Muôn chiêu trò lạm dụng quỹ bảo hiểm y tế

Bảo hiểm y tế 6 tháng đầu năm, quỹ đã bội chi 2.152 tỷ đồng và con số thực tế tính đến trưa 18/7 đã là gần 3.000 tỷ đồng...

“Ác mộng của cơn ác mộng”, “chưa bao giờ có mức tăng chi phí lớn đến thế” - đó là những lời mà Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Phạm Lương Sơn thốt lên tại Hội nghị cung cấp thông tin định kỳ về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế tháng 8/2016

Một tháng khám bệnh 27 lần

6 tháng đầu năm, tổng quỹ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế là 28.220 tỷ đồng nhưng con số thực chi là khám chữa bệnh tại tỉnh là 30.372 tỷ đồng, tăng 40% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 42% dự toán Chính phủ giao. Bên cạnh những nguyên nhân như tăng do số đối tượng tham gia bảo hiểm y tế tăng 12%, do áp dụng giá dịch vụ y tế đồng hạng theo Thông tư 37/2015/TTLT-BYT-BTC và do tác động của thông tuyến huyện khám, chữa bệnh, một nguyên nhân quan trọng khác dẫn đến số lạm chi này là lạm dụng, trục lợi quỹ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế từ phía người có thẻ bảo hiểm y tế và từ chính các cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế.

muon chieu tro lam dung quy bao hiem y te

Người dân nhận thuốc theo chế độ bảo hiểm tại Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng. Ảnh: Nguyễn Dũng - TTXVN

Trong các chiêu trò lạm dụng, trục lợi quỹ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, có tình trạng khá nhiều người có thẻ bảo hiểm y tế đi khám bệnh nhiều lần trong một ngày. Thống kê trong tháng 7/2016, có người đi khám 27 lượt/tháng. Có trường hợp một buổi sáng đi khám bệnh ở 2 - 3 nơi, mỗi nơi được lĩnh một đơn thuốc trị giá khoảng 200.000 đồng và với việc khám vài nơi trong một ngày, số thuốc được lĩnh mang bán lại cho nhà thuốc với giá bằng một nửa, số tiền trục lợi không phải là nhỏ. Riêng trong ngày 13/8, có gần 10% hồ sơ khám bệnh trong cả nước khám từ 2 lần trở lên.

Bên cạnh đó, một số người bệnh cho dù không mắc bệnh, khi biết cơ sở khám, chữa bệnh có các hình thức khuyến mại cũng đến khám, chữa bệnh mang tính chất vừa kiểm tra sức khỏe vừa nhận quà khuyến mại.

Thương mại hóa quá trình khám chữa bệnh

Tại các cơ sở khám, chữa bệnh cũng có rất nhiều biểu hiện lạm dụng, trục lợi quỹ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế với nhiều cấp độ khác nhau. Chẳng hạn, chỉ định sử dụng quá mức cần thiết, không phù hợp với chẩn đoán, có những phòng khám chỉ thực hiện khám chữa bệnh cho người chuyển từ nơi khác đến và chỉ cung cấp các dịch vụ xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh bao gồm cả kỹ thuật cao, nhưng tần suất sử dụng rất lớn. Gần như 90% - 100% người bệnh đến đều được chỉ định thực hiện dịch vụ nội soi tai, mũi, họng.

Có cơ sở khám chữa bệnh, trong 3 tháng, tổng chi phí đề nghị liên quan đến xét nghiệm, điện tim, siêu âm ổ bụng, nội nội soi tai - mũi - họng lên tới hơn 12 tỷ đồng. Như vậy, mỗi tháng 4 tỷ đồng được cung cấp từ các máy móc xét nghiệm. Ông Phạm Lương Sơn cho hay Bảo hiểm xã hội Việt Nam đang cho lọc xem bao nhiêu trong số đó phục vụ đúng mục đích là chẩn đoán điều trị. Số còn lại chỉ nhằm mục đích để kiểm tra sức khỏe. “Mỗi lần chúng tôi tiếp cận với con số đó, thực sự rất xót xa, rất lãng phí. Một nhóm người giàu lên nhưng quỹ đang có nguy cơ bị bội chi như thế, lại bị lạm dụng từ chính những kỹ thuật y tế mà chúng ta chưa kiểm soát được”, ông Sơn cho biết.

Một biểu hiện trục lợi nữa được ông Sơn đề cập, là một số bệnh viện tư nhân cử người về các xã, thôn, liên kết với các hội như Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh... để vận động, mời gọi người dân đến khám, chữa bệnh, cho xe ô tô đưa đón người đi khám, chữa bệnh. Một số phòng khám bệnh đưa ra chương trình khuyến mại giảm 30% giá khám bệnh khi người bệnh đến khám lại từ lần thứ hai trở đi...

Tăng 15 tỷ đồng để thay vỏ nước cất pha tiêm

Tại Hà Nội, một số tỉnh, thành và trung tâm đa tuyến năm 2014 - 2015 đã sử dụng nước cất đóng gói ống nhựa thay cho ống thủy tinh, khiến chi phí tăng lên 15 tỷ đồng. “Chúng ta không thể lãng phí 15 tỷ đồng chỉ để thay từ ống thủy tinh sang ống nhựa. 15 tỷ đồng đó - nếu tiết kiệm được, dành cho việc phát hành thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo, các đối tượng nhạy cảm trong xã hội, dành tiền đó để chi cho bệnh nhân ung thư, bệnh nhân mổ tim, bệnh nhân lao, bệnh nhân HIV đang rất cần thuốc ARV”, ông Sơn cho hay.

Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, với 8 tỉnh trúng thầu nước cất ống nhựa trong năm 2014 và 22 tỉnh trúng thầu năm 2015, tổng giá trị nước cất ống nhựa trúng thầu lên gần 50,7 tỷ đồng. So với giá nước cất ống thủy tinh vẫn đang được sử dụng phổ biến, giá nước cất pha tiêm loại 5ml dạng ống nhựa cao gấp 2 lần so với dạng ống thủy tinh; loại 10ml có mức cao 1,5 lần. Điều đáng nói nữa là nhà cung cấp nước cất ống nhựa nhập khẩu và sản xuất trong nước đều do duy nhất một công ty độc quyền đứng tên đấu thầu.

Tính toán cho thấy, số tiền chênh lệch 15 tỷ đồng này có thể hỗ trợ trên 24.000 tấm thẻ bảo hiểm y tế cho người có hoàn cảnh khó khăn, tương đương với trên 300 ca đặt stent tim mạch, 3.000 lần chạy thận nhân tạo, cung cấp thuốc cho bệnh nhân lao… mang lại cơ hội sống sót cho hàng nghìn người bệnh.

Bên cạnh đó, có tình trạng một số cơ sở khám chữa bệnh chỉ định sử dụng nhiều dịch vụ kỹ thuật không hợp lý, không phù hợp với chẩn đoán, ký hợp đồng mượn máy của các công ty trúng thầu hóa chất, vật tư y tế, trong đó có nhiều ràng buộc như cam kết sử dụng tối thiểu số lượng vật tư y tế, hóa chất trong kỳ…

Năm 2015 và 6 tháng đầu năm 2016, theo kết quả kiểm tra của Bảo hiểm xã hội Việt Nam tại một số địa phương, số tiền bị thu hồi do vi phạm trong thanh toán chi phí khám chữa bệnh là: 34,6 tỷ đồng; 6 tháng đầu năm 2016 thu hồi 26,9 tỷ đồng. Trong đó, 6 tháng đầu năm, Quảng Nam bị xuất toán hơn 10,8 tỷ đồng, Đồng Tháp hơn 8,4 tỷ đồng, Bạc Liêu 6,8 tỷ đồng.

Theo Báo tin tức

Đọc thêm

Bài 2: Huy động tổng lực, dồn sức trên những “đại công trường”

Bài 2: Huy động tổng lực, dồn sức trên những “đại công trường”

Để mục tiêu hoàn thành 2.343 ngôi nhà cho hộ nghèo, cận nghèo, người có công với cách mạng trước ngày 19/5/2025, các địa phương trong toàn tỉnh đang đứng trước khối lượng công việc lớn. Trên chặng nước rút, cả hệ thống chính trị Hà Tĩnh cùng hướng về cơ sở với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt; mỗi thành viên ban chỉ đạo xóa nhà tạm, nhà dột nát các cấp phải thấm nhuần nguyên tắc “rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ kết quả, rõ sản phẩm”.
Bài 1: Quyết tâm về đích trước thời hạn của cả nước

Bài 1: Quyết tâm về đích trước thời hạn của cả nước

Vận dụng sáng tạo bài học kinh nghiệm trong làm nhà ở cho hộ nghèo giai đoạn 2021-2025, cả hệ thống chính trị ở Hà Tĩnh đã sớm vào cuộc, chủ động triển khai chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn cả nước. Với sự khẩn trương, chủ động triển khai kế hoạch và huy động các nguồn lực, Hà Tĩnh đặt mục tiêu hoàn thành chương trình trước ngày 19/5/2025 (trước mốc thời gian chung của cả nước hơn 6 tháng).
Quy định mới về chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy

Quy định mới về chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy

Chính phủ ban hành Nghị định số 67/2025/NĐ-CP ngày 15/3/2025 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 178/2024/NĐ-CP ngày 31/12/2024 của Chính phủ về chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và lực lượng vũ trang trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.