Chùa Đại Hùng nằm trong quần thể Khu di tích lịch sử - văn hóa Đại Hùng
Khu di tích lịch sử văn hóa Đại Hùng, thuộc phường Đậu Liêu, TX Hồng Lĩnh là nơi thờ Thủy Tổ Kinh Dương Vương và các Vua Hùng. Hằng năm, cứ đến dịp Giỗ Quốc Tổ Hùng Vương, người dân Hà Tĩnh cùng các tăng ni, phật tử, người dân tỉnh bạn hò hẹn nhau về đất Tổ dâng hương, thành kính tri ân.
Từ năm 2022, Lễ Giỗ Quốc Tổ Hùng Vương được nâng lên quy mô cấp tỉnh với nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, trưng bày, triển lãm... thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân.
Lễ Giỗ Quốc Tổ Hùng Vương năm 2023 diễn ra từ ngày 28 - 29/4/2023 (tức mùng 9 - 10/3 âm lịch). Trong đó, lễ dâng cúng vật phẩm của các địa phương trong toàn thị xã và lễ tế dân gian được tổ chức vào sáng 28/4/2023 (tức mùng 9/3 âm lịch); nghi lễ rước linh vị Thủy Tổ và Quốc Tổ Hùng Vương tổ chức vào chiều 28/4/2023 (tức mùng 9/3 âm lịch); phần nghi lễ Nhà nước về Giỗ Tổ Hùng Vương được tổ chức vào ngày 29/4/2023 (tức mùng 10/3 âm lịch). Không gian chính của lễ giỗ diễn ra tại Khu di tích Đại Hùng.
Đại lễ Giỗ Quốc Tổ Hùng Vương được tổ chức gắn với các lễ hội truyền thống của địa phương
Như những năm trước, năm nay, trước thời khắc khai lễ, Nhân dân toàn tỉnh cũng như một số tỉnh bạn đã háo hức chuẩn bị lễ vật để về dâng Quốc Tổ trong ngày đại lễ.
Bà Trần Thị Xuyên (60 tuổi, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình) chia sẻ: “Nhiều năm nay, năm nào tôi cũng cùng con cháu về đây dự lễ. Chúng tôi thường có mặt trước từ 2-3 ngày để có thể tham gia các hoạt động và tham quan các địa điểm khác trên địa bàn. Việc đó giúp gia đình tôi hiểu sâu hơn về Ngàn Hống cũng như văn hóa của đất kinh đô xưa, để khắc sâu thêm lòng tự hào dân tộc”.
Lễ rước linh vị Thủy Tổ và Quốc Tổ Hùng Vương được đông đảo người dân và du khách thập phương tham gia (Ảnh tư liệu)
Nhằm bảo tồn các giá trị văn hóa của các lễ hội truyền thống, từng bước đưa lễ Giỗ Quốc Tổ Hùng Vương đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, xứng tầm với quy mô cấp tỉnh, năm nay, UBND thị xã Hồng Lĩnh đã có sự chuẩn bị chu đáo về mọi mặt từ cơ sở vật chất đến tinh thần phục vụ lễ hội.
Nhiều năm nay, anh Võ Tiến Dũng (32 tuổi, ở tổ dân phố 7, phường Đậu Liêu) đều tham gia nghi lễ rước linh vị Thủy Tổ và Quốc Tổ tại Lễ Giỗ Quốc Tổ. Anh Dũng chia sẻ: “Tham gia thực hiện lễ tế dân gian cùng nghi lễ rước linh vị Thủy Tổ và Quốc Tổ Hùng Vương, tôi cùng nhiều người dân đã chuẩn bị rất chu đáo, từ trang phục đến thần thái, dáng đi… Giỗ Quốc Tổ là cơ hội để địa phương đón tiếp đông đảo du khách gần xa nên tất cả chúng tôi đều đề cao tinh thần trách nhiệm. Đó không chỉ là nhiệm vụ, là lòng thành kính đối với Quốc Tổ mà còn là hình ảnh về văn hóa, con người Hà Tĩnh đối với du khách thập phương”.
Cán bộ, Nhân dân phường Đậu Liêu gói và nấu cặp bánh chưng nặng khoảng 60kg dâng lên Quốc Tổ Hùng Vương
Cùng với công tác chuẩn bị phần lễ, phần hội cũng được Ban Tổ chức chuẩn bị kỹ lưỡng. Ngoài giải bóng đá nam thanh niên chào mừng lễ giỗ (diễn ra từ ngày 26/2 - 5/3 âm lịch), TX Hồng Lĩnh còn tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa khác gồm: các gian hàng giới thiệu sản phẩm tiêu biểu của thị xã và các huyện, thị, thành trong tỉnh từ ngày 27 - 29/4 (tức từ mùng 8 - 10/3 âm lịch); hội thi “Gói bánh chưng dâng Quốc Tổ” sáng 28/4 (tức mùng 9/3 âm lịch); đêm dạ hội văn nghệ với chủ đề ca ngợi Đảng, Bác Hồ, quê hương, đất nước vào tối 28/4 (tức mùng 9/3 âm lịch).
Ông Đặng Quang Vinh, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin (UBND thị xã Hồng Lĩnh) cho biết: “Tất cả các hoạt động của Lễ Giỗ Quốc Tổ Hùng Vương đều gắn với các lễ hội truyền thống của địa phương và các hoạt động hướng tới lễ giỗ phải an toàn, tiết kiệm, thuần túy tín ngưỡng dân gian, đảm bảo đúng các quy định hiện hành của Nhà nước”.
Pano, áp phích tuyên truyền lễ Giỗ Quốc Tổ Hùng Vương năm 2023 tại Khu di tích lịch sử - văn hóa Đại Hùng.
Ngoài ý nghĩa thực hành tín ngưỡng dân gian, tưởng nhớ công ơn tiền nhân, Lễ Giỗ Quốc Tổ Hùng Vương còn là dịp để TX Hồng Lĩnh quảng bá hình ảnh quê hương Ngàn Hống với du khách thập phương. Chính vì thế, thời gian qua, thị xã đã tập trung chỉ đạo khơi dậy, phát huy giá trị văn hóa truyền thống; đồng hành cùng ban quản lý các di tích trong công tác giải phóng mặt bằng, huy động nguồn lực xã hội hóa đầu tư tôn tạo, nâng cấp cơ sở vật chất các di tích; hấp thu các cơ chế hỗ trợ để xây dựng đường giao thông, điện chiếu sáng tại các khu di tích.
Đến nay, một số di tích lịch sử - văn hóa đã được đầu tư tôn tạo, nâng cấp khá hoàn thiện, cơ bản đáp ứng nhu cầu thực hành tín ngưỡng dân gian của Nhân dân trên địa bàn và du khách thập phương. Hệ thống di tích như: Khu di tích Đại Hùng, chùa Thiên Tượng, chùa Long Đàm, chùa Hang, đền Cả... đã tạo nên chuỗi điểm đến tâm linh phục vụ du khách trong dịp về dự Lễ Giỗ Quốc Tổ Hùng Vương.
Phối cảnh quy hoạch tổng thể Khu di tích lịch sử - văn hóa Đại Hùng
Ông Trần Xuân Đức - Phó Chủ tịch UBND thị xã Hồng Lĩnh cho biết: “Cùng với các di tích lịch sử văn hóa, các lễ hội truyền thống chính là nguồn lực để địa phương xây dựng chiến lược phát triển loại hình du lịch văn hóa tâm linh. Từ nay đến năm 2025, thị xã sẽ hoàn thành quy hoạch chung và quy hoạch chi tiết các di tích lịch sử - văn hóa trọng điểm; huy động các nguồn lực hoàn thành việc xây dựng, nâng cấp các tuyến đường đến chùa Long Đàm, chùa Thiên Tượng, chùa Hang, Khu di tích Đại Hùng, đền Cả...
Tiếp tục huy động nguồn lực xã hội hóa để cơ bản hoàn thiện việc trùng tu, tôn tạo các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn. Cùng đó là tăng cường kết nối với các doanh nghiệp du lịch, công ty lữ hành trong và ngoài tỉnh xây dựng 2-3 tour du lịch văn hóa tâm linh; thu hút đầu tư các cơ sở lưu trú đạt từ 3 sao trở lên…”.