"Bất chấp việc Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng mất đi lãnh thổ, tổ chức này vẫn củng cố khả năng trỗi dậy ở Iraq và đang trỗi dậy ở Syria", báo cáo của Lầu Năm Góc cảnh báo hôm 6/8.
Mỹ rút quân khỏi Syria, IS thừa cơ trỗi dậy. Ảnh: CNN |
Tổng thống Trump đã nhiều lần khẳng định vai trò của Mỹ trong việc loại bỏ nhóm khủng bố này khỏi khu vực khi tuyên bố trong cuộc họp Nội các hồi tháng trước rằng: "Chúng ta đã hoàn thành tốt nhiệm vụ tiêu diệt tổ chức Nhà nước Hồi giáo. Chúng ta đã đẩy lui 100% lực lượng này khỏi Syria".
Tuy nhiên, báo cáo mới đây cho thấy việc Mỹ rút một phần binh lính khỏi Syria có tác động không nhỏ đến cuộc chiến chống lại tàn dư của IS khi khiến việc thuyết phục các đồng minh địa phương trên thực địa trở nên khó khăn hơn và cản trở khả năng kiểm soát của Mỹ đối với những khu vực có nguy cơ trở thành địa điểm tuyển quân của những kẻ khủng bố.
Báo cáo từ Chiến dịch Nhổ tận gốc (Operation Inherent Resolve) - tên gọi chính thức của chiến dịch chống IS do Mỹ dẫn đầu cho biết: "Việc giảm số lượng quân Mỹ đã làm giảm sự hỗ trợ với các đồng minh ở Syria của chúng ta trong bối cảnh lực lượng này đang cần huấn luyện và trang bị nhiều hơn để đối phó với sự trỗi dậy của IS".
Báo cáo này cũng cảnh báo rằng do Mỹ rút quân khỏi Syria , Washington và các đồng minh khu vực sẽ không thể kiểm soát chặt chẽ trại tị nạn Al-Hol dành cho những người phải rời bỏ nhà cửa do chiến tranh. Tình hình này có thể khiến "tư tưởng của IS lan rộng" trong khu trại này và tạo điều kiện cho tổ chức này trỗi dậy.
Vào thời kỳ then chốt của chiến dịch ở Syria, Mỹ đã điều 3.000 quân tới quốc gia Trung Đông này với vai trò huấn luyện và cố vấn cho Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) mà Washington ủng hộ trong chiến dịch "quét sạch" IS khỏi đông bắc Syria. Đến nay, con số này đã giảm đáng kể dù Lầu Năm Góc không cung cấp tài liệu thống kê chính thức về số lượng quân Mỹ tại đây.
Tổng thống Trump cho biết Mỹ sẽ duy trì một số lượng nhỏ binh sĩ ở Syria trong một thời gian chưa xác định để đảm bảo tiêu diệt mọi tàn dư của IS.
"Chúng tôi sẽ rút khỏi đây sớm. Hãy để họ tự giải quyết các vấn đề của mình. Syria có thể xử lý các vấn đề của họ cùng với Iran, Nga, Iraq và Thổ Nhĩ Kỳ", Tổng thống Trump tuyên bố hồi tháng trước.
Các quan chức Lầu Năm Góc đều bày tỏ quan ngại trong những ngày gần đây khi Thổ Nhĩ Kỳ định triển khai một chiến dịch quân sự tấn công lực lượng người Kurd - đồng minh của Mỹ tại Syria. Washington đã gọi chiến dịch này là "không thể chấp nhận được", đồng thời bày tỏ quan ngại các quân nhân Mỹ có thể bị tấn công và những tù nhân IS có thể trốn thoát nhân tình hình hỗn loạn.
IS vẫn là một thách thức ở Iraq - khu vực mà hồi tháng trước liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu đã tiến hành 33 cuộc không kích nhằm vào các tay súng, vũ khí và cơ sở vật chất của tổ chức khủng bố này.