Tên lửa siêu vượt âm AGM-183A mà Mỹ vẫn đang trong quá trình thử nghiệm (Ảnh: Quân đội Mỹ).
Theo Asia Times , Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Kathleen Hicks đã bác bỏ nhận định rằng Mỹ đang tụt hậu so với Nga và Trung Quốc trong việc phát triển và triển khai vũ khí siêu vượt âm.
Theo bà Hicks, trong khi Bắc Kinh và Moscow đang đạt được tiến bộ trong việc phát triển dòng vũ khí này, Mỹ đang tập trung vào các công nghệ để đánh chặn chúng.
Thứ trưởng Mỹ khẳng định, nước này tập trung vào việc phát triển những khả năng cần thiết trong tác chiến (ví dụ năng lực đánh chặn mối đe dọa) hơn là chạy theo một cuộc đua công nghệ với các đối thủ.
Bà Hicks cho hay, Mỹ có quan điểm về vũ khí siêu vượt âm khác với Nga và Trung Quốc. Quan chức Mỹ nói, Nga đã sử dụng vũ khí siêu vượt âm ở Ukraine nhưng bà cho rằng, nó chưa đủ để thay đổi cục diện chiến sự. Vì vậy, vũ khí siêu vượt âm có thể đang bị đánh giá quá cao về khả năng xoay chuyển tình thế trong các trận chiến tương lai.
Nhận định của bà Hicks đánh dấu sự thay đổi so với quan điểm của giới chức Mỹ trước đó. Trong vài năm qua, Mỹ nhiều lần thừa nhận bị chậm hơn Nga và Trung Quốc trong cuộc đua chế tạo ra dòng vũ khí có thể bay nhanh gấp ít nhất 5 lần tốc độ âm thanh (6.174 km/h).
Nga hiện đã đưa vào biên chế dòng tên lửa Kinzhal (nhanh gấp 10 lần tốc độ âm thanh) hay Avangard (nhanh gấp 20 lần tốc độ âm thanh), trong khi Trung Quốc cũng đã triển khai tên lửa siêu vượt âm của riêng họ. Mặt khác, Mỹ vẫn đang trong giai đoạn phát triển vũ khí này và đã thử nghiệm thất bại nhiều lần.
Mặc dù vậy, bà Hicks nói rằng Mỹ đang có được một số tiến triển đáng khích lệ trong các chương trình phát triển vũ khí siêu vượt âm và đang lên chiến lược triển khai dòng khí tài này.
Mỹ cũng đang lên kế hoạch xây dựng hệ thống vệ tinh truy vết tên lửa siêu vượt âm, vũ khí đánh chặn dòng khí tài trên.
Cơ quan Phòng thủ Vũ trụ Mỹ (SDA) hôm 18/7 đã công bố kế hoạch trị giá 1,3 tỷ USD nhằm phát triển và đưa 28 vệ tinh cỡ nhỏ vào không gian để giúp theo dõi các loại vũ khí tiên tiến của đối thủ Nga và Trung Quốc như tên lửa siêu vượt âm.
Ý tưởng chung của mạng lưới vệ tinh Mỹ đang phát triển là theo dõi liên tục tên lửa đối thủ. Khi vệ tinh đầu tiên phát hiện ra mối đe dọa, nó sẽ truy vết cho tới khi mất dấu. Trong thời gian đó, nó sẽ truyền thông tin cho các vệ tinh khác để chúng có thể theo kịp tốc độ di chuyển của tên lửa siêu vượt âm nhằm không để lọt mục tiêu.
Vũ khí siêu vượt âm được xem là một thách thức mới cho công nghệ phòng thủ tên lửa hiện tại vì tốc độ nhanh, và có khả năng di chuyển linh hoạt hơn so với các tên lửa thường.
Tốc độ và khả năng cơ động giúp các tên lửa siêu vượt âm trở nên nguy hiểm hơn đối với hầu hết các hệ thống phòng không. Ngoài ra, thời gian đốt cháy động cơ tên lửa được rút ngắn khiến việc phát hiện chúng bằng hệ thống cảnh báo sớm trên quỹ đạo trở thành một nhiệm vụ khó khăn.
Hồi tháng 3, Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng cho rằng, tên lửa Kinzhal mà Nga phóng vào mục tiêu ở Ukraine “không tạo ra nhiều khác biệt (trong chiến dịch quân sự), ngoại trừ việc nó gần như không thể bị đánh chặn”.