán cà phê có nhiều căn hộ nên ông có thể có khách hàng thường xuyên và kiếm tiền từ đó, giúp gia đình có chỗ ở mới. Lính Đức thích tới quán này để giải trí.

Vài thành viên quân đội cấp cao Đức đang thuê căn hộ phía trên quán cà phê để ở. Đây là cơ hội tuyệt vời để nghe lén những gì chúng trao đổi với nhau. Vì thế, Marthe thường tới quán cà phê giúp việc khi hết ca làm ở bệnh viện.

Marthe biết một số binh sĩ Đức vì từng chăm sóc những người này tại bệnh viện. Binh sĩ Đức coi Marthe là cô gái dễ chịu và không có dấu hiệu cho thấy cô oán hận chúng vì đã đốt nhà và chiếm đóng Bỉ. Gia đình Marthe vẫn nhận được thư từ hai anh trai ngoài chiến trường nhưng lúc nào cũng lo cái chết có thể ập đến với họ bất kỳ lúc nào.

Điệp viên hai mang

Marthe Cnockaert - Nữ y tá làm điệp viên hai mang thời Thế chiến 1

Tạo hình nhân vật Marthe Cnockaert (trái) trong phim dựa trên tự truyện của Marthe. Ảnh: YouTube

Tại bệnh viện, Marthe thỉnh thoảng phải làm việc một mạch 20 tiếng vì họ ở trong một thị trấn nhỏ, không có đủ bác sĩ, y tá. Điều này có nghĩa là mọi binh sĩ Đức bị thương đều biết Marthe và thực sự thích cô.

Họ thấy cô rất nhiệt tình với binh sĩ Đức bị thương và đã tặng cô Thập tự Sắt, một trong những huân chương danh dự cao quý nhất của Đức.

Otto von Prompt, một trong hai người đề nghị tặng Thập tự Sắt cho Marthe, đã tới Rousseliere để tìm và vạch mặt gián điệp Bỉ nhưng không phát hiện ra cô ngay trước mắt mình.

Trong thời gian này, Marthe kết bạn với rất nhiều binh sĩ Đức và biết rằng trên 1.000 binh sĩ Đức đang ở trong nhà máy bia ở Rousseliere. Cô thường đi bộ về nhà ban đêm và trong đầu chuẩn bị những thứ sẽ viết vào giấy để đưa cho người đàn ông có ghim băng trên cổ áo.

Một lần nọ, có một người đàn ông cài hai ghim băng trên cổ áo tiếp cận nhà Marthe, cô ngần ngại vì chưa gặp người này bao giờ. Chuyện đưa thông tin cho người lạ là chuyện bình thường vì mạng lưới liên tục tuyển điệp viên mới. Tuy nhiên, Marthe có linh cảm mạnh mẽ rằng không nên tin người đó. Cô quyết định đứng trong bóng tối chờ đợi và quan sát.

Marthe thấy một người phụ nữ khác đã đưa thông tin cho người đàn ông đó. Sau khi gõ lên cửa sổ, người đàn ông rút súng ra và bắn người phụ nữ đang đưa mẩu giấy.

Chắc chắn rằng người Đức đã xâm nhập đường dây gián điệp. Chúng biết về ghim băng cài cổ áo, ám hiệu gõ cửa bí mật và thông tin mã hóa. Mạng lưới gián điệp đã không còn an toàn nữa và Otto von Prompt đang sôi máu.

Vì gửi tin mật qua người cài ghim băng đã không còn an toàn, Marthe đưa thông tin cho mẹ để bà tuồn qua biên giới và đưa cho bạn là điệp viên Lucelle. Thông tin này được chuyển về tình báo Anh và họ chuẩn bị đánh bom nhà máy bia.

Ngày hôm sau, Otto von Prompt kéo tay Marthe khi cô đang ở quán cà phê của bố và bảo cô lên căn hộ của hắn vì muốn nói chuyện riêng. Cô cảm thấy run vì nghĩ rằng hắn đã biết cô là một người trong đường dây gián điệp Bỉ. Tuy nhiên, cô rất ngạc nhiên khi thấy hắn thực sự nghĩ cô trung thành với người Đức nên đã đề nghị cô làm gián điệp cho hắn để quét sạch phong trào kháng chiến Bỉ.

Marthe đồng ý suy nghĩ về đề nghị này vì cô không còn lựa chọn nào khác ngoài việc trở thành điệp viên hai mang. Đêm đó, nhà máy bia nơi quân Đức đang ngủ bị dội bom. Marthe phải tới bệnh viện để trị thương cho người sống sót.

Otto von Prompt giận dữ nên hắn đã giục Marthe dùng mối quan hệ trong thị trấn để tìm ra ai đã rò rỉ thông tin quân Đức sống trong nhà máy bia. Marthe không muốn đổ oan cho ai đó trong làng nên cô đã viết một vài con số và chữ cái ngẫu nhiên lên một mẩu giấy rồi nói rằng đó mà mã bí mật cô tìm thấy trên chân một con bồ câu đưa thư.

Lúc đầu, Prompt rất vui khi lấy được mật mã này và nó đã khiến hắn lạc hướng một thời gian. Về sau, hắn đã phát hiện mật mã là giả.

Cái kết có hậu

Marthe Cnockaert - Nữ y tá làm điệp viên hai mang thời Thế chiến 1

Thập tự Sắt - phần thưởng mà Đức tặng cho Marthe. Ảnh: ibuyworldwarii.com

Marthe lo sợ cho mạng sống của mình. Cô biết chỉ còn là vấn đề thời gian trước khi bị Prompt phát hiện ra là gián điệp chịu trách nhiệm cho cái chết của nhiều lính Đức tại nhà máy bia. Cô cầu cứu khắp nơi và tìm thấy một người đeo ghim băng trên cổ áo trong thị trấn. Cô đã tiếp cận người này và kể lại điều đã xảy ra.

Ngày hôm sau, Otto von Prompt bị ám sát trong căn hộ.

Không may thay, Marthe không yên tâm được lâu vì khi quân Đức lục soát căn hộ của cô trên quán cà phê, chúng thấy một số tin nhắn mã hóa thật và đã bắt cô. Cô nghĩ ngày đó mình sẽ bị hành quyết, nhưng thay vào đó, chúng đã giam cô trong tù vài tuần rồi đưa ra xét xử.

Khi Marthe ngồi trước tòa, cô nói rằng cô coi bản thân là một chiến sĩ Bỉ và nhiệm vụ của cô là làm bất kỳ điều gì có thể để bảo vệ quê hương trước những kẻ chiếm đóng. Tất nhiên, Marthe không khai hết những gì cô đã làm. Nếu chúng biết mức độ thiệt hại mà cô đã gây ra cho quân Đức, chúng sẽ giết cô ngay. Cô không thừa nhận đã rò rỉ thông tin về nhà máy bia cũng như không khai về vụ ám sát Otto von Prompt.

Bạn bè, đồng nghiệp của Marthe tại bệnh viện, trong đó có cả các bác sĩ người Đức, đã xuất hiện trước tòa để làm chứng cho nhân cách của cô. Họ nói với quan tòa Đức rằng cô đã dành nhiều thời gian ngày đêm để chữa lành vết thương cho binh sĩ cả hai bên trong chiến tranh, rằng hàng trăm người sẽ chết nếu không có Marthe. Họ cũng nói cả việc cô được tặng Thập tự Sắt.

Dựa trên các lời khai trước tòa, phía Đức cho rằng Marthe vô hại. Cô bị kết án tội làm gián điệp – thường phải nhận án tử hình. Tuy nhiên, vì cô có Thập tự Sắt nên cô được sống tiếp trong tù hai năm tiếp đó, cho tới khi kết thúc Chiến tranh Thế giới thứ nhất.

Khi kết thúc chiến tranh, Marthe được tự do. Chính phủ Bỉ, Anh và Pháp đều trao tặng phần thưởng cho Marthe.

Cô đã gặp một sĩ quan Anh tên là John McKenna và họ kết hôn. Cô tiếp tục sống ở Bỉ và viết tự truyện mang tên “Tôi là điệp viên”. Marthe qua đời năm 1966 khi 74 tuổi.

Theo Thùy Dương/Báo Tin tức(historycollection)

Đọc thêm

Tết sớm ở Trường Sa

Tết sớm ở Trường Sa

Khi những chuyến tàu rẽ sóng, vượt hàng trăm hải lý chở hàng tết đến với Trường Sa cùng những yêu thương đong đầy mà đất liền gửi gắm, ấy là lúc quân và dân nơi đây bắt đầu đón tết.
Đề án 06 - cuộc cách mạng chuyển đổi số

Đề án 06 - cuộc cách mạng chuyển đổi số

Sau 3 năm thực hiện Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” (Đề án 06), Hà Tĩnh được đánh giá là một trong những địa phương có cách làm hay, ghi dấu ấn, tạo tiền đề quan trọng trong cuộc cách mạng chuyển đổi số.
Có một Trường Sa trù phú giữa trùng khơi!

Có một Trường Sa trù phú giữa trùng khơi!

Vượt hơn 200 hải lý, niềm mơ ước trong tôi về một lần được đặt chân đến quần đảo Trường Sa đã trở thành hiện thực. Trong tầm mắt tôi và các đồng nghiệp, hình ảnh một Trường Sa thân thương và căng tràn sức sống, hiên ngang giữa trùng khơi đã xua tan những mệt mỏi sau một hành trình dài lênh đênh trên biển cả.
Công an tỉnh Bolikhămxay chúc Tết Công an Hà Tĩnh

Công an tỉnh Bolikhămxay chúc Tết Công an Hà Tĩnh

Nhân dịp đón Tết cổ truyền của Việt Nam, thay mặt lãnh đạo Công an tỉnh Bolikhămxay (CHDCND Lào), Đại tá Khên Von Lo Văn Xay - Phó Giám đốc Công an tỉnh gửi đến cán bộ, chiến sĩ Công an Hà Tĩnh lời chúc năm mới an khang, thịnh vượng.
Xuân biên cương ấm tình quân dân

Xuân biên cương ấm tình quân dân

Những người lính quân hàm xanh trên hai tuyến biên giới đang có nhiều hoạt động ý nghĩa, trách nhiệm hướng về Nhân dân khu vực biên giới để Tết cổ truyền nơi đây ấm áp, thắm đượm tình quân dân.