Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin (Ảnh: Reuters)
Theo Reuters, trong lá thư gửi các lãnh đạo quốc hội, Bộ trưởng Mnuchin cho biết, chính phủ Mỹ chỉ đủ tiền chi trả cho các hoạt động đến hết ngày 28/2 mà không chạm trần nợ, thời hạn này đã kéo dài hơn 1 tháng so với ước tính ban đầu.
Ông Mnuchin nói rằng, Bộ Tài chính Mỹ sẽ cố gắng kéo dài thời hạn này bằng việc tiếp tục hoãn chi trả lương hưu cho các nhân viên liên bang cũng như cho các quỹ y tế và quỹ dành cho người khuyết tật. Tuy vậy, ông cũng hối thúc Quốc hội sớm thông qua nâng trần nợ để tránh nguy cơ vỡ nợ đang ở rất gần.
"Tôi chân thành hối thúc Quốc hội bảo vệ sự tín nhiệm của nước Mỹ bằng việc nâng trần nợ công sớm nhất có thể", ông Mnuchin nói.
Để tránh nguy cơ vỡ nợ, Quốc hội Mỹ hoặc phải tìm cách gia hạn chi tiêu hoặc phải nâng trần nợ công từ mức hơn 20.000 tỷ USD hiện tại trước khi Bộ Tài chính không còn ngân sách để duy trì các hoạt động của chính phủ.
Về điều này, Thượng nghị sĩ Cộng hòa John Cornyn cho rằng, Quốc hội có thể sẽ không nâng trần nợ mà thay vào đó sẽ gia hạn chi tiêu ngân sách bằng các biện pháp đặc biệt.
Mức trần nợ là tổng số tiền mà quốc hội cho phép chính phủ liên bang vay mượn để chi trả các khoản tiền an sinh xã hội, trợ cấp y tế, trả lương cho quân nhân, hoàn thuế và các khoản chi trả khác. Vì vậy, việc quốc hội không nâng trần nợ có thể sẽ đẩy chính phủ Mỹ vào cảnh vỡ nợ vì không còn tiền mặt hoạt động, dẫn đến tình trạng rối loạn tài chính, thậm chí rơi vào vòng suy thoái kinh tế mới.
Dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama, đảng Cộng hòa nhiều lần đẩy chính phủ Mỹ đến bờ vực vỡ nợ khi dùng trần nợ công làm “vũ khí” buộc chính phủ cắt giảm chi tiêu.
Nợ công của Mỹ có nguy cơ chạm trần sẽ là thử thách tiếp theo với chính quyền của Tổng thống Donald Trump sau 1 năm cầm quyền đầy sóng gió của ông. Hồi tháng trước, chính phủ của ông đã phải đóng cửa 3 ngày khi đảng Cộng hòa và Dân chủ không đạt được thỏa thuận về ngân sách.