Một thoáng ngoại ô

(Baohatinh.vn) - Ngoại ô TP Hà Tĩnh - không gian ven đô tựa như bờ bao của một hồ đập thuỷ lợi, kiên cố, vững chãi nhưng cũng có những ô cửa đủ rộng để những con người ở phố có thể đóng mở mà thoát ra khỏi những ồn ã, xô bồ, thu nạp vào tâm tư mình những khoảnh khắc an định, thanh bình…

Một thoáng ngoại ô

Thành Sen vốn dĩ là một phố thị dân dã. Phố hoài thai từ làng. Người phố hầu như đều xuất thân là nông dân. Đô thị hoá lại thu hút thêm một lượng không nhỏ người quê về phố sinh sống. Hết thảy họ, hầu như đều thường trực nỗi nhớ về một không gian đồng nội yên bình. Thì kia, chỉ cần dăm mười phút chạy xe máy là người ta đã có tìm thấy ký ức của mình. Có thể thoải mái mà hít căng lồng ngực cái phong vị đồng nội thanh khiết. Có thể lân la mà bắt chuyện với bất kỳ con người nào mà không ngại bị xét nét, nghi kỵ…Chỉ cần một thoáng thôi là đã có thể nương náu tâm tư vào chốn yên bình.

Một thoáng ngoại ô

Người ta thường tìm đến không gian ven đô vào những cuối chiều, khi mặt trời đã nhạt nắng, khi mà những bộn bề cuộc sống đã tạm lắng xuống. Tôi cũng thế, vào những cuối chiều mệt nhoài vì công việc, thể nào tôi cũng tự thuởng cho mình một vòng rong ruổi quanh những làng mạc, xóm thôn vùng ngoại ô. Để có thể hít hà mùi hương cỏ rối, để ngắm những bông hoa bìm bìm mọc dại ven đê khép cánh tím u buồn trong ráng chiều vụn vỡ, để cảm nhận được sự ấm áp trong khói lam chiều, trong cánh chim tìm về tổ ấm…Đặc biệt là được ngắm những hoàng hôn rơi trên những dòng sông rồi lắng lòng nghe sóng nước thầm thì kể chuyện…

Một thoáng ngoại ô

Tôi sinh ra ở miền núi cao. Chảy dưới chân núi, uốn lượn quanh làng tôi là dòng Ngàn Phố hiền hoà. Bởi thế, sông bao giờ cũng chiếm “dung lượng” lớn nhất trong ký ức, tình yêu và nỗi nhớ về quê hương của tôi. Bất kỳ lúc nào gặp sông nước là tình yêu, nỗi nhớ quê hương lại trỗi dậy thật mạnh mẽ, thật tha thiết, thật trìu mến…Tôi luôn cho rằng, sông chính là sợi tơ duyên đưa tôi đến sống ở một phố thị mà bao quanh nó là những con sông êm đềm. Tôi không nhớ đã bao nhiêu lần đến ngồi bên sông Phủ nhìn xuôi theo bao la những đổi thay ven đô, không nhớ đã bao nhiêu lần chạy dọc đê Trung Linh để ngắm sông Cày êm trôi trong lặng lẽ, không nhớ hết được đã thu nạp vào tâm tư mình bao nhiêu lời rì rầm của rừng bần bên sông Hộ Độ… Chỉ biết rằng, tất cả đã vỗ vào lòng tôi, thức dậy những lớp lang kỷ niệm và biên thêm nhiều trang ký ức khi tôi gặp gỡ, chuyện trò với những ngư phủ trên những dòng trôi ấy…

Một thoáng ngoại ô

Những cuộc gặp gỡ ấy đều tình cờ nhưng đã thành hữu ý. Như cuộc gặp gỡ giữa tôi và vợ chồng ngư phủ Minh - Kỳ khi họ đang mải miết bơi thuyền, quăng lừ trên sông Cày. Đó là một cuối chiều nhạt nắng, từ trên đê Trung Linh tôi đưa ống kính hướng về sông Cày chụp ảnh con thuyền đánh cá. Dưới thuyền, người chồng thản nhiên ngồi dựa lưng lên mui và thong thả đạp chèo như không hề quan tâm những diễn biến xung quanh. Ấy thế mà người vợ lại đưa tay lên vẫy vẫy và nở nụ cười thân thiện nói với lên: “Chụp thật đẹp nha”.

Một thoáng ngoại ô

Lần theo bóng con thuyền, tôi cũng đến được bến neo của họ. Đó là một mô đất nhô ra dưới gầm cầu Cày. Người vợ cho biết, mình tên là Nguyễn Thị Kỳ còn chồng là Dương Minh người xóm Liên Phú xã Thạch Trung (Thành phố Hà Tĩnh). Vợ chồng chị Kỳ theo nghề đánh bắt thuỷ sản trên sông Cày đã hơn 20 năm. Đó cũng là chừng ấy thời gian anh chị đón nhận ân nghĩa của dòng sông quê hương. Từ sông, vợ chồng chị đã cất được nhà để ở, từ sông, con cái anh chị được ăn học đàng hoàng. Trước đây, khi môi trường còn chưa bị ô nhiễm, mỗi ngày anh chị kiếm được vài ba trăm nghìn nhưng bây giờ may lắm cũng được hơn một trăm. Dẫu vậy, bơi thuyền trên sông mỗi tinh sương, mỗi cuối chiều, với anh Minh chồng chị không chỉ đơn thuần là chuyện áo cơm. Đó còn là tình yêu. Một tình yêu đặc biệt không ai cắt nghĩa được.

Một thoáng ngoại ô

Cởi bỏ vẻ lạnh lùng ban đầu, anh Minh càng lúc càng chia sẻ nhiều hơn về công việc của mình. Anh nói, nghề này tuy vất vả nhưng nếu thật sự đam mê thì sẽ thấy vui. Trai tráng làng anh không một ai không biết bơi thuyền, giăng câu, đặt lừ trên sông. Người quê rộng rãi và ưa an yên, nếu thấy người này làm việc này thì người khác sẽ chọn việc kia. Thế nên mới có thuyền chuyên đặt lừ bắt tôm, thuyền chuyên câu cá hanh, cá đối… Người dong thuyền ở khúc sông này, người chèo mãi lên tận mạn Thạch Linh, Thạch Đài…Chẳng ai phạm vào miếng cơm manh áo của ai.

Một thoáng ngoại ô

Tôi ngước nhìn gương mặt anh. Những sương gió, cực nhọc của đời ngư phủ như ngưng tụ ở đó, trong đôi mắt đã mờ đục, trong làn da sạm màu đã xuôi ngược những nếp hằn thời gian. Chợt nghĩ, trong cuộc đời này, ai ở đâu và làm nghề gì cũng bởi đã được định sẵn. Nếu không thì anh Minh rất có thể cũng đã theo bạn bè, bỏ nghề lên phố kiếm sống, trở thành dân ngụ cư trong một phố thị chật chội và xô bồ nào đó. Nếu không thì một cư dân ven đô là anh đâu chịu ngồi yên trong đường biên của không gian ngoại ô, chấp nhận cái khoảng cách giữa phố phị với làng quê dù chỉ dăm phút chạy xe là tới.

Một thoáng ngoại ô

Ngoại ô đó. Xa lạ lắm mà gần gũi lắm. Nói như Trịnh Công Sơn thì cuộc sống ở ngoại ô cũng là một thứ “văn tự” được viết nên bằng niềm riêng của mỗi người. Văn tự mơ hồ ấy sẽ vẽ ra những con đường “giúp cho con người tìm đến một nơi nào đó mà mình thích”… Người phố thường tìm về ngoại ô vào cuối chiều, khi mặt trời đã trốn vào những quầng mây lang thang. Họ đến chốn lạ xa và tìm kiếm những thứ gần gũi lòng mình bằng nhiều cách.

Một thoáng ngoại ô

Người ta có thể đạp xe xuôi theo bờ đê Đồng Môn rồi lặng yên buông cần câu ngồi lặng im như pho tượng mà thả cho ý nghĩ trôi miên man về quãng đời đã trải. Và hẳn rồi, bạn chắc chắn cũng đã từng dong xe rong ruổi trên con đê Trung Linh dọc sông Cày rồi bất chợt dừng lại à ồ trước một vạt cỏ lau dập dềnh lượn sóng theo gió. Và nếu yêu không gian ngoại ô, bạn hẳn cũng đã từng lạc bước xuống những cánh đồng vùng Thạch Trung, Thạch Hạ rồi cảm thấy cuộc sống đang ngưng đọng lại trong tiếng chuông nhà thờ bình yên, trong những cánh diều no gió giữa đồng quê, trong một cụm khói chiều phủ bạc bờ tre…Bạn cũng có thể vòng lên Thạch Tân, Thạch Đài ngắm đàn vịt rủ nhau lên bờ đứng rỉa lông cánh khi mặt trời đã khuất bóng. Hoặc giả, bất chợt ở đâu đó, bên ngoài phố thị, một cánh chim vội vã theo bầy cũng khiến lòng ta thao thiết nhớ quê hương bản quán, nhớ mẹ, nhớ cha, nhớ anh em ruột rà thân thích…

Một thoáng ngoại ô

Một thoáng ngoại ô

Không nhớ sao được, khi người ngoại ô thân tình đến thế. Như cách bất chợt gặp ông lão “phở” đất trồng rau bên đường, chỉ cần dừng lại trò chuyện đã được mời lấy rau miễn phí. Như cách ta dừng lại ngồi bên vệ cỏ, bắt chuyện với mấy bà cụ chăn bò thì chỉ dăm câu là chuyện nhà, chuyện cửa đã được bộc bạch. Có cụ thì chồng mất đã mấy mươi năm, ở vậy nuôi con, giờ còn chút sức già cũng không chịu nghỉ ngơi mà giúp con chăm con bò, con bê cho khuây khoả. Có cụ thì sống một mình, ruộng nương đã bỏ nhưng bò thì vẫn nuôi để khi mình chết, người làng có cái mà bán để làm ma chay cho mình… Câu chuyện nào cũng gợi nhớ quê hương, gợi nhớ những năm tháng xưa xa và gợi lên trong lòng những niềm thương rưng rưng.

Một thoáng ngoại ô

Người ngoại ô sống hướng ngoại. Không cầu kỳ, không chút kiểu cách, người ngoại ô sẽ mở lòng khi họ cảm nhận được sự chân thành. Phần đa họ rất thuần hậu, chất phác. Cách một cái ngước nhìn là đã thấy phố xá sầm uất, hiện đại nhưng họ vẫn giữ lấy cái cốt cách nhà quê ấy để tự ngăn cách lòng mình với ồn ã, xô bồ. Bạn có thể cũng như tôi, có thể ngồi hàng giờ bên cánh đồng, bên vệ đê, tỉ tê hết chuyện này chuyện nọ mà không hề hỏi tên người đối diện. Mãi cho đến khi người làng í ới nhau “lùa” bò về mới biết đó là bà cụ Hạnh, bà cụ Hoàn hay ông Chương, ông Tráng… Họ cũng chẳng hỏi tên tôi nhưng bất kỳ khi nào tôi trở lại họ cũng nhận ra người quen để lại tít tít chuyện trò như thể người làng, người xã.

Một thoáng ngoại ô

Ngoại ô, với người ở phố là chỗ để “giải phóng” những chật chội phố xá. Với người bỏ làng lên phố là chốn để trở về, để tìm lại cái quê kiểng trong hồn. Là thế đấy, chỉ cần một thoáng với ngoại ô là bạn cũng như tôi đã tìm được sự cân bằng cho cuộc sống. Để thấy rõ sự phân định tình yêu với phố, với quê trong lòng mình. Để biết thương hơn những bóng người lam lũ đang hoà trong bóng chiều nhập nhoạng trở về nhà sau một ngày ngược xuôi mưu sinh nơi phố xá …

Một thoáng ngoại ô

Ảnh: Huy Tùng - Phong Linh

Thiết kế: huy tùng

Chủ đề NGƯỜI HÀ TĨNH

Đọc thêm

Truyện cười: Vé số

Truyện cười: Vé số

Một bà vợ hay ngoại tình, mỗi lần như vậy bà ta nói với chồng: “Em trúng xổ số nên hôm nay nhà mình ăn tươi”. 
Lionel Messi: Nước mắt thằng hề

Lionel Messi: Nước mắt thằng hề

Khi Lionel Messi đăng đàn phản ứng với phát biểu của Eric Abidal, thành viên BLĐ Barcelona, đó như giọt nước mắt của một thằng hề.
Các địa phương ở Hà Tĩnh ráo riết phòng, chống virus Corona

Các địa phương ở Hà Tĩnh ráo riết phòng, chống virus Corona

Với quan điểm “chống dịch như chống giặc”, các địa phương ở Hà Tĩnh đã tập trung triển khai nhiều biện pháp tích cực nhằm chủ động phòng ngừa và đối phó với những diễn biến phức tạp của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra.
2 bác sỹ Bệnh viện Nhi Trung ương “cắm chốt” tại Nghi Xuân

2 bác sỹ Bệnh viện Nhi Trung ương “cắm chốt” tại Nghi Xuân

Từ ngày 4/2, Bệnh viện Đa khoa Nghi Xuân mở thêm Phòng khám Nhi khoa do các bác sỹ đến từ Bệnh viện Nhi trung ương đảm nhận. Đây là một trong những nội dung thuộc dự án “Đào tạo, chăm sóc sức khỏe nhi khoa ban đầu" tại Bệnh viện Đa khoa huyện Nghi Xuân gian đoạn 2019 – 2021.
5 xã ở Hà Tĩnh tái phát dịch tả lợn châu Phi

5 xã ở Hà Tĩnh tái phát dịch tả lợn châu Phi

Sau khi đã qua 30 ngày có dịch tả lợn châu Phi (tính đến đầu tháng 12/2019), gần đây trên địa bàn Hà Tĩnh, dịch bệnh lại tái phát tại 5 xã thuộc 3 huyện, buộc phải tiêu hủy 58 con lợn ốm chết.