Nam Phi: Phó Tổng thống và Tổng thống thảo luận về từ chức

Phó Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa​ ngày 7/2 xác nhận ông đang có các cuộc thảo luận với Tổng thống Jacob Zuma về những vấn đề liên quan việc Tổng thống từ chức.

nam phi pho tong thong va tong thong thao luan ve tu chuc

Ông Cyril Ramaphosa (trái) và ông Jacob Zuma tại một sự kiện ở Bloemfontein ngày 18/12/2015. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo đó, ông Ramaphosa cam kết sẽ có "giải pháp nhanh chóng" cho tình hình căng thẳng chính trị tại nước này.

Tuyên bố của ông Ramaphosa do đảng Đại hội Dân tộc Phi (ANC) cầm quyền đưa ra, trong đó ông Ramaphosa cho biết các cuộc thảo luận giữa ông và Tổng thống Zuma "mang tính xây dựng và đã tạo cơ sở cho một giải pháp nhanh chóng đối với vấn đề lợi ích của quốc gia và người dân."

Ông cũng nhấn mạnh đây là "một thời điểm thách thức" đối với Nam Phi. Các nhà lãnh đạo hàng đầu của ANC đã hoãn một cuộc họp khẩn cấp trong ngày 7/2 để bàn về khả năng phế truất Tổng thống Zuma.

Quyết định này được đưa ra sau khi Quốc hội Nam Phi bất ngờ hoãn lễ trình bày Thông điệp quốc gia năm 2018 của ông Zuma.

Phó Tổng thống Ramaphosa cho biết các lãnh đạo ANC hoãn cuộc họp khẩn cấp trên nhằm tạo điều kiện để ông và Tổng thống Zuma "kết thúc các cuộc thảo luận và thông báo kết quả trong vài ngày tới."

Mạng tin Times Live của Nam Phi ngày 6/2 đưa tin Tổng thống Zuma và Phó Tổng thống Ramaphosa đang thảo luận về các điều kiện để ông Zuma chấp nhận từ chức.

Tổng thống Zuma đối mặt với nhiều sức ép buộc ông rời bỏ cương vị với cáo buộc tham nhũng và năng lực điều hành yếu kém.

Áp lực gia tăng từ chính nội bộ đảng ANC cầm quyền kể từ tháng 12 năm ngoái, khi ông phải nhường vai trò lãnh đạo đảng cho Phó Tổng thống Cyril Ramaphosa./.

Theo Vietnam+

Đọc thêm

Bạo lực gia tăng tại Colombia

Bạo lực gia tăng tại Colombia

Ngày 19/1, Lực lượng quân đội Colombia cho biết sẽ tăng cường các hoạt động ở khu vực Tây Bắc đất nước để ngăn chặn làn sóng bạo lực bùng phát trong những ngày qua.
WMO cảnh báo khẩn về khí hậu toàn cầu

WMO cảnh báo khẩn về khí hậu toàn cầu

Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) xác nhận rằng năm 2024 là năm nóng nhất từng được ghi nhận, đánh dấu một cột mốc đáng lo ngại về biến đổi khí hậu toàn cầu.