Mỹ lần đầu tiên bỏ phiếu trắng với nghị quyết lên án cấm vận Cuba

Lần đầu tiên trong vòng 25 năm qua, Mỹ đã bỏ phiếu trắng đối với Nghị quyết lên án lệnh cấm vận của Mỹ đối với Cuba tại phiên họp toàn thể diễn ra ngày 26/10 của Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 71.

my lan dau tien bo phieu trang voi nghi quyet len an cam van cuba

Ngoại trưởng Cuba Bruno Rodriguez tại phiên họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc ở New York ngày 26/10. (Nguồn: AP/TTXVN)

Động thái này của chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama được dư luận hai nước cũng như cộng đồng quốc tế hoan nghênh và đánh giá tích cực, phù hợp với xu thế phát triển tất yếu của mối quan hệ đang trên đà cải thiện mạnh mẽ giữa Mỹ và Cuba.

Nghị quyết lên án lệnh cấm vận của Mỹ đối với Cuba đã được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua với tỷ lệ áp đảo 191 phiếu ủng hộ và 2 phiếu trắng của Mỹ và Israel.

Đây cũng là lần đầu tiên hai nước bỏ phiếu trắng đối với nghị quyết mang tính biểu tượng cao này, cho thấy sự thay đổi trong cách nhìn của Washington đối với di sản lỗi thời của cuộc Chiến tranh Lạnh đã lùi xa nhiều thập kỷ.

Bỏ phiếu trắng đồng nghĩa với việc lệnh cấm vận của Mỹ đã thất bại hoàn toàn và Washington cũng nghi ngờ tính chính đáng của văn bản luật vẫn còn hiệu lực này, qua đó gây sức ép để Quốc hội Mỹ dỡ bỏ hoàn toàn lệnh trừng phạt chống Cuba.

Trước đó, bản thân Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng đã từng lên tiếng yêu cầu Quốc hội Mỹ dỡ bỏ luật cấm vận chống Cuba và công khai chỉ trích chính sách trừng phạt này là không còn phù hợp và phản tác dụng.

Phát biểu của Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Samantha Power sau phiên bỏ phiếu đã khẳng định điều đó khi bà nói rằng "cô lập Cuba, Mỹ cũng đang tự cô lập chính mình và sau 55 năm theo đuổi chính sách này, giờ đây chúng tôi lựa chọn con đường hội nhập."

Đây là thông điệp mạnh mẽ của Nhà Trắng gửi tới Quốc hội lưỡng viện Mỹ hiện vẫn còn nhiều chia rẽ về việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt chống quốc đảo Caribe này.

Về lý do khiến chính quyền Mỹ lựa chọn phiếu trắng cho lần bỏ phiếu này tại Đại hội đồng Liên hợp quốc, giới phân tích cho rằng trên phương diện quan hệ song phương, đây là một động thái mang tính bước ngoặt hòa cùng dòng chảy hàn gắn và thúc đẩy quan hệ đang được chính giới và người dân hai nước thúc đẩy mạnh mẽ.

Trong hai năm qua kể từ khi Tổng thống Mỹ Obama và Chủ tịch Cuba Raul Castro chính thức tuyên bố bình thường hóa quan hệ song phương, khép lại quá khứ hơn nửa thế kỷ thù địch, quan hệ giữa hai cựu thù đã có những chuyển biến tích cực.

Hai nước đã mở lại các đại sứ quán tại mỗi nước, nối lại các hoạt động hàng không...Washington cũng đưa ra nhiều biện pháp nới lỏng các lệnh cấm vận, trong khi chính quyền La Habana cũng tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp Mỹ tới Cuba làm ăn.

Nhiều phái đoàn chính quyền các bang của Mỹ đã tới Cuba để tìm kiếm cơ hội hợp tác, trở thành những cầu nối hữu nghị cho quan hệ hai nước.

Dấu ấn đậm nét của các nỗ lực cải thiện quan hệ là chuyến thăm chính thức Cuba của Tổng thống Obama đầu năm nay và các cuộc tiếp xúc lãnh đạo cấp cao hai nước khi Chủ tịch Cuba Raul Castro tới Mỹ tham dự sự kiện quốc tế hồi năm ngoái.

Từ một góc nhìn khác, giới phân tích tại chỗ không thể không xét tới yếu tố chính trị nội bộ của nước Mỹ.

Chỉ còn chưa đầy hai tuần nữa, cử tri “xứ cờ hoa” sẽ đi bỏ phiếu để bầu tổng thống mới và bầu lại toàn bộ 435 ghế Hạ nghị sĩ cùng 1/3 ghế Thượng nghị sỹ.

Trong giai đoạn nước rút hiện nay của cuộc tổng tuyển cử, hai ứng cử viên tổng thống là bà Hillary Clinton của đảng Dân chủ và tỷ phú Donald Trump của đảng Cộng hòa cũng như các nghị sỹ hai chính đảng này đều tận dụng mọi cơ hội để tranh thủ lá phiếu của cử tri.

Đặt trong bức tranh toàn cảnh của đời sống chính trị Mỹ, các nhà quan sát cho rằng việc bỏ phiếu trắng tại Đại hội đồng Liên hợp quốc là bước đi khôn ngoan của chính quyền Dân chủ nhằm mang lại thêm ưu thế cho ứng cử viên của mình.

Cương lĩnh tranh cử của các nghị sỹ đảng Dân chủ và tuyên bố của bà Clinton luôn nhấn mạnh sự nối tiếp chính sách hòa giải với Cuba.

Nhìn lại cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2008, việc ông Obama tuyên bố sẽ nới lỏng các hạn chế về đi lại và kiều hối tới Cuba mà chính quyền George W.Bush đã áp đặt trước đó, cũng như sẵn sàng thương lượng với La Habana, đã mang lại lợi ích cho nhóm cử tri gốc Cuba và giúp ông đạt tỷ lệ ủng hộ 50% tại bang chiến địa Florida. Đó là câu chuyện của 8 năm về trước.

Đến nay, việc tái thiết lập quan hệ ngoại giao với La Habana đã được thực hiện và các cuộc thăm dò gần đây đều cho thấy đa số người Mỹ gốc Cuba cũng như các cử tri còn lại ủng hộ chính sách này.

Quan hệ Mỹ-Cuba ấm lên mang lại lợi ích cho cả hai bên, đáp ứng sự mong đợi của người dân hai nước cũng như những người yêu chuộng hòa bình trên thế giới.

Việc Mỹ lần đầu tiên bỏ phiếu trắng đối với Nghị quyết lên án lệnh cấm vận đối với Cuba sẽ làm tăng thêm động lực thúc đẩy xu thế hòa giải giữa hai nước và là bước đệm để nhà chức trách Mỹ tiến tới dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận phi lý kéo dài hơn nửa thế kỷ qua đối với quốc đảo Caribe này./.

Theo Vietnamplus

Đọc thêm

Đảng cầm quyền Hàn Quốc trước nguy cơ phân rã

Đảng cầm quyền Hàn Quốc trước nguy cơ phân rã

Sau khi Quốc hội Hàn Quốc ngày 14/12 thông qua dự luật luận tội Tổng thống Yoon Suk Yeol do ông đã ban bố thiết quân luật đêm 3/12, nhiều nhà lãnh đạo của đảng Quyền lực Quốc dân (PPP) cầm quyền đã nộp đơn từ chức, trong khi sự chia rẽ nội bộ giữa những người ủng hộ và phản đối việc luận tội Tổng thống Yoon có xu hướng ngày càng gia tăng, khiến PPP đứng trước nguy cơ bị phân rã.
Bệnh lạ khiến 31 người tử vong tại CHDC Congo

Bệnh lạ khiến 31 người tử vong tại CHDC Congo

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), từ ngày 24/10 đến ngày 5/12, CHDC Congo ghi nhận 406 ca mắc bệnh chưa rõ nguyên nhân với các triệu chứng như sốt, đau đầu, ho, sổ mũi và đau nhức cơ bắp.