Nhiễm khuẩn bệnh viện là gì?

Như môi trường bình thường bên ngoài, bệnh viện cũng là nơi con người có thể phát triển các nhiễm trùng, do mầm bệnh sẵn có hoặc lây lan từ người khác.

Trẻ sinh non phải đối mặt với rất nhiều vấn đề sức khỏe như dễ bị ngạt, hạ thân nhiệt, vàng da, xuất huyết hay nhiễm trùng sơ sinh...

Nhiễm khuẩn bệnh viện là những nhiễm khuẩn không xuất hiện ở bệnh nhân khi nhập viện, nhưng phát triển trong quá trình lưu trú tại đây. Hai dạng chính của loại nhiễm khuẩn này là tự nhiễm và nhiễm chéo.

Trong đó, tự nhiễm là khi người bệnh có mầm nhiễm khuẩn trên người nhưng không có dấu hiệu khi nhập viện. Nhiễm khuẩn phát triển trong quá trình ở tại bệnh viện do sự thay đổi trong miễn dịch của chính bệnh nhân.

Nhiễm khuẩn chéo là khi bệnh nhân tiếp xúc với các tác nhân gây bệnh mới trong thời gian ở bệnh viện, nhiễm và sau đó phát triển nhiễm trùng.

nhiem khuan benh vien la gi
Vi khuẩn xuất hiện khắp nơi, từ trên cơ thể người tới các đồ vật. Ảnh: Courier Mail.

Người bình thường luôn có vi khuẩn trên cơ thể. Da của con người có khoảng 100 đến 10.000 vi sinh vật trên mỗi cm2. Nhiều loài vi sinh vật sống trong màng nhầy niêm mạc của con người và tạo thành một hệ bình thường. Tuy nhiên, các mô này không bị nhiễm trùng.

Khi các vi sinh vật xuyên qua da hay màng nhầy niêm mạc, chúng đi vào các mô dưới da, cơ, xương hay khoang trong cơ thể - nơi bình thường vô trùng - và có thể phát triển thành nhiễm trùng.

Tại các cơ sở y tế, nguồn nhiễm trùng có thể đến từ nhân viên bệnh viện, bệnh nhân và môi trường vô tri. Môi trường bệnh viện, nước hay thức ăn có thể chứa những nguồn bệnh và gây bùng phát bệnh như ở cộng đồng bên ngoài. Thậm chí, các dược phẩm cũng có thể bị nhiễm khuẩn trong quá trình sản xuất hay phân phối.

Nguyên nhân gây nhiễm khuẩn bệnh viện có thể phát sinh từ nhân viên y tế mang trong mình các tác nhân gây bệnh. Họ có thể có hoặc không có các biểu hiện ra bên ngoài và truyền mầm nhiễm khuẩn cho bệnh nhân.

Tuy nhiên, nguồn gốc của hầu hết ca nhiễm khuẩn trong bệnh viện là từ bệnh nhân mang trong mình các vi sinh vật gây bệnh. Các vi sinh vật này thường được thải vào môi trường với số lượng lớn, vượt quá mức nhiễm khuẩn tối thiểu, và lây bệnh cho người khác - những người này sẽ phát triển các nhiễm trùng bệnh viện.

nhiem khuan benh vien la gi
Các nhân viên y tế thường xuyên rửa tay để tránh phát tán nguồn bệnh nhiễm khuẩn. Ảnh: KPCC.

Vi sinh vật có thể được phát tán từ nguồn tới vật chủ mới qua tiếp xúc gián tiếp, tiếp xúc trực tiếp hay qua vật trung gian truyền bệnh như côn trùng, các loài chân đốt hay ký sinh trùng. Trong đó, tuyến đường lây lan chủ yếu của nhiễm khuẩn bệnh viện là qua tiếp xúc gián tiếp. Bệnh nhân nhiễm bệnh chạm vào một vật thể, dụng cụ hay bề mặt và để lại vi khuẩn ở đây. Sau đó, bệnh nhân khác chạm vào chúng và có thể sẽ bị nhiễm.

Hai quy tắc chính để ngăn ngừa việc lây lan nhiễm khuẩn bệnh viện tại các cơ sở y tế là cô lập nguồn gây bệnh và xóa bỏ các đường phát tán bệnh. Việc cô lập nguồn bệnh không chỉ là tách riêng những bệnh nhân nhiễm bệnh, mà còn gồm các kỹ thuật khử trùng. Mọi vật tiếp xúc với bệnh nhân nên được xem là tiềm ẩn khả năng lây bệnh, cần được loại bỏ (nếu là loại dùng một lần) hoặc làm sạch, khử trùng hoặc vô trùng (nếu là loại có thể tái sử dụng).

Một số biện pháp phòng chống nhiễm trùng khi chăm sóc bệnh nhân ở bệnh viện theo WHO:

* Rửa tay

* Dùng găng tay

* Dùng khẩu trang, kính, mặt nạ

* Mặc áo blouse

* Dùng dụng cụ y tế đảm bảo vệ sinh

* Kiểm soát môi trường bệnh viện

* Giặt sạch và khử trùng các đồ từ vải

Theo Zing

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast