Mô hình nuôi dúi ở Tân Dân - “việc nhẹ lương cao”!

(Baohatinh.vn) - Với sự năng động, nỗ lực vượt khó, sáng tạo, anh Nguyễn Gia Chinh (SN 1982, ở thôn Đồng Hòa, xã Tân Dân, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh) đã thử nghiệm và “bén duyên” với nghề nuôi dúi, cho thu nhập gần nửa tỷ đồng mỗi năm.

Trang trại nuôi dúi của anh Nguyễn Gia Chinh ở thôn Đồng Hòa, xã Tân Dân (Đức Thọ).

Anh Nguyễn Gia Chinh (trú ở thôn Đồng Hòa, xã Tân Dân, huyện Đức Thọ) sinh ra trong gia đình nông dân nghèo, phải xa quê lập nghiệp từ sớm. Năm 2020, anh được bạn bè giới thiệu đến tham quan mô hình nuôi dúi ở Quảng Ngãi, thấy điều kiện chăn nuôi loài vật này khá phù hợp ở quê nhà nên đã quyết định hồi hương khởi nghiệp.

Năm 2021, anh Chinh mua 100 con dúi giống về nuôi thử tại thôn Đồng Hòa, xã Tân Dân, theo hình thức trang trại. Qua thời gian chăm sóc, đàn dúi sinh sản và phát triển khỏe mạnh, cho hiệu quả kinh tế cao.

Anh Nguyễn Gia Chinh đầu tư 100 con dúi giống để khởi đầu “cơ nghiệp”.

Anh Chinh cho biết: “Công việc nuôi dúi không quá phức tạp. Thức ăn của loài nuôi này gồm có tre, ngô, mía, cỏ voi..., đều là những sản phẩm dễ kiếm tại địa phương. Ưu điểm lớn nhất là dúi không cần uống nước, mỗi ngày chỉ ăn 1 bữa vào buổi chiều tối nên lượng chất thải rất ít và sạch. Đặc biệt, dúi ít bệnh tật, không gây ô nhiễm môi trường”.

Thức ăn của loài nuôi gồm có tre, ngô, mía, cỏ voi..., đều là những sản phẩm dễ kiếm tại địa phương

Chuồng nuôi dúi được thiết kế đơn giản, có thể xây hoặc dùng gạch lát nền gắn lại với nhau theo kích thước 60x60cm, kín gió, ít tiếng động, không bị ánh sáng mặt trời chiếu trực tiếp. Tuy nhiên, môi trường nuôi đòi hỏi khô thoáng, không ẩm ướt, vệ sinh sạch sẽ; nền chuồng phải làm chắc chắn để dúi không đào trốn ra ngoài. Dúi có đặc tính thích ở nơi ít ánh sáng, khu vực nuôi càng kín thì phát triển càng nhanh.

Chuồng nuôi dúi được thiết kế đơn giản, có thể xây hoặc dùng gạch lát nền gắn lại với nhau.

Chăm chỉ, chịu khó tìm tòi nên anh Chinh đã nắm bắt được các đặc điểm, kỹ thuật cơ bản về chăn nuôi dúi thuần. Nhờ tuân thủ quy trình, quy định về điều kiện chăn nuôi, an toàn dịch bệnh, vệ sinh môi trường nên mô hình đã được Chi cục Kiểm lâm Hà Tĩnh cấp giấy phép chăn nuôi (dúi là loài động vật rừng thông thường - PV).

Dúi thương phẩm được nuôi nhốt tập trung, thời gian nuôi khoảng 6 - 7 tháng sẽ cho xuất chuồng.

Theo anh Chinh, để nuôi dúi thành công, đòi hỏi người nuôi phải thực sự chuyên tâm và theo dõi vật nuôi thường xuyên. Thời gian tách đàn dúi con, ghép đôi bố mẹ đều phải tính toán phù hợp. Việc lựa chọn ghép đôi cũng cần lưu ý, con đực và con cái không cùng huyết thống thì chất lượng và số lượng con giống cao hơn. Trung bình mỗi năm, đàn dúi cái đẻ 3 lứa, mỗi lứa 3 - 4 con. Sau gần 2 năm gắn bó với nghề, anh Chinh tăng tổng đàn từ 100 con ban đầu lên 600 con, trong đó 300 con dúi mẹ.

“Mỗi con non từ khi sinh ra đến khoảng 2 - 3 tháng có trọng lượng từ 400 - 500 gram, có thể bán giống từ 1 - 1,2 triệu đồng/cặp. Đối với dúi thương phẩm, thời gian nuôi từ 6 - 7 tháng, có thể đạt trọng lượng từ 1,2 - 1,8kg/con. Loài nuôi này thịt thơm ngon và có nhiều chất dinh dưỡng nên việc tiêu thụ khá thuận lợi. Phần lớn người mua đến tận nơi để đặt hàng với giá dao động từ 500.000 - 600.000 đồng/kg. Thời điểm này, lượng tiêu thụ lớn, gia đình tôi có thể thu nhập hơn 40 triệu đồng/tháng” - anh Nguyễn Gia Chinh chia sẻ.

Một con dúi trưởng thành có thể cho trọng lượng từ 1,2 -1,8kg

Dự kiến, từ nay đến tết Nguyên đán 2023, anh Chinh sẽ xuất bán khoảng 300 con dúi thương phẩm. Không chỉ nâng cao thu nhập cho gia đình, anh còn tạo công ăn việc làm cho 5 lao động tại địa phương với mức lương 6 triệu đồng/người/tháng.

Chia sẻ về dự định sắp tới, anh Chinh cho biết: “Gia đình phấn đấu nhân rộng đàn lên 2.000 con. Tôi sẽ chia sẻ kinh nghiệm và hướng dẫn kỹ thuật về quy trình nuôi dúi cho những ai có nhu cầu nhằm giúp bà con tìm được hướng phát triển kinh tế hiệu quả. Đồng thời, từng bước xây dựng chuỗi tiêu thụ bền vững và giá trị cao. Trước mắt, nếu mô hình nuôi dúi được nhân rộng trên địa bàn xã, tôi sẽ đảm nhận nhiệm vụ tìm kiếm nơi tiêu thụ ổn định cho bà con”.

Mô hình nuôi dúi của anh Nguyễn Gia Chinh là mô hình mới tại địa phương. Qua đánh giá, mô hình mang lại hiệu quả tốt, chi phí đầu tư thấp, không cần nhiều lao động, không gây ô nhiễm môi trường trong khi giá trị kinh tế mang lại rất cao. Hiệu quả từ mô hình này đang mở ra hướng đi mới trong chăn nuôi cho người dân trong xã. Địa phương đang khuyến khích bà con trên địa bàn học tập kinh nghiệm để có thể nhân rộng nghề nuôi dúi nhằm nâng cao thu nhập.

Ông Nguyễn Hoàng Long
Phó Chủ tịch UBND xã Tân Dân

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói