Mỹ - Nhật - Hàn khởi động định hướng sách lược mới

Dù chính quyền mới của Mỹ cho thấy mong muốn đối thoại, song, Triều Tiên vẫn từ chối và tiếp diễn các vụ thử tên lửa mới. Bối cảnh hiện tại đang đặt Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản phải sớm định hình những sách lược mới, với giải pháp căn cơ là thúc đẩy giải pháp ngoại giao, đối thoại đa phương. Để làm được điều này, Mỹ-Nhật-Hàn đã và đang cho thấy những động thái tăng cường liên minh.

Mỹ - Nhật - Hàn khởi động định hướng sách lược mới

(Hàng đầu, từ trái qua phải) Tổng Thư ký An ninh quốc gia Nhật Bản Shigeru Kitamura, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan và Cố vấn an ninh quốc gia Hàn Quốc Suh Hoon hội đàm tham vấn tại Mỹ vào những ngày đầu tháng 4. Ảnh: Bộ Ngoại giao Hàn Quốc

Những “màn trình diễn” thử nghiệm tên lửa mới cùng những tuyên bố hùng hồn của Triều Tiên vừa qua đã làm dấy lên lo ngại khá sâu sắc đối với Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc. Đây được xem là động lực để Cố vấn an ninh quốc gia của 3 nước này khẩn trương ngồi lại với nhau vào cuối tuần trước tại Mỹ. 3 nước đã chia sẻ quan điểm chung về tiến trình phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên cùng cam kết nỗ lực hợp tác các bên thúc đẩy tiến trình này. Giới quan sát khu vực chỉ ra rằng, trong bối cảnh Nhật Bản và Hàn Quốc đang “chạm đáy” về mức độ quan hệ, việc buộc phải “xích lại gần nhau” để ứng phó với những diễn biến bất ổn từ Triều Tiên càng cho thấy mức độ nghiêm trọng từ thách thức chung này.

Cuộc hội đàm của 3 Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ-Nhật-Hàn là cuộc gặp cấp cao nhất giữa 3 đồng minh kể từ khi ông Joe Biden nhậm chức Tổng thống Mỹ vào cuối tháng 1 vừa qua. Trong một tuyên bố chung sau hội đàm, 3 Cố vấn an ninh quốc gia đều tái khẳng định cam kết giải quyết các thách thức thông qua hợp tác 3 bên, hướng tới phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên.

Đồng thời, nhất trí về việc kêu gọi cộng đồng quốc tế thực hiện đầy đủ các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về ngăn chặn phổ biến vũ khí hạt nhân; hợp tác để tăng cường răn đe và duy trì hòa bình và ổn định trên Bán đảo Triều Tiên. Theo đó, Mỹ-Nhật-Hàn thống nhất quan điểm cấp thiết phải có một giải pháp ngoại giao, nỗ lực nối lại tiến trình đàm phán Mỹ - Triều Tiên trong thời gian sớm nhất.

Ngoài ra, với bối cảnh Nhật Bản - Hàn Quốc bất đồng sâu sắc liên quan tới việc giải quyết hậu quả chiến tranh trong quá khứ, nhằm thúc đẩy hiệu lực trong nỗ lực đàm phán phi hạt nhân hóa trên Bán đảo Triều Tiên, các Cố vấn an ninh quốc gia của 3 nước cũng tiến hành các cuộc hội đàm song phương nhằm tìm kiếm giải pháp riêng lẻ. Giới chuyên gia chính trị quốc tế nhìn nhận, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã cho thấy những nỗ lực tích cực để giúp 2 nước đồng minh Hàn Quốc và Nhật Bản cải thiện bầu không khí căng thẳng, cũng như ít để xảy ra thêm mâu thuẫn.

Theo giới chuyên gia an ninh quốc tế, cuộc gặp giữa Cố vấn an ninh của 3 nước Mỹ-Nhật-Hàn vừa qua là bước khởi động cần thiết để Mỹ và 2 nước đồng minh thân cận định hướng một sách lược mới đối với Triều Tiên trong bối cảnh Mỹ có chính quyền mới của tân Tổng thống Joe Biden. Trước mắt, theo tuyên bố của chính quyền Tổng thống Biden, Mỹ vẫn cởi mở trong ngoại giao với Triều Tiên bất chấp 2 vụ thử tên lửa đạn đạo, nhưng cũng cảnh báo sẽ có các biện pháp đáp trả nếu Triều Tiên tiếp tục có những hành động tương tự. Mặt khác, cuộc gặp giữa 3 Cố vấn an ninh quốc gia vừa qua là cơ hội để Nhật - Hàn đóng góp ý kiến vào chính sách mới của Mỹ đối với Triều Tiên.

Theo giới phân tích, chính quyền Tổng thống Joe Biden dường như đang rà soát lại cách tiếp cận vấn đề Triều Tiên của người tiền nhiệm Donald Trump. Bởi lẽ, nỗ lực giải quyết vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên của ông Trump trong 4 năm cầm quyền Tổng thống Mỹ đã bị đánh giá là thất bại. Ông Donald Trump đã 3 lần hội đàm với nhà lãnh đạo Triều Tiên Tiên Kim Jong Un nhưng không đạt được bước đột phá nào ngoài việc tạm dừng các vụ thử hạt nhân và tên lửa đạn đạo liên lục địa.

Về phía Triều Tiên, giới phân tích chỉ ra rằng, mục tiêu hướng tới của chính quyền nước này là dở bỏ các lệnh trừng phạt quốc tế. Việc sử dụng mối đe dọa từ năng lực phát triển vũ khí của Triều Tiên chính là một công cụ tạo “đòn bẩy” của nước này. Trong bối cảnh đàm phán bế tắc, để ngăn chặn các vụ thử tên lửa mang tính khiêu khích của Triều Tiên, chắc chắn sẽ phụ thuộc rất lớn vào sách lược của Mỹ-Nhật-Hàn trong thời gian tới đây.

Theo Báo Biên phòng

Đọc thêm

WMO cảnh báo khẩn về khí hậu toàn cầu

WMO cảnh báo khẩn về khí hậu toàn cầu

Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) xác nhận rằng năm 2024 là năm nóng nhất từng được ghi nhận, đánh dấu một cột mốc đáng lo ngại về biến đổi khí hậu toàn cầu.
Indonesia xác nhận các trường hợp nhiễm HMPV

Indonesia xác nhận các trường hợp nhiễm HMPV

Ngày 7/1, Bộ trưởng Y tế Indonesia Budi Gunadi Sadikin xác nhận nước này đã phát hiện các ca nhiễm virus human metapneumovirus (HMPV), song khẳng định với người dân rằng căn bệnh này không nguy hiểm.