Khi những tờ lịch đã ngả sang nửa cuối tháng 11, cũng là lúc biết bao trái tim học trò lại ngân rung lên những nhịp đập tha thiết, thiêng liêng khi nghĩ về những người thầy giáo, cô giáo kính yêu của mình. Những người là cựu học sinh, cựu sinh viên sẽ bằng cách này hay cách khác tìm về thầy cô của mình. Những người đang khoác trên mình tà áo trắng trinh nguyên sẽ lại chộn rộn, háo hức chuẩn bị cho ngày lễ trọng của nghề giáo. Mỗi việc làm, mỗi suy nghĩ tuy khác nhau nhưng đều để nhằm bày tỏ niềm biết ơn, kính trọng của học trò đối với những “người đưa đò” nhân từ.
Gặp lại thầy giáo cũ sau 20 năm.
Tình cảm giữa thầy cô giáo với học trò có khi được bắt đầu ngay trong lần gặp gỡ đầu tiên ở lớp học, trong sân trường nhưng cũng có khi phải đợi mãi cho đến khi học sinh ra trường rồi mới khởi phát. Ở trong lớp học, trên sân trường chỉ đơn thuần là sự dạy dỗ về kiến thức, về bài học làm người nhưng phía sau cổng trường lại là mối cảm tình sâu sắc. Đó là dằng dặc những dõi theo, những hy vọng và đợi mong. Đó là thầm lặng những sẻ chia trong đời sống đầy rẫy những cạm bẫy và biến cố. Thầy cô lúc ấy không chỉ là người đưa đò nữa mà là bạn đồng hành của học trò, là người thân sẵn sàng xuất hiện khi học trò gặp khó khăn.
Một trong những người thầy mà tôi luôn không giấu được niềm tự hào, kính trọng mỗi lần nhắc đến, đó là thầy giáo Nguyễn Hùng Vĩ ở bậc đại học. Thầy dạy tôi rất ít, chỉ có mấy học trình về văn học dân gian nhưng vì thầy là người Nghệ, luôn dành tình cảm đặc biệt đối với lũ sinh viên Xứ Nghệ ra thủ đô trọ học nên chúng tôi thường hay qua lại nhà thầy. Thầy chẳng bao giờ giáo huấn điều gì cao xa, trừu tượng mà thường chỉ “chơi” với chúng tôi. Và lũ học trò sẽ tự học cách làm người từ chính những việc làm của thầy.
Dường như bất cứ một sinh viên xứ Nghệ nào cũng có những kỷ niệm đáng nhớ với thầy. Chuyện kể của các anh chị khoá trên, các em sinh viên khoá dưới về thầy thì nhiều lắm, câu chuyện nào cũng giản dị mà nặng ân tình. Có lần, một anh sinh viên bị đau ruột thừa phải vào viện mà trong túi không còn đồng nào, thầy lúc ấy đang đi xe đạp vội dắt xe ra bán lấy tiền đưa cho sinh viên rồi về nhà nói với vợ là bị mất cắp. Lại có lần, một anh sinh viên mới ra trường, đi làm báo đến kể với thầy về chuyến công tác sắp tới của mình. Biết anh đi vào chỗ đầy cạm bẫy, thầy lặng lẽ đưa cho anh một xấp tiền. Anh phóng viên lúc ấy cầm tiền mà không hiểu ý đồ của thầy. Về sau, khi hoàn thành công việc trở về, thầy mới cho hay, thầy đưa tiền là để học trò có tâm thế vững vàng hơn, tránh những cám dỗ của đồng tiền khi đi viết bài chống tiêu cực.
Thầy cô giáo còn là địa chỉ để học sinh trao gửi những tâm tình, suy tư sau những giờ lên lớp...
Còn tôi, đến bây giờ vẫn không thể nào quên được những dịp 20 -11, thầy luôn nhắn tôi đến nhà rồi bảo: “Hoa đấy, quà đấy, em mang đi mà tặng các thầy cô khác, thầy không cần nhiều thế đâu”. Hay như ngày cuối cùng trên giảng đường, thầy tìm bằng được tôi chỉ để dặn dò về những khó khăn phía ngoài cổng trường. Đã mười mấy năm trôi qua rồi, mà lời dặn của thầy vẫn còn vẹn nguyên sự ân cần, chân thành. Tình cảm của thầy vẫn còn vẹn nguyên sự ấm nóng…
Không chỉ riêng tôi và sinh viên khoa Văn - Đại học Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội mới có người thầy như thế. Tôi biết, ở ngôi trường nào, cấp học nào, cũng có những người thầy, người cô dành cả tình thương yêu, trách nhiệm cho học trò của mình. Họ là thầy nhưng có khi là cha, mẹ, anh, chị, có khi là bạn tri âm, tri kỷ. Và, đó là một trong những tình cảm sáng trong nhất, hồn hậu nhất, vị tình nhất trong muôn vàn những trạng thái tình cảm của con người.
Ngày đầu tiên đến lớp
Chính bởi tình cảm trong sáng đó nên mới có những cô giáo, thầy giáo cắm bản. Họ cứ ở miết trên những bản làng hẻo lánh, mãi không chịu về xuôi vì quá nặng lòng với lũ học trò miền núi nghèo đói. Mỗi ngày, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, những câu chuyện cảm động về những thầy giáo, cô giáo cắm bản lại đến giữa đời sống náo nhiệt và xô bồ. Họ có thể đi mòn chân khắp bản làng chỉ để vận động trẻ em đến trường. Họ có thể phải co ro trong căn liếp gió lùa giữa mùa đông rét mướt, có thể phải ăn triền miên những bữa cơm chỉ rau với muối nhưng họ vẫn kiên định với con đường đã chọn… Với tôi họ không chỉ là giáo viên mà còn là thiên sứ.
Cô giáo như mẹ hiền
Bây giờ, khi đã là một phụ huynh, tôi còn cảm nhận thêm được những cung bậc mới trong mênh mang tình nghĩa thầy cô với học trò. Ai cũng hiểu rằng, giáo viên mầm non, kể cả ở những trường tư thục cũng là những người chịu nhiều cực khổ nhất, thu nhập thấp nhất nhưng không phải ai cũng có cái nhìn cảm thông và chia sẻ với những cô giáo này. Tôi đã từng rớt nước mắt khi chứng kiến qua camera cảnh hai cô giáo của con tôi lặng lẽ bưng khay cơm ra ăn khi các con đã yên giấc ngủ. Và rất nhiều lần nữa, khi trường tan đã lâu, các cô vẫn cần mẫn ở lại chuẩn bị dụng cụ cho những tiết học mới vào ngày mai. Có thể trí nhớ non nớt của trẻ chẳng ghi lại được ký ức nào về cô giáo mầm non của mình. Mai này lớn lên, trẻ sẽ không nhớ đến các cô, không hề có sự đáp nghĩa nào nhưng các cô vẫn một lòng chăm sóc con trẻ vì đó là căn cốt tình yêu trong tâm hồn của các cô.
Thầy cô còn là những người bạn lớn...
...qua mỗi chặng đường, qua từng cấp học, dấu ấn của thầy cô giáo luôn in đậm trong mỗi thế hệ học trò
Trong mêng mang tình nghĩa thầy trò ấy, tôi còn cảm nhận được rất rõ tình cảm, sự biết ơn của những học trò nghèo đối với những người thầy không bằng cấp, mở lớp dạy thêm miễn phí trong làng. Còn rưng rưng mỗi lần nghĩ đến những thầy cô giáo đặc biệt ở những lớp học dành cho trẻ khuyết tật. Tôi vẫn thường gọi họ là những người thầy đặc biệt và không lý giải được nguyên nhân của sự lựa chọn của họ. Với thầy giáo làng thì đó còn có thể hiểu được là bởi niềm thương, bởi lòng nhân hậu. Còn với những thầy cô giáo ở những lớp học đặc biệt thì phải là một cái gì đó cao hơn thế. Như thể đó là sứ mệnh của họ đối với cuộc đời.
Ảnh: p.V
thiết kế: huy tùng