Nếu không có ngày 30/4

(Baohatinh.vn) - Nếu tôi nhớ không nhầm thì vào trung tuần tháng 5/1981, Báo Văn nghệ đã chọn đăng chùm thơ 3 bài của tác giả Đinh Thị Thu Vân và riêng bài thơ "Nếu không có ngày 30 tháng Tư" đã gây hiệu ứng lớn trong độc giả lúc bấy giờ.

Hầu như sinh viên trên các giảng đường đại học yêu thơ ca đều khâm phục một cây bút mới có tứ thơ độc đáo. Đọc xong bài thơ, người đọc có sự thăng hoa, phấn chấn, đồng hành cùng tâm trạng nhà thơ.

Nếu không có ngày 30 tháng Tư

Đừng trách gì nhé anh, hãy nghe em kể hết

Những nghĩ suy nông nổi của một thời

Những trống trải không cách gì xua đuổi

Nếu không có ngày ba mươi tháng Tư

Nếu không có ngày ba mươi tháng Tư

Em vẫn như thuở nào, sợ tay mình lấm đất

Sẽ không biết tự khuyên mình những lời khuyên nghiêm khắc

Không một lần dám sống hy sinh

Và giữa dòng người cuộc sống gấp bon chen

Em đâu biết tin một ai, một điều gì tuyệt đối

Em sẽ đến với tình yêu bằng nửa trái tim yếu đuối

Còn nửa kia, đành giữ lại để... nghi ngờ

Em sẽ không hề nghĩ đến mầm cây khi nhìn những giọt mưa

Có thể rồi sẽ quên cả màu của lúa

Quên bài địa lý quê hương, những miền nào đất đen đất đỏ

Sẽ nhọc nhằn khi định nghĩa chữ “dòng kênh”

Sẽ… rất nhiều, anh hiểu phải không anh?

Ngày tháng trước em là con ốc nhỏ

Con ốc đa nghi cuộn mình trong lớp vỏ

Sống vô tình mà ngỡ sống thông minh.

Anh có lạ lùng khi em nói em ghen

Với quá khứ anh, những tháng ngày đánh Mỹ

Em ghen với mắt nhìn tự tin, với nụ cười thoải mái

Ghen với những say mê em chưa có một lần

Em ghen với đồng đội anh, ghen với những tâm hồn

Từ dạo ấy tháng Tư giải phóng

Để rồi cái vỏ ốc vỡ tan, dễ dàng như bong bóng

Những khát vọng tin yêu em đã gặp chính nơi mình

Em đổi những bé mọn của tâm hồn lấy lắm ngọt êm

Lòng vẫn nghĩ tháng Tư làm nhân chứng

Ôi nhân chứng bao dung, nhân chứng vô cùng người lớn

Làm thế nào em có thể đền ơn?

Tháng Tư ơi xinh đẹp mãi tâm hồn.

(30/4/1981, Đinh Thị Thu Vân)

Bài thơ như là lời tâm sự nội tâm của tác giả. Tác giả bộc lộ cho người yêu của mình - người chiến sĩ giải phóng quân mà cô được gặp lại trong ngày vui đại thắng của toàn dân tộc. Anh là tượng đài chiến thắng không chỉ cho chính cô mà cho cả thế hệ. Lời thơ cất lên từ trái tim ấy cũng là lời của bao người chưa hiểu được vì sao mình lại được hưởng hạnh phúc tuyệt vời như thế. 20 năm đằng đẵng sống trong áp bức, kìm kẹp, cô đơn, vô vọng và chưa thể hiểu nổi mình.

Đừng trách gì nhé anh, hãy nghe em kể hết

Những nghĩ suy nông nổi của một thời

Những trống trải không cách gì xua đuổi

Nếu không có ngày ba mươi tháng Tư.

Điệp khúc được nhắc đi, nhắc lại từ khổ thơ đầu đến khổ thơ cuối: Nếu không có ngày ba mươi tháng Tư. Nếu không có ngày đó thì sẽ ra sao với cô gái này? Giữa tình yêu và mơ hồ nhận thức, giữa sự sống và cái chết, giữa ngã ba đường, người con gái sẽ lựa chọn hướng đi nào đây, khi bóng đêm vẫn đan dày, khi ánh sáng của cách mạng chưa rọi vào tâm hồn cô.

Ngày Giải phóng miền Nam. Ảnh tư liệu
Ngày Giải phóng miền Nam. Ảnh tư liệu

Người đọc đã hiểu được sự bộc lộ chân thành mà hồn nhiên của cô gái:

Và giữa dòng người cuộc sống gấp bon chen

Em đâu biết tin một ai, một điều gì tuyệt đối.

Từ sự hoài nghi ấy đã làm cho cô gái sống thu mình như con ốc, vị kỷ, tách hẳn thế giới xung quanh khi cuộc đời gặp bế tắc, như sợi dây vô hình buộc chặt:

Ngày tháng trước em là con ốc nhỏ

Con ốc đa nghi cuộn mình trong lớp vỏ

Sống vô tình mà ngỡ sống thông minh.

Nhưng điều gì đã đến với cô, đó chính là ngày chiến thắng ba mươi tháng Tư. Người đọc một lần nữa lại cảm khoái những câu thơ như có sức lay động kỳ diệu của Đinh Thị Thu Vân. Cấu trúc của bài thơ không rời rạc mà được nén chặt với thứ tự sắp xếp qua từng diễn biến nội tâm, thông qua hình ảnh, sự kiện để từ đó làm đòn bẩy cho 2 câu thơ này: Từ dạo ấy tháng Tư giải phóng/ Để rồi cái vỏ ốc vỡ tan dễ dàng như bong bóng.

Những khát vọng tin yêu em đã gặp chính nơi mình. Tình yêu mà cô gái gửi gắm, đấy là niềm tin được làm người tự do, được sống trong không khí hòa bình khi non sông thu về một mối. Nhân chứng lịch sử được cô gái yêu đến phát ghen chính là anh giải phóng quân làm nên mùa xuân đại thắng.

Chủ đề Sự kiện

Đọc thêm

Văn hóa đọc trong thời đại số

Văn hóa đọc trong thời đại số

Có những người vẫn duy trì thói quen đọc truyền thống, nhưng cũng có nhiều người tiếp cận tri thức qua những phương tiện mới. Thay vì đọc sách giấy, họ tìm đến sách điện tử, audiobook...
Podcast truyện ngắn: Mùa trái dầu bay

Podcast truyện ngắn: Mùa trái dầu bay

Gió vẫn thổi. Trái dầu vẫn rơi từ thinh không, xoay tròn hai cánh chạm đất. Trái dầu có hai cánh nhưng gắn liền cùng một bầu. Hồi đó, trận đánh cuối trước giờ giải phóng cũng là mùa dầu bay ngợp trời đất này.
Tự do hay thiếu văn hóa?

Tự do hay thiếu văn hóa?

Những hành động xúc phạm Vua Hùng hay đùa cợt với hình ảnh lãnh tụ Hồ Chí Minh trên mạng xã hội là những hành vi phản cảm, thiếu văn hóa, vô ơn, cần bị lên án và tẩy chay.
Podcast tản văn: Tím mùa hoa cũ

Podcast tản văn: Tím mùa hoa cũ

Và tôi, mỗi năm, lại lớn thêm một chút, lại nhớ thêm một phần - như thể cả ký ức của tôi đều nở mùa hoa xoan cũ…
Podcast truyện ngắn: Những hạt mầm ký ức

Podcast truyện ngắn: Những hạt mầm ký ức

Xa xa, trên con đường mòn sắp được mở rộng, những người nông dân đang trở về nhà từ cánh đồng vừa cày ải. Họ nhìn ra phía đồi chè. Dù chưa ai biết mai này sẽ ra sao, nhưng lúc này, chỉ lúc này thôi, tất cả vẫn còn nguyên vẹn.
Phạm Quỳnh Như - thi sĩ của đồng quê và trẻ nhỏ

Phạm Quỳnh Như - thi sĩ của đồng quê và trẻ nhỏ

Đọc thơ ông đã nhiều nhưng có dịp về thăm ngôi nhà của ông ở thôn Trần Phú, xã Thạch Trị (TP Hà Tĩnh), tôi mới thật sự hiểu vì sao giới văn nghệ Hà Tĩnh gọi Phạm Quỳnh Như là “thi sĩ của đồng quê”.