Núi Hồng - Sông La

Minh Ngọc và hành trình đưa giải quán quân Sao Mai về Hà Tĩnh sau 13 năm

Không được gia đình ủng hộ theo đuổi nghệ thuật, song, Lê Thị Minh Ngọc (SN 2000, ở huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh) đã tích cực học tập, rèn luyện để chứng minh con đường mà cô chọn là đúng đắn. Thành tích quán quân dòng nhạc dân gian tại Sao Mai 2022 là quả ngọt dành cho nữ ca sĩ trẻ sau những năm tháng nỗ lực không mệt mỏi.

--------------------------------------

Minh Ngọc và hành trình đưa giải quán quân Sao Mai về Hà Tĩnh sau 13 nămTừ nhỏ, Minh Ngọc đã năng nổ tham gia các hoạt động văn nghệ ở trường và địa phương. (Ảnh: NVCC)

Minh Ngọc kể rằng, năm 2009, khi xem ti vi thấy nữ ca sĩ quê Hà Tĩnh Bùi Lê Mận tỏa sáng giành quán quân dòng nhạc dân gian, cô ngưỡng mộ và đặt mục tiêu sau này được một lần hát tại sân khấu Sao Mai.

Là con đầu trong gia đình có 3 chị em ở tổ dân phố 15, thị trấn Thạch Hà, huyện Thạch Hà, Minh Ngọc trông nhanh nhẹn, hoạt bát nhưng tính cách lại trầm lắng, kiệm lời, sống thiên về nội tâm.

Bố làm công an, mẹ là giáo viên tiểu học, gia đình không có truyền thống nghệ thuật, song, Ngọc lại được trời phú cho khả năng ca hát. Năm 3 tuổi, Ngọc đã tham gia các hoạt động văn nghệ ở trường và địa phương, đến hè thì sinh hoạt ở Trung tâm Hoạt động thanh thiếu nhi Hà Tĩnh. Lên THCS, cô học đàn, hát tại Trường Cao đẳng Nguyễn Du - Hà Tĩnh. Nhờ đến với âm nhạc, từ cô bé rụt rè, Minh Ngọc đã trở nên tự tin, hòa đồng hơn.

Minh Ngọc chia sẻ, bố mẹ lo sợ cô sao nhãng việc học nên hạn chế cho tham gia các hoạt động âm nhạc cũng như xem các chương trình ca hát trên ti vi. Vì sợ bị trách mắng, Ngọc thậm chí nhiều lần phải trốn gia đình để đi văn nghệ.

Bà Đặng Thị Hồng Thắm (45 tuổi, mẹ Minh Ngọc) chia sẻ, từ năm lên THCS, vợ chồng định hướng cho con gái chuyên tâm học văn hóa để theo đuổi lĩnh vực khác ngoài âm nhạc nhưng Ngọc không đồng ý, nói “chỉ muốn gắn bó với nghệ thuật”.

Minh Ngọc và hành trình đưa giải quán quân Sao Mai về Hà Tĩnh sau 13 năm

Minh Ngọc thu âm năm 14 tuổi. (Ảnh: NVCC).

Trước sự kiên định của Ngọc, bố mẹ âm thầm theo dõi năng khiếu và sự phát triển về âm nhạc của cô để đưa ra định hướng thích hợp. Lên lớp 9, gia đình quyết định cho Ngọc tham gia thử giọng tại Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội, kèm điều kiện: “Khi các thầy cô nhận xét có năng khiếu ca hát thì tính tiếp”.

Đó là năm 2015, kết thúc phần thử giọng, Minh Ngọc lúc này 15 tuổi được thầy cô nhận xét có tố chất ở dòng nhạc dân gian, khuyên nên về nghe thêm các ca khúc do Bùi Lê Mận và Anh Thơ hát để rèn luyện, trau dồi thêm kỹ năng. Dù vượt qua “cửa ải” quan trọng này, song, gia đình vẫn chưa đồng ý cho Ngọc theo nghệ thuật.

Nữ ca sĩ kể, nhiều đêm khi đang ngủ thì giật mình tỉnh dậy, nước mắt chảy dài trên má vì nằm mơ gia đình không ủng hộ ca hát. Trước đam mê âm nhạc quá mãnh liệt của Ngọc, bố mẹ đành phải tổ chức họp gia đình. Sau khi “biểu quyết”, các thành viên đồng ý cho Ngọc theo đuổi con đường nghệ thuật, kèm điều kiện “làm được một điều gì đó”.

Minh Ngọc và hành trình đưa giải quán quân Sao Mai về Hà Tĩnh sau 13 năm

Minh Ngọc chụp ảnh cùng gia đình trong dịp tết Nguyên đán. (Ảnh: NVCC).

“Em vui và xúc động khi bố mẹ đã lắng nghe và hiểu tâm tư, nguyện vọng của mình”, Minh Ngọc tâm sự và cho biết, sau thời gian này, cô tiến hành ôn thi vào Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội. Bố mẹ bận công việc không thể “tháp tùng”, Ngọc cùng bà ngoại ra Hà Nội thuê một phòng trọ nhỏ rộng khoảng 6 m2 ở gần trường để tiện đi lại ôn thi. Cô gái 15 tuổi may mắn được làm quen với Nghệ sĩ Ưu tú Hồng Hạnh - người đã chỉ dạy những kỹ thuật thanh nhạc cơ bản nhất, giúp Ngọc có những bước đi bài bản đầu tiên trong sự nghiệp ca hát.

Nhờ những nỗ lực tập luyện không mệt mỏi, tháng 8/2016, Minh Ngọc vỡ òa sung sướng khi nhận thông báo trúng tuyển chuyên ngành Thanh nhạc hệ đào tạo trung cấp dân sự chính quy của Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội.

Quãng thời gian theo học tại trường, Minh Ngọc rất chăm chỉ, nghiêm túc với việc học, điểm chuyên ngành luôn cao nhất lớp. “Trước mỗi kỳ thi, Ngọc đều gọi điện về và hát cho mẹ nghe trước bài thi của mình. Những lần như thế, tôi cảm thấy con đang lớn dần lên. Từ chỗ có phần lo lắng, bất an về con đường mà con lựa chọn, tôi dần cảm thấy bị thuyết phục, yên tâm hơn và luôn động viên, hỗ trợ con hết mình với nghệ thuật” - bà Thắm chia sẻ.

Định hướng theo dòng nhạc dân gian, song, ban đầu Minh Ngọc nói vẫn khá “mơ hồ”, cho đến khi nghe nhạc phẩm “Điệu ví giặm là em” do ca sĩ Bùi Lê Mận thể hiện. “Nghe xong ca khúc, em sởn gai ốc vì giọng hát quá truyền cảm của chị Lê Mận. Dòng nhạc này có rất nhiều bài hát hay, lại viết về quê hương, em tự hỏi tại sao từ trước đến nay mình không thử hát các ca khúc dân gian. Từ đó về sau, càng tìm hiểu, càng nghe, em càng yêu thích” - Minh Ngọc kể.

Minh Ngọc và hành trình đưa giải quán quân Sao Mai về Hà Tĩnh sau 13 năm

Minh Ngọc chụp ảnh cùng gia đình, bạn bè và Nghệ sỹ Ưu tú Tố Nga sau khi đoạt giải nhì cuộc thi Giọng hát hay Hà Nội năm 2020. (Ảnh: NVCC).

Để trau dồi thêm sự tự tin, Minh Ngọc quyết định tham gia các cuộc thi âm nhạc nhằm tích lũy thêm kiến thức, phong cách trình diễn. Giải thưởng âm nhạc lớn đầu tiên mà Ngọc tham gia, đạt á quân chính là cuộc thi Sao Mai Nghệ An năm 2019. Một năm sau, cô tiếp tục lặp lại thành tích này tại cuộc thi Giọng hát hay Hà Nội năm 2020. Nhờ những thành tích nổi bật này, Ngọc được đặc cách tuyển thẳng vào hệ quân sự, Khoa Thanh Nhạc - Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội.

Minh Ngọc và hành trình đưa giải quán quân Sao Mai về Hà Tĩnh sau 13 năm

Minh Ngọc trưởng thành hơn ở hiện tại. (Ảnh: NVCC).

Ngọc nói: những năm tháng học ở Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội giúp cô trưởng thành hơn về chuyên môn, biểu diễn có “lửa”, cảm thấy yêu nghề hơn, tự tin hướng đến các cuộc thi âm nhạc mới. Mùa Sao Mai năm 2022, Ngọc đăng ký dự thi, mạnh dạn đặt mục tiêu phải giành ngôi vị cao nhất dòng nhạc dân gian, mang niềm tự hào về cho quê hương Hà Tĩnh sau 13 năm kể từ thành tích của đàn chị Bùi Lê Mận.

Minh Ngọc và hành trình đưa giải quán quân Sao Mai về Hà Tĩnh sau 13 năm

Minh Ngọc biểu diễn ca khúc “Non nước” của nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Tiến trong đêm chung kết xếp hạng Sao Mai năm 2022. (Ảnh: VTV).

Cô gái trẻ quê Hà Tĩnh đã không làm mọi người thất vọng, luôn thể hiện sự nghiêm túc, chỉn chu, thường xuyên làm mới bản thân từ ngoại hình cho đến giọng hát trong mỗi đêm diễn. Khuya 9/10, Ngọc xúc động, suýt khóc tại sân khấu khi MC công bố kết quả cô giành danh hiệu quán quân dòng nhạc dân gian Sao Mai 2022 với thành tích toàn thắng ở tất cả 4 đêm chung kết toàn quốc.

Video: Tiết mục biểu diễn của Minh Ngọc đêm chung kết xếp hạng (nguồn VTV)

“Em quá hạnh phúc và tự hào khi đã thực hiện được lời hứa mang vinh quang về cho quê hương. Em muốn tặng giải thưởng này cho ông nội, người lo lắng, ủng hộ em theo đuổi con đường nghệ thuật từ ngày tấm bé. Khi giành được giải thưởng này thì ông không còn nữa nên em càng xúc động, không có từ ngữ nào để diễn tả được cảm xúc của mình” - Minh Ngọc chia sẻ khi đăng quang.

Minh Ngọc và hành trình đưa giải quán quân Sao Mai về Hà Tĩnh sau 13 năm

Minh Ngọc (giữa) giành giải quán quân ở dòng nhạc dân gian, mang về niềm tự hào cho quê hương Hà Tĩnh sau 13 năm kể từ khi đàn chị Bùi Lê Mận chiến thắng giải thưởng này ở Sao Mai 2009. (Ảnh: VTV).

Quán quân Sao Mai 2022 tâm sự, cô sẽ không thể đạt được thành công như hiện tại nếu không có sự dạy dỗ, dìu dắt, hỗ trợ của thầy Nhật Dương (Trường Cao đẳng Nguyễn Du – Hà Tĩnh), Nghệ sĩ Ưu tú Hồng Hạnh, Nghệ sĩ Ưu tú Tố Nga, Nghệ sĩ Ưu tú Opera Hà Phạm Thăng Long; nhà giáo Thu Hằng… Theo Minh Ngọc, đây là những người thầy, người cô đã tận tình chỉ dạy, tạo cơ hội cho em làm quen với các sân khấu lớn, tiếp xúc với những người nổi tiếng trong giới nghệ thuật.

Nghệ sĩ Ưu tú Tố Nga chia sẻ, lần đầu gặp Minh Ngọc, ấn tượng đọng lại là một cô bé hiền lành, nhút nhát và đặc biệt là “mau nước mắt”.

Minh Ngọc và hành trình đưa giải quán quân Sao Mai về Hà Tĩnh sau 13 năm

Minh Ngọc tâm sự, quê hương chính là cái nôi nuôi dưỡng nguồn năng lượng âm nhạc cho mình. Vì vậy, tại Sao Mai năm nay, khi nhận được nhiều sự ủng hộ, tình cảm của khán giả cả nước nói chung và người hâm mộ quê nhà Hà Tĩnh nói riêng, cô xúc động, hạnh phúc và biết ơn. Sau vinh quang vừa qua, Ngọc dự định tiếp tục rèn luyện ở Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội để hoàn thiện thêm bản thân. “Trong tương lai, em đặt kế hoạch sẽ có thêm nhiều dự án âm nhạc hướng về quê hương để tri ân khán giả Hà Tĩnh đã hết lòng ủng hộ mình” - Minh Ngọc nói thêm.

Thiết kế: Công Ngọc

Chủ đề Ca sỹ Hà Tĩnh

Đọc thêm

Vốn cổ quê hương trong tình yêu của các ca sĩ trẻ

Vốn cổ quê hương trong tình yêu của các ca sĩ trẻ

Không phải ngẫu nhiên mà Hà Tĩnh là quê hương của nhiều ca sĩ thành danh trong dòng nhạc dân gian. Nhiều giọng ca người Hà Tĩnh chia sẻ, từ nhỏ họ đã được nuôi dưỡng tình yêu với nghệ thuật truyền thống thông qua những câu hò, điệu ví. Chất dân ca cứ thế ngấm dần vào giọng nói, tiếng hát một cách tự nhiên như hơi thở.
Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh - “ngọc quý” của muôn đời

Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh - “ngọc quý” của muôn đời

Trong kho tàng di sản văn hóa quý giá của miền quê xứ Nghệ, dân ca ví, giặm là những “hạt ngọc’’ lấp lánh. Bằng tâm hồn đẹp đẽ, phong phú, bằng tình yêu sâu sắc và mãnh liệt với di sản của cha ông, những thế hệ cư dân Nghệ An, Hà Tĩnh đã làm lung linh, tỏa sáng những viên ngọc quý ấy.
Xem nghệ nhân trình diễn di sản văn hóa được UNESCO ghi danh

Xem nghệ nhân trình diễn di sản văn hóa được UNESCO ghi danh

Tại các gian hàng trưng bày và trình diễn di sản văn hóa được UNESCO ghi danh trong khuôn khổ Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản” được tổ chức tại Hà Tĩnh, du khách sẽ có cơ hội khám phá những dấu ấn văn hóa của các vùng miền trong nước.
Cuốn biên niên sử của cộng đồng người Xứ Nghệ

Cuốn biên niên sử của cộng đồng người Xứ Nghệ

Dân ca ví, giặm là một bộ phận chủ đạo trong kho tàng thơ ca trữ tình dân gian do cộng đồng người Việt ở 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh sáng tạo nên trong quá trình lao động sản xuất và sinh hoạt cộng đồng.
Nơi tỏa sáng các di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam

Nơi tỏa sáng các di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam

Festival “Về miền ví, giặm - Kết nối tinh hoa di sản” năm 2024, tại Hà Tĩnh không chỉ là nơi trình diễn di sản xứ Nghệ mà còn là không gian để các di sản văn hóa phi vật thể từ mọi miền đất nước hội tụ tỏa sáng.
Tiếng búa ghi danh nâng tầm ví, giặm

Tiếng búa ghi danh nâng tầm ví, giặm

Giây phút tiếng búa của Chủ tịch Ủy ban Liên chính phủ Công ước UNESCO về bảo vệ di sản phi vật thể vang lên, ghi danh dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại 10 năm trước, vẫn còn đọng mãi trong tôi những cảm xúc dâng trào.
Yêu câu ví, giặm quê mình

Yêu câu ví, giặm quê mình

Trước ngày “khai hội” kỷ niệm 10 năm dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO ghi danh là “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại” (2014-2024), những người con quê hương Nghệ An - Hà Tĩnh đã mang câu ví, giặm ngọt ngào đến với muôn phương không khỏi bồi hồi, xao xuyến…
“Quả ngọt” mùa giá rét

“Quả ngọt” mùa giá rét

Khi không khí lạnh tràn về, những vườn quả đã ủ hương lên mật, ruộng nương, hạt tí tách nẩy mầm, cũng là lúc người nông dân Hà Tĩnh chộn rộn chờ đón những mùa đông ấm áp, đủ đầy.
Cô giáo say mê dân ca ví, giặm

Cô giáo say mê dân ca ví, giặm

Nhiều năm qua, cô Phan Thị Thùy Diễm (Tổng phụ trách Đội Trường THCS Thành Mỹ, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) đã không ngừng truyền dạy làn điệu dân ca cho các thế hệ học sinh.