Một số vấn đề cần lưu ý về số lượng và tiêu chuẩn đại biểu hội đồng nhân dân các cấp

(Baohatinh.vn) - Cuộc bầu cử đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 dự kiến sẽ được tiến hành vào ngày 23/5/2021. Đây là sự kiện chính trị quan trọng của đất nước nhằm lựa chọn, bầu ra những đại biểu tiêu biểu, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân trong nhiệm kỳ mới.

Để cuộc bầu cử đạt kết quả cao, cần xác định đúng tiêu chuẩn, số lượng đại biểu hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp. Những nội dung này được quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2019, Nghị quyết số 1187/NQ-UBTVQH14 ngày 11/01/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn bản số 36-HD/BTCTW ngày 20/01/2021 của Ban Tổ chức Trung ương.

Một số vấn đề cần lưu ý về số lượng và tiêu chuẩn đại biểu hội đồng nhân dân các cấp

Chiều 21/1, Ủy ban Bầu cử tỉnh Hà Tĩnh tổ chức hội nghị trực tuyến toàn tỉnh triển khai công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Ảnh: PV

Về tiêu chuẩn đại biểu HĐND

Theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương, đại biểu HĐND phải đảm bảo các tiêu chuẩn: (1) Có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam; (2) Trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp, phấn đấu thực hiện công cuộc đổi mới, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; (3) Có phẩm chất đạo đức tốt, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, gương mẫu chấp hành pháp luật; có bản lĩnh, kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền và các hành vi vi phạm pháp luật khác; (4) Có trình độ văn hóa, chuyên môn, đủ năng lực, sức khỏe, kinh nghiệm công tác và uy tín để thực hiện nhiệm vụ đại biểu; Có điều kiện tham gia các hoạt động của HĐND; (5) Liên hệ chặt chẽ với Nhân dân, lắng nghe ý kiến của Nhân dân, được Nhân dân tín nhiệm.

Ngoài ra, theo Hướng dẫn số 36-HD/BTCTW ngày 20/01/2021 của Ban Tổ chức Trung ương thì người ứng cử đại biểu HĐND các cấp đang công tác tại cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước nói chung phải là cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tiêu biểu, có tư tưởng chính trị vững vàng, có năng lực xây dựng chính sách và khả năng tổ chức hoạt động giám sát, có chuyên môn và kinh nghiệm thực tiễn phù hợp với vị trí dự kiến; thể hiện trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, không vi phạm quy định về những điều đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức không được làm.

Đối với đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách, ngoài các tiêu chuẩn chung còn phải đáp ứng các tiêu chuẩn riêng quy định tại Hướng dẫn số 36-HD/BTCTW ngày 20/01/2021 của Ban Tổ chức Trung ương.

Về số lượng đại biểu HĐND

Một số vấn đề cần lưu ý về số lượng và tiêu chuẩn đại biểu hội đồng nhân dân các cấp

Kỳ họp thứ 18, HĐND tỉnh Hà Tĩnh khóa XVII diễn ra từ ngày 6-8/12/2020, ban hành 24 nghị quyết. Ảnh: PV

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ số 76/2015/QH13 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương số 77/2015/QH13 quy định theo hướng giảm số lượng đại biểu HĐND các cấp so với trước đây. Cụ thể:

Việc xác định tổng số đại biểu HĐND tỉnh được thực hiện theo nguyên tắc: Tỉnh miền núi, vùng cao có từ năm trăm nghìn dân trở xuống được bầu 50 đại biểu; có trên 500 nghìn dân thì cứ thêm 50 nghìn dân được bầu thêm 1 đại biểu, nhưng tổng số không quá 75 đại biểu (trước đây là 85 đại biểu). Tỉnh không thuộc trường hợp miền núi, vùng cao có từ 1 triệu dân trở xuống được bầu 50 đại biểu; có trên 1 triệu dân thì cứ thêm 70 nghìn dân được bầu thêm 1 đại biểu, nhưng tổng số không quá 85 đại biểu (trước đây không quá 95 đại biểu).

Việc xác định tổng số đại biểu HĐND huyện được thực hiện theo nguyên tắc: Huyện miền núi, vùng cao, hải đảo có từ 40 nghìn dân trở xuống được bầu 30 đại biểu; có trên 40 nghìn dân thì cứ thêm 7 nghìn dân được bầu thêm một đại biểu, nhưng tổng số không quá 35 đại biểu (trước đây không quá 40 đại biểu). Huyện không thuộc trường hợp miền núi, vùng cao có từ 80 nghìn dân trở xuống được bầu 30 đại biểu; có trên 80 nghìn dân thì cứ thêm 15 nghìn dân được bầu thêm 1 đại biểu, nhưng tổng số không quá 35 đại biểu (trước đây không quá 40 đại biểu). Số lượng đại biểu HĐND ở huyện có từ 30 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc trở lên do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định theo đề nghị của Thường trực HĐND cấp tỉnh, nhưng tổng số không quá 40 đại biểu.

Việc xác định tổng số đại biểu HĐND thị xã, thành phố thuộc tỉnh được thực hiện theo nguyên tắc: Thị xã có từ 80 nghìn dân trở xuống được bầu 30 đại biểu; có trên 80 nghìn dân thì cứ thêm 15 nghìn dân được bầu thêm 1 đại biểu, nhưng tổng số không quá 35 đại biểu (trước đây không quá 40 đại biểu). Thành phố thuộc tỉnh có từ 100 nghìn dân trở xuống được bầu 30 đại biểu; có trên 100 nghìn dân thì cứ thêm 15 nghìn dân được bầu thêm 1 đại biểu, nhưng tổng số không quá 35 đại biểu (trước đây không quá 40 đại biểu).

Việc xác định tổng số đại biểu HĐND phường được thực hiện theo nguyên tắc: Phường có từ 10 nghìn dân trở xuống được bầu 21 đại biểu; phường có trên 10 nghìn dân thì cứ thêm 5 nghìn dân được bầu thêm một đại biểu, nhưng tổng số không quá 30 đại biểu (trước đây không quá 35 đại biểu).

Việc xác định tổng số đại biểu HĐND thị xã, thị trấn được thực hiện theo nguyên tắc: Xã, thị trấn miền núi, vùng cao và hải đảo có từ 2 nghìn dân trở xuống được bầu 15 đại biểu; có trên 2 nghìn dân đến dưới 3 nghìn dân được bầu 19 đại biểu; có từ 3 - 4 nghìn dân được bầu 21 đại biểu; có trên 4 nghìn dân thì cứ thêm 1 nghìn dân được bầu thêm 1 đại biểu, nhưng tổng số không quá 30 đại biểu (trước đây không quá 35 đại biểu). Xã, thị trấn không thuộc trường hợp miền núi, vùng cao có từ 5 nghìn dân trở xuống được bầu 25 đại biểu; có trên 5 nghìn dân thì cứ thêm 2.500 dân được bầu thêm 1 đại biểu, nhưng tổng số không quá 30 đại biểu (trước đây không quá 35 đại biểu).

Theo hướng dẫn của Ủy ban thường vụ Quốc hội tại Nghị quyết số 1187/NQ-UBTVQH14 ngày 11/01/2021 thì dân số của từng đơn vị hành chính để làm căn cứ xác định số lượng đại biểu HĐND được bầu được xác định theo số liệu thống kê dân số do cơ quan thống kê cấp tỉnh công bố tại thời điểm gần nhất tính đến ngày 31/12/2020. Việc xác định đơn vị hành chính miền núi, vùng cao, hải đảo để làm căn cứ xác định số lượng đại biểu HĐND được bầu căn cứ vào văn bản, quyết định còn hiệu lực pháp luật của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Tại Nghị quyết số 1187/NQ-UBTVQH14, Ủy ban thường vụ Quốc hội giao Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Ủy ban Dân tộc và các cơ quan có liên quan rà soát, tập hợp các văn bản, quyết định còn hiệu lực pháp luật đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành để xác định đơn vị hành chính miền núi, vùng cao, hải đảo và công bố trên trang thông tin điện tử của Hội đồng Bầu cử quốc gia (http://hoidongbaucu.quochoi.vn) chậm nhất là ngày 01 tháng 02 năm 2021.

Số lượng đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách

Đối với cấp tỉnh, số lượng đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách giữ chức vụ chủ tịch, phó chủ tịch HĐND tối đa là 2 người; số lượng đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách giữ chức vụ trưởng ban, phó trưởng ban ở mỗi ban của HĐND tối đa là 2 người (trừ TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng thực hiện theo quy định riêng). Đối với cấp huyện, số lượng đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách giữ chức vụ chủ tịch, phó chủ tịch HĐND tối đa là 2 người; số lượng đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách giữ chức vụ trưởng ban, phó trưởng ban ở mỗi ban của HĐND tối đa là 2 người. Đối với cấp xã, số lượng đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách giữ chức vụ phó chủ tịch HĐND là 1 người.

Một số vấn đề cần lưu ý về số lượng và tiêu chuẩn đại biểu hội đồng nhân dân các cấp

HĐND huyện Hương Khê khoá XX tổ chức kỳ họp thứ 17 - kỳ họp thường kỳ cuối cùng của nhiệm kỳ 2016-2021. Ảnh: PV

Dự kiến cơ cấu, thành phần, phân bổ số lượng

Theo quy định tại Nghị quyết số 1187/NQ-UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc dự kiến cơ cấu, thành phần, phân bổ số lượng người được giới thiệu để ứng cử đại biểu HĐND ở mỗi đơn vị hành chính phải đáp ứng các yêu cầu sau:

- Bảo đảm có ít nhất là 35% tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu HĐND là phụ nữ; phấn đấu tỷ lệ phụ nữ trúng cử là khoảng 30% tổng số đại biểu HĐND;

- Bảo đảm tỷ lệ hợp lý người trong danh sách chính thức những người được giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND là người dân tộc thiểu số, phù hợp với đặc điểm, cơ cấu dân số của từng địa phương. Quan tâm đến những dân tộc thiểu số trong nhiều khóa chưa có người tham gia vào hoạt động của HĐND;

- Phấn đấu đạt tỷ lệ người được giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND là người ngoài Đảng không thấp hơn 10% tổng số người được giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND;

- Phấn đấu đạt tỷ lệ người được giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND là đại biểu trẻ tuổi (dưới 40 tuổi) không thấp hơn 15% tổng số người được giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND;

- Phấn đấu đạt tỷ lệ từ 30% trở lên đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2016-2021 tái cử đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2021 - 2026 ở từng cấp;

- Giảm tỷ lệ người được giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND công tác ở các cơ quan quản lý nhà nước so với nhiệm kỳ 2016 - 2021;

- Việc phân bổ người được giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2021 - 2026 tại các đơn vị bầu cử phải bảo đảm công bằng, bình đẳng; bảo đảm tương quan hợp lý với tỷ lệ dân số giữa các đơn vị hành chính trực thuộc, giữa các thôn, tổ dân phố.

Thời gian tới, cần tích cực đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến rộng rãi về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc bầu cử HĐND các cấp, cũng như trách nhiệm của mỗi người dân trong việc lựa chọn những đại biểu đủ tiêu chuẩn theo quy định, xứng đáng tham gia đại biểu HĐND.

Trong quá trình tổ chức bầu cử, các cấp có thẩm quyền cần tạo điều kiện cho Nhân dân tiếp xúc với các ứng cử viên, tăng cường đối thoại trực tiếp để người dân có đầy đủ thông tin chính xác, rõ ràng, đảm bảo Nhân dân lựa chọn đúng những người có đức, có tài đại diện cho mình thực hiện quyền lực nhà nước.

Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh

Đọc thêm

Thị xã Kỳ Anh - đô thị động lực và dáng vóc của thành phố trẻ

Thị xã Kỳ Anh - đô thị động lực và dáng vóc của thành phố trẻ

Từ dấu mốc quan trọng cách đây 10 năm, TX Kỳ Anh (Hà Tĩnh) hôm nay đang khoác lên mình màu áo mới với vóc dáng của một thành phố trẻ, năng động, văn minh và hiện đại, khẳng định vị thế ngày càng quan trọng trong tiến trình phát triển của Hà Tĩnh và cả nước.
Trách nhiệm và kỳ vọng từ những lá đơn xin nghỉ hưu trước tuổi ở Hà Tĩnh

Trách nhiệm và kỳ vọng từ những lá đơn xin nghỉ hưu trước tuổi ở Hà Tĩnh

Thực hiện chủ trương sáp nhập đơn vị hành chính, sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy, từ hơn tháng nay, trên địa bàn Hà Tĩnh đã có hàng trăm cán bộ, công chức, viên chức, người lao động viết đơn xin nghỉ việc trước tuổi. Đó không đơn thuần là lời tạm biệt sau nhiều năm cống hiến mà còn thể hiện tinh thần trách nhiệm vì việc chung, là những kỳ vọng gửi đến thế hệ kế cận.
Chuyện “Dân vận khéo” ở Nghi Xuân

Chuyện “Dân vận khéo” ở Nghi Xuân

Thời gian qua, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) đã huy động sức mạnh trong dân bằng công tác “dân vận khéo”, mang lại hiệu quả thiết thực trong mọi mặt đời sống xã hội.
Thành Sen rộng mở

Thành Sen rộng mở

TP Hà Tĩnh đang chuyển động không ngừng để trở thành đô thị lớn, vươn lên là một trong những trung tâm vùng Bắc Trung Bộ. Trước thềm Xuân Ất Tỵ, thành phố đón thêm “thành viên”, mở ra không gian phát triển mới, khí thế mới để cùng đất nước vươn mình…
Đảng bộ Hà Tĩnh sau gần 35 năm tái lập tỉnh, thực hiện công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế

Đảng bộ Hà Tĩnh sau gần 35 năm tái lập tỉnh, thực hiện công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế

Sau gần 35 năm tái lập tỉnh, Hà Tĩnh tiếp tục cùng cả nước thực hiện toàn diện công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế. Những thành tựu đạt được của Đảng bộ, Nhân dân tỉnh nhà tiếp tục khẳng định tinh thần đoàn kết, thống nhất, phát huy ý chí, khát vọng, giá trị văn hóa cùng sức mạnh của con người Hà Tĩnh.
Tết sớm ở Trường Sa

Tết sớm ở Trường Sa

Khi những chuyến tàu rẽ sóng, vượt hàng trăm hải lý chở hàng tết đến với Trường Sa cùng những yêu thương đong đầy mà đất liền gửi gắm, ấy là lúc quân và dân nơi đây bắt đầu đón tết.