Mỹ phát triển lựu đạn chuyên dụng mới

Lầu Năm Góc phát triển lựu đạn điện để vô hiệu hóa mọi người trong căn phòng một cách an toàn.

Mỹ phát triển lựu đạn chuyên dụng mới

Nguyên lý hoạt động của vũ khí gây choáng bằng dòng điện TASER; Nguồn: quora.com

Các nhà nghiên cứu của Lầu Năm Góc đang nghiên cứu vũ khí có thể tạm thời vô hiệu hóa nhóm người trong một căn phòng bằng hiệu ứng làm choáng điện giống TASER (một thương hiệu vũ khí điện được bán bởi công ty Axon - ND), giúp binh sĩ an toàn hơn trong việc chiếm lĩnh các tòa nhà và giảm thương vong dân sự.

Thiết bị mới này có tên là “Hệ thống HEMI Đa Mục tiêu” (“Multi-Target HEMI System” - HEMI là viết tắt của Human Electro‐Muscular Incapacitation, tạm dịch là “làm mất khả năng hoạt động cơ-điện của con người”) là vũ khí dùng điện không gây chết người, đang được phát triển bởi Văn phòng Thiết bị Cưỡng chế Trung bình Chung (Joint Intermediate Force Capabilities Office - JIFCO), thuộc Ban Giám đốc Vũ khí Phi sát thương Chung (Joint Nonlethal Weapons Directorate) của Lầu Năm Góc.

“Một trong những ưu tiên của Bộ Quốc phòng, là “vô hiệu hóa các cá nhân”, khiến họ không thể thực hiện được, hoặc thực hiện không hiệu quả các hành động trong các không gian mở và hạn chế”, Trưởng bộ phận công nghệ của JIFCO, nói.

Vũ khí HEMI là những công nghệ giải giáp không gây chết người duy nhất đang được JIFCO phát triển, tác động lên tất cả mọi người trong bán kính ít nhất là năm mét và có thể được sử dụng trong nhà hoặc ngoài trời.

Chiếm lĩnh các gian phòng là một trong những nhiệm vụ nguy hiểm nhất trong tác chiến ở địa bàn đô thị. Những người lính luôn được luyện tập chiến thuật đột kích, động tác đột nhập và bình định phòng. Đó là một loạt các động tác được nghiên cứu kỹ lưỡng, theo đó, hai người lính đột nhập gần như đồng thời và người thứ ba hỗ trợ ở cửa, tất cả đồng thời trấn áp hạ sát các mục tiêu.

Đối thủ phải được vô hiệu hóa càng nhanh càng tốt, nhưng đồng thời, tất cả các binh sĩ giao chiến với kẻ thù bằng hỏa lực phải nhắm mục tiêu chính xác và xác định những người không liên quan để tránh thiệt hại về sinh mạng và tài sản. Các binh sĩ chỉ có một phần giây để quyết định xem mỗi người trong phòng là chiến binh hay dân thường.

Do dự có thể làm một thành viên trong nhóm bị giết hoặc bị thương, hoặc bắn vào thường dân. Theo người phụ trách Nghiên cứu Tác chiến trong Đô thị của Viện Chiến tranh Hiện đại tại Học viện West Point, trong các trận chiến dành Aachen và Fallujah, vẫn luôn có rất nhiều dân thường, binh lính phải đương đầu với thử thách thực của điều kiện chiến đấu trong quá trình huấn luyện.

“Lựu đạn gây lóa và tiếng nổ lớn” (flashbang) hoặc “thiết bị làm mất tập trung”, có thể mang lại lợi thế nhất thời khi đột nhập vào một căn phòng có những người không phải là phiến quân hoặc con tin. Chiến thuật này đã được biết đến từ vụ lực lượng đặc nhiệm SAS của Anh đột nhập Đại sứ quán Iran giải vây con tin ở London năm 1980. Tuy nhiên, các hiệu ứng choáng ngắn và không đáng tin cậy, đồng thời, các thiết bị như vậy có thể gây thương tích vĩnh viễn hoặc hỏa hoạn.

Thiết bị mới của JIFCO có thể vô hiệu hóa tất cả những người trong phòng trong một thời gian dài mà không mắc các nhược điểm của flashbang. Hướng nghiên cứu thứ nhất là tạo Hệ thống HEMI Đa Mục tiêu tác động bằng sốc điện dạng sóng, tốc độ và điện thế thay đổi theo thời gian và tổng điện tích, ảnh hưởng đến mức độ an toàn và hiệu quả gây choáng.

Công ty Axon đã giới thiệu một dạng sóng mới cho mẫu Taser 26 của họ, hiệu quả hơn đáng kể so với mẫu M-26 trước đó, nhưng các nhà phê bình cho rằng nó nguy hiểm hơn, dùng điện tích tới 135 microcoulomb thay vì 70-120 microcoulomb của M26. Tạo một dạng sóng vừa an toàn và hiệu quả hơn đồng nghĩa với việc nghiên cứu chúng ảnh hưởng đến hệ thần kinh như thế nào.

Mỹ phát triển lựu đạn chuyên dụng mới

Lựu đạn đặc chủng mới không gây chết người thay thế lựu đạn gây lóa và choáng; Nguồn: forbes.com

Trọng tâm chính HEMI của JIFCO từ quan điểm sinh học là kéo dài thời gian và phạm vi của hiệu ứng vô hiệu hóa con người, Tiến sĩ Shannon Foley chuyên nghiên cứu các ảnh hưởng lên con người tại JIFCO, cho biết. Nghiên cứu các cơ chế hiệu quả giúp tối đa hóa các tác động vô hiệu hóa bằng cách kéo dài thời gian bị choáng đồng thời giảm thiểu khả năng gây chấn thương.

Nghiên cứu trước đây của JIFCO trong lĩnh vực này đã khảo sát các xung cực ngắn có thể vô hiệu hóa trong vài phút thay vì chỉ vài giây. Và người ta đang nghiên cứu để giảm điện tích cần thiết, gây choáng với dưới 50 microcoulomb. JIFCO đã hợp tác với Hiệp hội Nghiên cứu Ứng dụng để chế tạo một “máy phát HEMI dạng sóng được tối ưu hóa”, kích thước không lớn hơn viên pin AA để dùng cho cả một thế hệ vũ khí mới không gây chết người.

Hướng phát triển thứ hai là các “phương pháp phân phối và đính kèm mẫu HEMI mới và nâng cao”. Vũ khí gây choáng điện bắn cặp kim giống như phi tiêu cùng dây dẫn để khi trúng mục tiêu thì tạo thành một mạch điện đóng. Phi tiêu TASER được thiết kế để đảm bảo chúng vẫn bám được vào quần áo và không bị tuột ra khi mục tiêu ngã xuống, nhưng những mũi kim có thể bị mắc kẹt trong quần áo và không thể xâm nhập đủ sâu để tạo kết nối tốt.

Các đối tác của JIFCO đã phát triển những mũi kim mới lấy cảm hứng từ lông của những con nhím, có thể cắm vào mục tiêu dễ dàng nhưng rất khó để bị tuột. Để tác dụng lên tất cả mọi người trong phòng, thiết bị có thể sẽ không bắn kim theo mọi hướng, mà sẽ được dẫn hướng bằng nhiệt độ cơ thể hoặc các kích hoạt tương tự. Một ví dụ thiết bị loại này - “Thiết bị từ chối khu vực TASER” (TASER Area Denial Device) - có tới 12 cặp phi tiêu được kích hoạt bởi các cảm biến chuyển động hồng ngoại, đã được khám vào đầu những năm 2000 nhưng chưa bao giờ được đưa vào sử dụng.

Theo quan chức Mỹ, việc phát triển Hệ thống HEMI Đa Mục tiêu đang ở giai đoạn đầu, hứa hẹn tiềm năng lớn cho việc cứu mạng sống trong các chiến dịch trong tương lai, đặc biệt là khi có dân thường trong vùng tác chiến ở địa hình đô thị. Nó cũng có thể có thêm lợi ích là cho phép các mục tiêu bị bắt sống, ngay cả những người muốn tử thủ chiến đấu đến chết. Điều này có thể dẫn đến ít nạn nhân bị chết và nhiều thông tin được thu thập hơn.

Theo VOV

Đọc thêm

Nhớ anh Hai Mạnh

Nhớ anh Hai Mạnh

Nhớ anh “Hai Mạnh” – Đại tướng Chu Huy Mân là nhớ về những kỷ niệm mãi ấm lòng trong những năm tháng được sống gần ông.
Trận tấn công táo bạo, dũng mãnh vào sân bay Pha Hom

Trận tấn công táo bạo, dũng mãnh vào sân bay Pha Hom

Ngày 22/12/1972, Đại đội 1, Tiểu đoàn 48 bộ đội địa phương Hà Tĩnh đã táo bạo tấn công vào sân bay Pha Hom (sân bay dã chiến) thuộc vùng núi phía bắc huyện Mường Mày, tỉnh Bolikhămxay (Lào) và giành thắng lợi vang dội. Là Chính trị viên phó đại đội trực tiếp tham gia chiến đấu, tôi ghi lại chiến công này nhân kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.
Ngắm UAV cảm tử do Việt Nam sản xuất

Ngắm UAV cảm tử do Việt Nam sản xuất

UAV BXL.01 là loại cánh quạt chiến đấu cảm tử có khối lượng cất cánh tối đa 10kg, mang khối lượng đầu nổ 1,2kg, trần bay 1.000m, tốc độ bay 100-120km/h và hoạt động cự ly 10km do Việt Nam sản xuất.
Bồi đắp tình yêu đất nước qua “Tiết học biên cương”

Bồi đắp tình yêu đất nước qua “Tiết học biên cương”

Chương trình “Tiết học biên cương” do Đồn Biên phòng Lạch Kèn phối hợp với trường học ở huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) góp phần bồi đắp cho các em học sinh tình yêu quê hương, đất nước, ý thức trách nhiệm bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia.