Mỹ phát triển robot nhằm thống trị đáy đại dương

Washington đang đầu tư mạnh cho các phương tiện chiến đấu không người lái dưới nước nhằm thống trị đáy đại dương, qua đó nắm lợi thế trước đối phương.

Khi các máy bay không người lái (UAV) đã trở thành một phần quan trọng trong chiến tranh hiện đại, Lầu Năm Góc đang tìm cách triển khai các robot tự động dưới nước (UUV) để tuần tra đáy biển.

Trong khi Nga và Trung Quốc đang đầu tư vào hạm đội tàu ngầm, Lầu Năm Góc tìm cách nắm lợi thế bằng cách phát triển các công nghệ mới, đặc biệt là các robot có khả năng cao và hệ thống tự động.

Quan chức hải quân Mỹ nói rằng có một cảm giác cấp bách vì khu vực dưới nước thường bị bỏ qua, một ngày nào đó nó có thể trở thành khu vực tranh chấp tương tự như mặt biển, bầu trời và cả không gian.

Mạng lưới cao tốc dưới nước

Một quan chức hải quân cấp cao mô tả rằng đó là “mạng lưới đường cao tốc Eisenhower dưới nước”, nơi những phương tiện không người lái có thể dừng lại để nạp nhiên liệu, truyền dữ liệu tương tự các trạm dừng chân trên đường cao tốc.

Mặc dù chương trình vẫn đang trong giai đoạn phát triển, công nghệ đã tiến bộ trong những năm gần đây để có thể vượt qua những khó khăn khi hoạt động ở môi trường khắc nghiệt dưới biển, khác xa những UAV bay trên bầu trời.

my phat trien robot nham thong tri day dai duong

Mẫu tàu ngầm không người lái Echo Voyager của tập đoàn Boeing. Ảnh: Boeing

Nước biển có thể ăn mòn kim loại, áp lực nước có thể khiến phương tiện vỡ tung ở độ sâu lớn và liên lạc bị hạn chế. Do đó, các UUV phải có khả năng tự điều hướng mà không cần người điều khiển từ xa.

Bất chấp những thách thức lớn, hải quân đã thử nghiệm và chứng minh một số hệ thống dưới nước được thiết kế để lập bản đồ đáy biển, tìm kiếm thủy lôi, tàu ngầm, thậm chí thực hiện cuộc tấn công.

Các UUV hiện nay có thể hoạt động liên tục nhiều ngày hoặc nhiều tuần, mục đích là để tạo ra một mạng lưới các trạm hậu cần dưới nước cho phép các phương tiện hoạt động trong nhiều tháng, thậm chí cả năm.

Năm 2015, Hải quân Mỹ lần đầu bổ nhiệm trợ lý ngoại trưởng phụ trách hệ thống không người lái. Lầu Năm Góc đang có kế hoạch đầu tư hơn 3 tỷ USD cho các hệ thống dưới đáy đại dương trong những năm tới.

Tháng trước, Hải quân Mỹ đã tham gia cuộc tập trận đa quốc gia ngoài khơi bờ biển Scotland. Tàu ngầm tự động đã phối hợp với máy bay để di chuyển cùng trí thông minh nhân tạo có thể chuyển tiếp thông tin từ đáy biển lên trên không và quân đội trên mặt đất.

Còn quá sớm để nói về quan điểm của chính quyền tổng thống đắc cử Donald Trump đối với chương trình. Bryan Clark, thành viên cao cấp tại Trung tâm đánh giá chiến lược và ngân sách, cho biết những tiến bộ trong chiến tranh dưới nước nên tiếp tục là một ưu tiên cho hải quân.

“Lầu Năm Góc nhận thấy Mỹ cần thiết lập hệ thống chiến tranh dưới nước và tác chiến chống ngầm tốt hơn bất kỳ quốc gia nào khác. Các nước khác đang phát triển khả năng chống xâm nhập/khu vực cấm trên mặt nước. Vì vậy Mỹ có thể sẽ phải dựa nhiều hơn vào năng lực dưới nước”, Clark nói.

Mục tiêu của chương trình là phát triển các UUV có thể triển khai từ tàu ngầm có hoặc không có người lái. Trung Quốc và một số quốc gia khác đã phát triển các hệ thống cảm biến có thể phát hiện tàu ngầm kích thước lớn nhưng các UUV kích thước nhỏ sẽ rất khó phát hiện.

Chuẩn đô đốc Mathias Winter, giám đốc Phòng Nghiên cứu Hải quân (ONR) cho biết trong một hội thảo rằng, mục tiêu cuối cùng là có thể triển khai UUV ở quy mô lớn.

Các mẫu thử nghiệm

Tập đoàn Boeing đã giới thiệu mẫu thử nghiệm UUV Echo Ranger và Echo Seeker có khả năng hoạt động tự động dài ngày. Đặc biệt trong năm nay, Boeing đã giới thiệu tàu ngầm không người lái Echo Voyager dài 15,5 m có thể hoạt động trong nhiều tháng mà không phải phụ thuộc vào tàu hỗ trợ.

my phat trien robot nham thong tri day dai duong

UUV mini Bluefin-21 của tập đoàn General Dynamics. Ảnh: Bluefin Robotics.

Tập đoàn General Dynamics cũng đẩy mạnh việc phát triển các hệ thống dưới nước sau khi mua lại Bluefin Robotics (một công ty chuyên sản xuất các robot tự động). Tập đoàn này đã giới thiệu mẫu UUV mini Bluefin-21 có thể chụp ảnh đáy biển và chuyển tiếp hình ảnh cho máy bay không người lái.

Raytheon phát triển một quả ngư lôi nhưng thay vì phát nổ nó sẽ cung cấp “tai, mắt” cho hải quân trong việc phát hiện thủy lôi và tàu ngầm đối phương, lập bản đồ đáy biển.

Ngoài ra, Cơ quan Nghiên cứu các dự án Quốc phòng tiên tiến (DARPA) đang lên kế hoạch phát triển và đặt một UUV dưới đáy biển. Phương tiện này có thể duy trì ở trạng thái chờ trong nhiều năm. Khi được “đánh thức”, nó có thể nổi lên và phóng máy bay không người lái để giám sát bờ biển.

Thế hệ các phương tiện không người lái dưới nước đòi hỏi bộ vi xử lý và máy tính mạnh mẽ, tuổi thọ hạn chế của pin là những thách thức mà Mỹ phải đối mặt và giải quyết trong tham vọng thống trị đáy biển.

Theo Zing

Đọc thêm

Nhớ anh Hai Mạnh

Nhớ anh Hai Mạnh

Nhớ anh “Hai Mạnh” – Đại tướng Chu Huy Mân là nhớ về những kỷ niệm mãi ấm lòng trong những năm tháng được sống gần ông.
Trận tấn công táo bạo, dũng mãnh vào sân bay Pha Hom

Trận tấn công táo bạo, dũng mãnh vào sân bay Pha Hom

Ngày 22/12/1972, Đại đội 1, Tiểu đoàn 48 bộ đội địa phương Hà Tĩnh đã táo bạo tấn công vào sân bay Pha Hom (sân bay dã chiến) thuộc vùng núi phía bắc huyện Mường Mày, tỉnh Bolikhămxay (Lào) và giành thắng lợi vang dội. Là Chính trị viên phó đại đội trực tiếp tham gia chiến đấu, tôi ghi lại chiến công này nhân kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.
Ngắm UAV cảm tử do Việt Nam sản xuất

Ngắm UAV cảm tử do Việt Nam sản xuất

UAV BXL.01 là loại cánh quạt chiến đấu cảm tử có khối lượng cất cánh tối đa 10kg, mang khối lượng đầu nổ 1,2kg, trần bay 1.000m, tốc độ bay 100-120km/h và hoạt động cự ly 10km do Việt Nam sản xuất.
Bồi đắp tình yêu đất nước qua “Tiết học biên cương”

Bồi đắp tình yêu đất nước qua “Tiết học biên cương”

Chương trình “Tiết học biên cương” do Đồn Biên phòng Lạch Kèn phối hợp với trường học ở huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) góp phần bồi đắp cho các em học sinh tình yêu quê hương, đất nước, ý thức trách nhiệm bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia.