Mưa đầu mùa

Mưa đầu mùa đến bất chợt không báo trước. Rào, rào. Mưa làm dịu không khí nóng bức, mưa như đáp trả niềm mong đợi của cây cối, của những mái tôn nóng ran như sắp vỡ ra từng mảnh. Gió giật phần phật liên hồi, những ngọn cây cao ngả nghiêng bởi cơn gió vui đùa quá trớn. Nhà nhà đều đóng cửa như muốn trốn chạy cái hơi hầm hập bốc lên từ mặt đất và những hạt mưa tinh nghịch đang nhảy chồm lên trước hiên nhà.

Đang loay hoay tìm chỗ trú mưa, chợt nghe phía bên kia đường có tiếng gọi: “Qua đây đục mưa nè cháu ơi, mưa đầu mùa chạy xe ngoài đường không tốt đâu!”. Tôi nhìn sang đường thấy một bà lão tuổi độ ngoài bảy mươi đưa bàn tay ngoắc ngoắc. Không do dự tôi vù xe qua đường gấp gáp bước vô nhà. Nhìn áo quần tôi ướt sũng nước chảy ròng ròng, bà lão quay vào trong gọi: “Mai ơi, mở tủ lấy cho bà bộ đồ của ba mày và một cái khăn”. Một lát sau con bé bước ra ngoan hiền khoanh tay chào chú. Nhận tấm khăn choàng và bộ đồ từ tay đứa cháu, bà lão bước lại gần tôi nói: “Mưa đầu mùa dễ bị cảm lạnh, cháu lau cho khô rồi thay quần áo, khi nào đồ ráo rồi hãy về”. “Dạ, cháu cám ơn bác”.

Đang loay hoay tìm nơi để đồ thì chuông điện thoại vang lên. Từ số máy ở nhà giọng của Hải (cháu tôi) mừng rỡ như vừa bắt được vàng: “Mưa rồi chú ơi, dưới đây mưa lớn lắm, lâu lâu tắm mưa thật là thích…”. Tiếng của Hải reo vang như tiếng mưa rơi lảnh lót. “Nè, nè đừng có ham tắm mưa mà bệnh nghe không…”. Không đợi tôi nói hết câu, Hải đã vội vàng cúp máy. Mấy tháng sau tết ở quê tôi nắng nóng như muốn đốt cháy cả thịt da, mùa mưa mỗi năm đến càng thêm muộn. Năm nay mưa đến sớm hơn, tôi sẽ không biết ở quê đang mưa nếu như không có điện thoại từ đứa cháu. Hải là đứa con út của anh trai, từ khi tôi đi công tác xa nhà, nó xung phong lại ở với nội cho bà bớt phần hiu quạnh. Trong đám cháu trai nó giống tôi nhiều hơn ai hết, từ dáng đi đến tính nghịch ngợm. Ngày xưa tôi hay chơi đá banh, tắm mưa, nghịch đất, thì hôm nay nó cũng thích vậy và giờ này đang cùng đám bạn đùa giỡn dưới cơn mưa.

Bên ngoài gió vẫn thổi ào ào không dứt. Hạt mưa như người say đi liêu xiêu tìm lối trở về nhà. Mái ngói trên ngôi nhà của bà lão cũ kỹ, khô tóp không đủ kín ngăn những giọt mưa tinh nghịch chen vào rơi lấm tấm. Phía sau nhà, con sông Tiền bị che khuất bởi làn mưa trắng xoá, lâu lâu một vài con sóng giận dữ đánh ập vào bờ hất nước tung cao xé làn mưa mỏng. Dòng sông mỗi ngày thêm rộng, đoạn dọc bờ sông nhà cửa ngày một ít đi, chỉ có bóng dáng những chiếc máy hút cát to đùn suốt ngày nhả những cuộn khói đen ngòm lên bầu trời trắng toát. Chiếc này đi, chiếc khác đến, cứ thế thi nhau nạo vét cát dưới lòng sông không thương tiếc. Cát dùng để san lắp, xây dựng nhà cửa, công trình… Quy luật tự nhiên, chỗ này bồi thì nơi kia lở.

Ngôi nhà của bà lão nằm cách bờ sông chưa đầy ba mươi mét. Bà kể với tôi trước đây ruộng lúa của nhà nằm ở bờ sông bên kia, còn bên này trồng hoa màu, cuộc sống cũng kha khá. Vậy mà mấy năm nay đất đai cứ lần hồi lở, nhìn mà thấy xót xa.

- Không còn đất trồng lúa, làm rẫy vậy nhà mình sống bằng nguồn thu nhập nào, thưa bác?

- Hai năm nay vợ chồng thằng út lên tận xứ Tri Tôn mướn đất làm ruộng. Đất lở kiểu này mai mốt chắc chỗ ở cũng không còn.

- Vậy chính quyền địa phương có bố trí cho mình dời nhà vào cụm tuyến dân cư?

- Nghe nói có nhưng chưa biết khi nào. Nhiều nhà cần di dời lắm cháu à, chắc phải đợi hơi lâu.

Giọng bà lão chùng xuống, chỉ có cơn sóng ngoài kia cứ liên tục vỗ bờ ì oạp. Gió từ phía xa khơi thổi vào ào ào không dứt làm khua động những cành cây tạo thành một thứ âm thanh vừa ồn ào, vừa êm đềm day dứt. Trước gió mưa ngôi nhà của bà lão trở nên nhỏ bé và đơn độc. Nghĩ mà thương thân bà già yếu, thương bé Mai thơ dại, hai con người như ngọn cỏ mềm trước gió. Tôi đã nghe nhiều tình trạng sạt lở bờ sông ở các xã cù lao huyện Hồng Ngự hay bên tỉnh bạn An Giang, nhưng chưa tận mắt chứng kiến. Hôm nay nhìn thấy thật là ghê sợ! Chân đất bị sóng khoét vào sâu hoẳm, chỉ chờ thêm một chút tác động là nhảy ùm xuống nước. Nhiều cây cối, ruộng lúa, nhà cửa bị nhấn chìm dưới đáy sông. Dòng sông ngày một lớn thêm và trở nên giận dữ, không như hôm nào là cô gái quê e ấp, ngoan hiền.

Tôi nghe lành lạnh ở sống lưng, một cảm giác uể oải đeo bám làm toàn thân nặng trịch. Bên ngoài màn đêm dần buông xuống. Trong dạ nóng ran định xin phép bà lão ra về nhưng nghe người mệt lả. Sau một hồi lui cui trong bếp bé Mai bưng cơm dọn ra nhà trước. Mâm cơm nghi ngút khói với món cá bống kho tiêu và tô canh rau tập tàng nấu tép. Mới nhìn đã thấy ngon nhưng tôi không tài nào nuốt nổi. Biết mình đã bị cảm lạnh nên vội vàng buông đũa xin phép bà lão đi nằm. Ăn cơm xong bà cầm ly nước đến bên giường lay tôi dậy.

- Cháu ngồi dậy uống ly nước trà gừng rồi trùm kín mền cho ra mồ hôi là khỏe liền hà. Đừng ngại, cứ ở lại đây ngủ sáng mai về sớm, chứ từ đây về Cao Lãnh còn xa lắm.

- Dạ, cháu cám ơn! Để bác lo như vầy cháu thấy làm phiền quá. Tôi trả lời lí nhí và từ tốn.

- Không hề gì, giúp người là việc cần làm. Bác giúp đỡ cháu mà lòng cũng mong ở nơi xa có người khác giúp thằng út. Tội nghiệp, nó ở xa bác quá. Không biết bây giờ ở trển có mưa không!

Bà lão đưa mắt nhìn ra đường. Màn đêm bên ngoài đặc quánh. Lâu lâu một vài chiếc xe, hai bóng đèn sáng rực rẽ màn đêm lao vun vút về phía trước. Mưa đầu mùa thật dai dẳng, hạt mưa rơi lúc nhanh lúc chậm kèm theo tiếng sấm chớp nổ đì đùng. Nhìn cử chỉ thân tình của bà lão, uống hết ly trà gừng tôi thấy lòng ấm áp hơn nhiều. Bà hơn má tôi độ chừng vài tuổi, còn sự nhân hậu thì giống rất nhiều. Hồi nhỏ mỗi lần tắm mưa là tôi nóng sốt. Khi ấy má thao thức suốt đêm dỗ dành tôi uống từng viên thuốc. Má la rầy không cho tôi tắm, vậy mà tôi vẫn len lén ra sân nhảy nhót lăng xăng mỗi khi trời đổ cơn mưa. Má nói mưa đầu mùa làm thời tiết thay đổi đột ngột nên con người dễ mắc bệnh. Đối với gia cầm cũng vậy, bữa nay mưa một hai hôm sau là lăn ra chết.

Định nằm nghỉ một lát vậy mà tôi mê man ngủ thiếp đi lúc nào không hay biết. Trong chập chờn, văng vẳng bên tai tiếng sóng vỗ bờ ì oạp, tiếng máy nổ ì ầm, và nơm nớp lo sợ đất dưới chân mình chuyển động. Tôi tỉnh dậy khi trời hửng sáng. Cây lá bên ngoài rũ rượi sau một đêm bị giông gió giật tơi bời, dòng sông phía sau nhà như người tỉnh cơn say trông hiền lành và ngơ ngác.

Mải loay hoay với công việc nên tôi quên mất chuyện trở lại thăm bà lão như lòng đã hứa. Mùa mưa năm nay ghé tạt qua, bất ngờ không thấy căn nhà của bà đâu nữa. Con sông Tiền lấn sâu vào nền nhà mấy mét. Mặt đất phía trên nhô ra nứt nẻ chằng chịt rối rắm như mạng nhện, phía dưới chân bị sóng bào mòn khoét vào sâu hoẳm. Tôi nghe lòng buồn man mác trách mình đã không kịp đến thăm bà...

Hoàng hôn dần buông xuống. Giọt nắng yếu ớt cuối ngày lãng đãng trên những khóm cây thoáng chốc chạy đi đâu mất nhường chỗ cho mây đen kéo về giăng kín một góc trời. Mưa bắt đầu nhỏ giọt rơi lộp độp. Tôi nghe lành lạnh ở đôi vai. Từng giọt mưa như nhát dao cứa vào lòng đau điếng.

Huỳnh Thanh Lạc

Nguồn: vannghequandoi.com.vn

Đọc thêm

Podcast giai thoại danh nhân: Bóng dáng người vợ

Podcast giai thoại danh nhân: Bóng dáng người vợ

Danh họa Nguyễn Phan Chánh có mối tình lớn với người vợ đầu tiên, người đã sinh cho ông 6 người con và dâng hiến cả cuộc đời cho gia đình. Dù là vợ của một danh họa nổi tiếng, nhưng bà có một cuộc đời vất vả, lo toan và nhiều hy sinh.
Nhớ về kẻ sĩ Ngàn Hống Võ Hồng Huy

Nhớ về kẻ sĩ Ngàn Hống Võ Hồng Huy

Nhà nghiên cứu văn hoá dân gian Võ Hồng Huy là người có nhiều đóng góp cho kho tàng văn hoá dân gian xứ Nghệ với danh xưng: “kẻ sĩ Ngàn Hống”.
Trương Ngọc Ánh duyên nợ với thơ lục bát

Trương Ngọc Ánh duyên nợ với thơ lục bát

Duyên nợ với thi ca đã giúp thầy giáo dạy Sử sinh ra từ miền quê mặn mòi ven biển Đỉnh Bàn (TP Hà Tĩnh) đến với những vần thơ thấm đẫm phù sa quê hương. Trương Ngọc Ánh làm nhiều thơ, đủ các thể loại nhưng nhiều nhất, đặc sắc nhất vẫn là những bài thơ lục bát.
Dấu ấn 50 năm nền văn học nghệ thuật Hà Tĩnh

Dấu ấn 50 năm nền văn học nghệ thuật Hà Tĩnh

50 năm sau ngày thống nhất đất nước, các thế hệ văn nghệ sỹ Hà Tĩnh đã góp phần xây dựng được một nền VHNT dày dặn. Với hàng ngàn tác phẩm trên các lĩnh vực,  phản ảnh sinh động về sự phát triển kinh tế, văn hoá xã hội của Hà Tĩnh qua các giai đoạn lịch sử.
Ca khúc cách mạng - sức mạnh chiến thắng

Ca khúc cách mạng - sức mạnh chiến thắng

Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước kết thúc đã 50 năm nhưng âm hưởng hào hùng của những ngày tháng khói lửa vẫn vẹn nguyên bởi những ca khúc đi cùng năm tháng. Lời ca tiếng hát đã tạo nên sức mạnh tinh thần to lớn, hun đúc tâm thế của cả dân tộc cùng ra trận và làm nên chiến thắng 30/4/1975.
Podcast truyện ngắn: Chuyến tàu Thống Nhất

Podcast truyện ngắn: Chuyến tàu Thống Nhất

Hai người bạn già ngồi bên nhau, nhấp từng ngụm trà cảm nhận vị đắng chát tan ra trong khoang miệng. Rồi chỉ còn lại vị ngọt cứ mênh mang nơi cuống họng. Ánh mắt họ hướng về phía lá cờ đỏ sao vàng treo trước cổng nhà đang tung bay trong gió…
Đêm không ngủ tại Thành phố Hồ Chí Minh

Đêm không ngủ tại Thành phố Hồ Chí Minh

Tối 29/4 - rạng sáng 30/4, hàng nghìn người dân tập trung trên các tuyến đường trung tâm TP.HCM để chờ xem Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Màn trình diễn 7 phút của 10.500 drone

Màn trình diễn 7 phút của 10.500 drone

Tối 28/4, 10.500 drone lần lượt thắp sáng bầu trời TP.HCM trong khoảng 7 phút, chào mừng 50 năm thống nhất đất nước với hàng loạt hình ảnh biểu tượng như Bác Hồ, Dinh Độc Lập...
Khai trương mùa du lịch biển Thạch Hải

Khai trương mùa du lịch biển Thạch Hải

Đây là sự kiện khởi động cho mùa du lịch biển sôi động năm 2025, góp phần quảng bá vẻ đẹp nguyên sơ, hấp dẫn của vùng biển Thạch Hải (TP Hà Tĩnh) đến với du khách gần xa.
Podcast truyện ngắn: Trái tim hòa bình

Podcast truyện ngắn: Trái tim hòa bình

Bước đi trong lòng địa đạo, cô thấy tim mình rung lên trong lồng ngực. Còn người cựu chiến binh già, có biết bao hồi ức đẹp ùa về, hồi ức về một thời binh lửa...
Podcast tản văn" Về đâu tháng Tư

Podcast tản văn: Về đâu tháng Tư?

Rồi mùa hạ sẽ bước những bước chân dập dồn mạnh mẽ, cái nắng non nớt run rẩy tháng Tư sẽ thay bằng những trận nắng trập trùng tháng Năm, tháng Sáu...
Những bài ca bất tử…

Những bài ca bất tử…

Chiến tranh đã lùi xa, mảnh đất bom cày đạn xới năm xưa nay đã trở thành những địa chỉ đỏ. Bài ca bất tử về những người đã sống, chiến đấu trên quê hương Hà Tĩnh vẫn còn vang vọng mãi...
Việt Nam ghi dấu ấn mạnh mẽ trên bản đồ du lịch toàn cầu

Việt Nam ghi dấu ấn mạnh mẽ trên bản đồ du lịch toàn cầu

Nền tảng dịch vụ du lịch trực tuyến toàn cầu Trip.com vừa chính thức công bố Bảng xếp hạng Trip.Best toàn cầu năm 2025, vinh danh những điểm lưu trú, nhà hàng và điểm tham quan được yêu thích nhất trên thế giới. Trong đó, Việt Nam gây ấn tượng mạnh với 38 đại diện đến từ 11 tỉnh, thành phố trải dài khắp ba miền, góp mặt ở cả ba hạng mục chính.
Vì sao phải đọc sách cùng con?

Vì sao phải đọc sách cùng con?

Ở thời hiện đại, rất nhiều người trẻ đắm chìm trong thế giới mạng, không hiểu được giá trị của sách truyền thống. Vậy, muốn con yêu sách thì người lớn cần phải truyền cảm hứng và làm tấm gương trước.
Văn hóa đọc trong thời đại số

Văn hóa đọc trong thời đại số

Có những người vẫn duy trì thói quen đọc truyền thống, nhưng cũng có nhiều người tiếp cận tri thức qua những phương tiện mới. Thay vì đọc sách giấy, họ tìm đến sách điện tử, audiobook...