Giữ cho lửa làng rèn luôn sáng là mong muốn, tâm huyết của người dân Trung Lương. Ảnh Khánh Thành
Nhu cầu bức thiết
Trên diện tích vẻn vẹn khoảng 20 m2, hơn 30 năm nay, gia đình ông Nguyễn Trọng Hà (tổ dân phố Tân Miếu - phường Trung Lương) vẫn duy trì nghề rèn truyền thống của cha ông để lại.
“Không gian chật hẹp nên chúng tôi muốn mở rộng quy mô sản xuất cũng khó. Sản xuất theo kiểu manh mún, nhỏ lẻ nên sản phẩm chỉ quanh quẩn thị trường trong tỉnh. Chúng tôi mong muốn sớm được ra CCN để có điều kiện nâng tầm sản phẩm và phát triển làng nghề, tiếp cận thị trường rộng lớn hơn” - ông Hà chia sẻ.
Hơn 30 năm nay, gia đình ông Nguyễn Trọng Hà vẫn duy trì nghề rèn truyền thống trong không gian chật hẹp
Mong muốn của ông Hà cũng là nguyện vọng chính đáng của các chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh tại làng nghề Trung Lương. Ông Nguyễn Duy Đăng - Chủ tịch UBND phường Trung Lương cho biết: Trên địa bàn hiện có 110 hộ làm nghề rèn, 4 xưởng đúc và 6 doanh nghiệp sản xuất gia công, cơ khí, vật liệu xây dựng, luyện cán thép.
Đến thời điểm này, mới chỉ có 8 doanh nghiệp và 7 cơ sở sản xuất hoạt động trong CCN trên diện tích 6,6 ha, còn lại đang nằm rải rác trong khu dân cư. Các cơ sở này do hạn hẹp về diện tích nên khó có thể mở mang, phát triển; còn gây ô nhiễm môi trường và tiếng ồn, ảnh hưởng tới cuộc sống và sức khỏe của nhân dân.
Mong muốn của chính quyền và người dân phường Trung Lương là sớm hoàn thành phần mở rộng CCN để chuyển ra sản xuất, kinh doanh
"Mong muốn của chính quyền và người dân phường Trung Lương là sớm hoàn thành phần mở rộng CCN để các cơ sở sản xuất, kinh doanh đi vào hoạt động ổn định. Có như vậy, các cơ sở mới mạnh dạn đầu tư dây chuyền, thiết bị máy móc hiện đại, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao giá trị sản phẩm. Từ đây, địa phương mới đủ điều kiện để phát triển làng nghề theo hướng hiện đại, tự động hóa cao" - ông Đăng nói thêm.
Khó nguồn lực đầu tư
CCN Trung Lương có tổng diện tích là 26,4 ha, trong đó phần quy hoạch cũ 6,6 ha và phần quy hoạch mở rộng 19,8 ha. Hiện nay, phần diện tích cũ đã được lấp đầy, 15 doanh nghiệp và cơ sở đã đi vào sản xuất, kinh doanh ổn định. Tuy vậy, việc đầu tư phần quy hoạch mở rộng cụm đang gặp rất nhiều khó khăn.
Hiện TX. Hồng Lĩnh vẫn chưa kêu gọi được doanh nghiệp vào đầu tư mở rộng CCN Trung Lương
Ông Phạm Quốc Dũng, cán bộ Phòng Kinh tế - Hạ tầng, TX Hồng Lĩnh cho biết: Đến thời điểm này, CCN Trung Lương vẫn chưa kêu gọi được doanh nghiệp vào đầu tư mở rộng, trong khi đó, nguồn lực địa phương rất khó khăn. Phần mở rộng do thiếu nguồn vốn để đền bù, giải phóng và san lấp mặt bằng nên chưa được triển khai đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nội cụm.
Trước mắt, TX. Hồng Lĩnh cần giải phóng mặt bằng khoảng 7- 10 ha gắn với đầu tư hạ tầng cụm, kinh phí dự kiến khoảng 30 - 35 tỷ đồng.
“Để giải quyết nhu cầu bức thiết của hàng trăm cơ sở sản xuất rèn, đúc truyền thống trong dân cư và nhu cầu mở rộng quy mô sản xuất của các cơ sở, cũng như thu hút các doanh nghiệp bên ngoài vào đầu tư sản xuất, kinh doanh, trước mắt (giai đoạn 1), địa phương cần giải phóng mặt bằng khoảng 7 - 10 ha gắn với đầu tư hạ tầng cụm. Kinh phí đầu tư dự kiến khoảng 30 - 35 tỷ đồng. Do đó, chính quyền địa phương đề nghị UBND tỉnh quan tâm, tạo điều kiện hỗ trợ kinh phí để phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề truyền thống rèn, đúc Trung Lương” – ông Dũng kiến nghị.