Mỹ sẽ đàm phán với tất cả các đối tác thương mại về biện pháp giảm thuế quan

Theo Bộ trưởng Thương mại Mỹ Lutnick, các nước sẽ phải thay đổi các quy tắc của mình để cho phép nhập khẩu nhiều sản phẩm của Mỹ hơn, nhằm giảm bớt tác động của các mức thuế này.

bo-truong-thuong-mai-my-howard-lutnick-resize.jpg
Bộ trưởng Thương mại Mỹ, ông Howard Lutnick. (Ảnh: Reuters/TTXVN)

Trong một tuyên bố ngày 3/4, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Howard Lutnick cho biết Chính quyền Tổng thống Donald Trump sẽ đàm phán với tất cả các đối tác thương mại lớn trên toàn thế giới về biện pháp giảm thuế quan mới được nhà lãnh đạo Mỹ công bố.

Theo Bộ trưởng Lutnick, các nước sẽ phải thay đổi các quy tắc của mình để cho phép nhập khẩu nhiều sản phẩm của Mỹ hơn, nhằm giảm bớt tác động của các mức thuế này.

Tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh các chính phủ đang tìm biện pháp đối phó với việc bị Mỹ áp thuế đối ứng, trong đó có việc xúc tiến đàm phán với Mỹ.

Theo thông báo ngày 3/4 của Bộ Ngoại giao Indonesia, nước này đã quyết định cử một đoàn đại biểu cấp cao đến Mỹ để trực tiếp đàm phán về vấn đề thuế quan. Mức thuế đối ứng mà Mỹ áp với Indonesia là 32%.

Campuchia, quốc gia Đông Nam Á bị áp thuế tới 49% cho rằng mức thuế này là "không hợp lý." Bộ Thương mại Campuchia ngày 3/4 khẳng định mức thuế này không chỉ ảnh hưởng đến ngành công nghiệp, đáng chú ý là ngành dệt may, mà còn ảnh hưởng đến khả năng thu hút đầu tư nước ngoài của nước này.

Trả lời phỏng vấn truyền thông địa phương, Bộ trưởng Thương mại Cham Nimul cũng cảnh báo người tiêu dùng Mỹ sẽ là những người đầu tiên bị ảnh hưởng bởi mức thuế này.

Với mức thuế đối ứng 34%, Trung Quốc yêu cầu Mỹ "ngay lập tức hủy bỏ" các biện pháp thuế quan như vậy, đồng thời tuyên bố sẽ đáp trả song cho biết vẫn duy trì kênh liên lạc với Washington để sớm giải quyết vấn đề này.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Hàn Quốc và Nhật Bản cũng đã có cuộc gặp với người đồng cấp Mỹ Marco Rubio, bên lề Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) để thảo luận về tác động của các biện pháp thuế mới.

Mức thuế đối ứng đối với Hàn Quốc là 26% và Nhật Bản là 24%.

Từ châu Âu, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), bà Ursula von der Leyen cho biết châu Âu "đã chuẩn bị ứng phó" với mức thuế quan 20% mà Mỹ áp với khối này, trong khi gọi đây là "đòn giáng mạnh vào nền kinh tế thế giới."

Ủy viên thương mại EU Maros Sefcovic có kế hoạch thảo luận với giới chức đồng cấp của Mỹ vào ngày 4/4 về vấn đề thuế quan.

Trong khi Pháp và Đức cảnh báo rằng Liên minh châu Âu (EU) có thể áp thuế lên các công ty công nghệ Mỹ hoạt động tại châu Âu, Thụy Sĩ cho biếtkhông có kế hoạch phản ứng ngay lập tức dù cũng bị ảnh hưởng bởi mức thuế đối ứng 31%.

Trong thông báo, Chính phủ Thụy Sỹ giải thích các biện pháp đối phó với chính sách tăng thuế của Mỹ sẽ gây ra tổn thất cho nền kinh tế của nước này. Vì vậy, Hội đồng Liên bang Thụy Sỹ không có kế hoạch áp dụng bất kỳ biện pháp đối phó nào vào thời điểm hiện tại.

Trong phát biểu phản đối các biện pháp thuế quan mà Mỹ mới công bố, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez cho rằng đòn thuế quan đơn phương này đánh dấu sự trở lại của chủ nghĩa bảo hộ thế kỷ 19.

Mặc dù nền kinh tế Tây Ban Nha ít phụ thuộc vào xuất khẩu sang Mỹ hơn nhiều nước châu Âu khác, nhưng các chuyên gia nhận định ngành nhôm, dầu ô liu và rượu vang của nước này có khả năng sẽ chịu ảnh hưởng.

Để hỗ trợ các ngành trong nước có thể chịu ảnh hưởng, Thủ tướng Pedro Sanchez đề xuất một gói hỗ trợ trị giá 15 tỷ USD, bao gồm các khoản hỗ trợ giúp các công ty bị ảnh hưởng bởi thuế quan duy trì nhân viên của mình cho đến khi họ có thể tiếp tục hoạt động bình thường./.

vietnamplus.vn

Đọc thêm

Gần 150 người thiệt mạng do động đất tại Myanmar

Gần 150 người thiệt mạng do động đất tại Myanmar

Tân Hoa xã dẫn báo cáo của Ban Thông tin của Hội đồng Hành chính nhà nước Myanmar cho biết, ít nhất 144 người đã thiệt mạng và 732 người bị thương trong trận động đất có độ lớn 7,7 xảy ra vào ngày 28/3 tại nước này.
Nguy cơ 600.000 tấn chất thải nhựa của Coca-Cola trôi ra đại dương và đường thuỷ

Nguy cơ 600.000 tấn chất thải nhựa của Coca-Cola trôi ra đại dương và đường thuỷ

Tổ chức phi lợi nhuận Oceana công bố kết quả gây sốc của một phân tích cho thấy, đến năm 2030, các sản phẩm của Coca-Cola sẽ tạo ra khoảng 602.000 tấn rác nhựa mỗi năm thải ra các đại dương và hệ thống đường thủy thế giới. Lượng nhựa này đủ để lấp đầy dạ dày của 18 triệu con cá voi.