Trẻ bị áp lực tâm lý: Cha mẹ hãy trở thành người bạn của con

Thời gian gần đây, nhiều trẻ gặp những vấn đề tâm lý ở mức nghiêm trọng, có hành vi tiêu cực, thậm chí là tự tử. Để nhận diện những bất thường và hỗ trợ con, PGS.TS. Trần Thu Hương cho rằng, cha mẹ cần trở thành người bạn của con, giúp con tự tin để có những bước đi vững chắc trong cuộc đời sau này.

Nhiều nghiên cứu chỉ ra, con trẻ dễ gặp khủng hoảng tâm lý hơn người lớn bởi các em chưa đủ tư duy để suy nghĩ chín chắn, chưa biết cách để tự giải tỏa những cảm xúc của bản thân cũng như chưa có kỹ năng để điều khiển và kiểm soát những cảm giác tiêu cực như buồn phiền, chán nản...

Nguyên nhân nào dẫn đến trẻ gặp áp lực và căng thẳng tâm lý?

PGS.TS. Trần Thu Hương - giảng viên Khoa Tâm lý, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, nguyên nhân đầu tiên từ chính bản thân các em. Trẻ nào có hệ thần kinh yếu thì khi có áp lực từ bên ngoài hoặc khi có căng thẳng từ môi trường trẻ sẽ trở nên lo lắng và mất bình tĩnh.

Nguyên nhân thứ hai đến từ môi trường. Môi trường gần nhất là các mối quan hệ gia đình sau đó là mối quan hệ nhà trường (bao gồm: thầy cô, bạn bè) và môi trường cộng đồng. Xét ở nhiều góc độ khác nhau thì trong các vấn đề về mặt tâm lý sẽ bao gồm cả những sang chấn tác động đến các em như: áp lực về mặt thi cử, áp lực về học tập, bệnh dịch, sự mất mát của người thân hoặc mất mát đồ vật mà các em yêu quý.

Trẻ bị áp lực tâm lý: Cha mẹ hãy trở thành người bạn của con

Cha mẹ cần cố gắng đặt mình vào vị trí của con để có thể đồng cảm, thấu hiểu con và giữ đúng lời hứa với con.

Theo PGS.TS. Trần Thu Hương, nói về nguyên nhân thì rất nhiều và đa dạng, tùy từng trường hợp những nguyên nhân đó sẽ tác động đến mức độ nào.

Cha mẹ cần đặt mình vào vị trí của con để có thể đồng cảm và thấu hiểu con

PGS.TS. Trần Thu Hương cho biết các cách nhận biết con mình đang gặp căng thẳng hay bị sang chấn tâm lý:

- Cảm xúc của trẻ sẽ được bộc lộ ra đầu tiên. Đó là những cơn giận giữ, những cơn khó chịu, tức giận vô lý.

- Trẻ sẽ rơi vào trạng thái trầm buồn như: buồn bã, khóc liên tục, rút lui khỏi xã hội, không muốn giao tiếp và kết nối ngay cả với những người bạn thân;

- Rối loạn giấc ngủ, thường sẽ khó ngủ;

- Dễ mất cảm giác thèm ăn, từ chối ăn.

Căn cứ vào các biểu hiện trên, cha mẹ không nên chủ quan mà cố gắng đứng ở vị thế, quan điểm và cảm xúc của trẻ để hiểu cũng như sớm phát hiện những dấu hiệu bất thường từ con và có các biện pháp hỗ trợ kịp thời.

PGS.TS. Trần Thu Hương cho biết, nhiều cha mẹ đồng hành cùng con nhưng lại kiểm soát con rất chặt gây ra những áp lực rất lớn về mặt tinh thần khiến con cảm thấy ngột ngạt, không thể chia sẻ được, cảm thấy bố mẹ không thấu cảm với mình.

Khi con nói: “Bố mẹ không hiểu gì con hết”, “Bố mẹ luôn ép buộc con đi theo những gì bố mẹ mong muốn”, “Bố mẹ không tin tưởng gì con”, điều đấy có nghĩa rằng bố mẹ đang bị mất niềm tin với con mình.

Theo PGS.TS. Trần Thu Hương, niềm tin mà cha mẹ mang đến cho con có sức mạnh rất lớn để giúp con vượt qua khó khăn trong cuộc sống, đặc biệt trong giai đoạn tuổi dậy thì và giai đoạn tuổi thanh thiếu niên.

“Vì vậy, cha mẹ cần cố gắng đặt mình vào vị trí của con để có thể đồng cảm, thấu hiểu con và giữ đúng lời hứa với con. Đem lại lời khen đối với con. Với những lời phê phán thì làm sao để con không cảm thấy suy sụp, thất vọng. Cha mẹ phải trở thành người bạn của con mới có thể biết được con của mình có vấn đề gì và nhanh chóng hỗ trợ các con vượt ra khỏi vấn đề mà các con gặp phải, giúp con đủ tự tin để có những bước đi vững chắc trong cuộc đời sau này”, PGS.TS. Trần Thu Hương đưa ra lời khuyên.

Theo SK&ĐS

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast