Theo RT, trong ngày 16/4, các tiêm kích tàng hình F-35A Lightning II của Không quân Mỹ đã xuất phát từ căn cứ không quân Hill ở bang Utah, Mỹ và hạ cánh xuống căn cứ không quân của Anh ở Lakenheath.
Đây là lần đầu tiên Mỹ triển khai các máy bay chiến đấu F-35A tại châu Âu mặc dù một số quốc gia trong khu vực đã sử dụng loại tiêm kích tàng hình này trong lực lượng không quân của họ.
""Những máy bay này, và quan trọng hơn là những phi công điều khiển chúng, đã củng cố thêm năng lực của các đồng minh NATO"", tướng Curtis M. Scaparrotti - Tư lệnh tối cao của NATO cho biết.
Tiêm kích tàng hình F-35 của Mỹ |
Trong khi đó, Tướng Không quân Mỹ Tod D. Wolters nhận định: ""Đây là cơ hội tuyệt vời cho các phi công của Không quân Mỹ ở châu Âu và các nước đồng minh NATO tổ chức cuộc tập trận nước ngoài đầu tiên với chiến đấu cơ F-35A.
Việc triển khai (F-35A) sẽ kéo dài trong vài tuần và là một phần của Sáng kiến Củng cố châu Âu. Đây là kế hoạch triển khai binh lính và vũ khí của Mỹ tại châu Âu, ra đời từ năm 2014, để ngăn chặn sự gây hấn của Nga"".
Mặc dù kế hoạch triển khai F-35A đã được chuẩn bị từ trước đó vài tháng, nhưng việc triển khai này diễn ra đúng vào thời điểm mà mối quan hệ Nga - Mỹ đang ở ""mức thấp nhất từ trước đến nay"" theo như nhận định của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Sự xuất hiện của F-35A tại châu Âu lần này là một phần trong chương trình tập trận đã được lên kế hoạch từ trước của NATO nhằm phát đi một tín hiệu cứng rắn tới Nga.
Tuy nhiên, việc đem F-35A sang Anh để ""răn đe"" Nga khi mà bản thân chiến đấu cơ này vẫn chưa sẵn sàng chiến đấu 100% cùng nhiều lỗi cố hữu chưa thể khắc phục khiến giới phân tích đặt ra nghi vấn rằng, phải chăng Mỹ đã hết ""đồ chơi""?
Sự thật đau lòng
Mới đây, quan sát viên Dan Grazier của tạp chí National Interest (Mỹ) đã thẳng thắn nhận định rằng, chương trình chế tạo máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ 5 F-35 của Mỹ là nỗi thất vọng lớn lao, tương lai của chiến đấu cơ Lighning II rất bất định.
Trong bản báo cáo gần đây của ông Michael Gilmore, cựu Giám đốc Cục hoạt động thử nghiệm của Lầu Năm Góc nhấn mạnh, "hàng trăm sai lầm nghiêm trọng" không cho phép xem F-35 là máy bay chiến đấu hoàn chỉnh.
Ông nhận xét rằng, máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm F-35 sẽ gây ra rất nhiều vấn đề cho Không quân Mỹ. Quá trình tối ưu hóa và các chuyến bay thử nghiệm các nguyên mẫu bay này chưa hoàn tất, nhưng những sai sót kỹ thuật của chiến đấu cơ "tàng hình" này đã hạn chế đáng kể phạm vi sử dụng nó.
Theo Gilmore, có lẽ ban lãnh đạo công ty Mỹ Lockheed Martin, nhà phát triển loại máy bay này, không có khái niệm rõ ràng về triển vọng của F-35, nên số lượng sai sót kỹ thuật đang dần tăng lên.
Rất có thể, hiện nay trong công ty Lockheed Martin không có đủ nhà thiết kế tài năng, vì vậy sản phẩm này bị giảm chất lượng và quá trình tối ưu hóa cứ kéo dài mãi.
Ông Grazier nói thêm rằng, F-35 hoàn toàn bất lực trong các cuộc không chiến với các máy bay chiến đấu hiện nay, bởi vì phiên bản hiện tại của hệ điều hành trên F-35 chỉ cho phép nó điều khiển hoạt động tác chiến của vẻn vẹn hai quả tên lửa "không đối không".
Điều đáng buồn hơn là ""chiến đấu cơ tàng hình" này không thể duy trì chuyến bay ở tốc độ thấp. Trước mắt, các thông số chuyến bay không thể chấp nhận được khi F-35 chỉ bay ở tốc độ cận âm, khi nó nhanh chóng thay đổi véc tơ lực khí động học.
Ngoài ra, các hệ thống phần mềm của F-35 không thể kết nối được với pháo tự động 4 nòng GAU-22/A, dự định để tiêu diệt binh lính đối phương. Do đó, cho đến nay, chưa có một sản phẩm nào trong số các phiên bản của F-35 có thể sử dụng vũ khí trong chiến đấu.
Theo quan điểm của ông Dan Grazier, Mỹ nên quên ngay "thảm họa quốc gia trị giá 1,5 nghìn tỷ USD" này và các chuyên gia thiết kế kỹ thuật cần bắt tay vào phát triển lại một loại máy bay chiến đấu-ném bom đa năng khác.
Người ta đã từng hi vọng rằng F-35 sẽ tung cánh chiến đấu tại Syria để chứng minh bản thân sau khi Tướng Không quân Mỹ, Herbert Carlisle thông báo nội dung tương tự hồi đầu tháng 3. Tuy nhiên đến nay, thay vì thử lửa ở Trung Đông F-35 lại tới Anh để tập trận.