Bản vẽ mô phỏng tàu Strazh của Rubin. Ảnh: R.B
Là một trong những công ty đóng tàu lớn nhất của Nga, Cục thiết kế Rubin vừa công bố mẫu thiết kế của tàu ngầm hỗn hợp đầu tiên trên thế giới. Được đặt tên là Strazh (tạm dịch: lính gác), Rubin muốn phát triển một con tàu thường thấy trong phim hành động: vừa có thể bắn tên lửa dưới nước vừa lao vùn vụt trên mặt biển với tốc độ lên đến 80 km/h.
Ông Vladimir Evseev, Tiến sĩ Kỹ thuật và Trưởng phòng Hội nhập Á-Âu của Viện CIS cho hay: “Loại tàu này được sản xuất nhằm mục đích xuất khẩu, chủ yếu cho các quốc gia Đông Nam Á sở hữu nhiều đảo và vùng biển nông”.
Theo ông, con tàu hoạt động gần bờ này sẽ phát huy sức mạnh hiệu quả trong cuộc chiến chống buôn bán ma túy.
Tàu Strazh có thể phóng tên lửa từ dưới mặt nước. Ảnh: R.B
“Nó có thể ẩn mình dưới đáy biển và chờ tàu ngầm nhỏ hoặc tàu cao tốc do những kẻ buôn lậu vận hành đi qua. Sức mạnh kỹ thuật sẽ giúp nó đánh chặn tàu chở ma tuý”, ông Evseev lưu ý.
Strazh được cho là sản phẩm kết hợp tất cả các công nghệ đóng tàu mới nhất. Nó là một tàu cao tốc có thể tăng tốc trên mặt nước lên đến 80km/h. Ngoài ra, nó còn được trang bị một số hệ thống vũ khí mà những tàu tuần tra biên giới hiện đại chưa thể đáp ứng.
“Nó có thể sử dụng cả tên lửa tầm xa (tên lửa hành trình Kalibr phóng từ biển) và tên lửa chống hạm Onyx. Trong tương lai, nó sẽ có thể bắn tên lửa siêu vượt âm Zircon”, nhà phân tích cho biết thêm. Ông cũng lưu ý thêm rằng, theo thiết kế, Strazh sẽ được trang bị một hệ thống trinh sát không người lái kiểu trực thăng. Tức là con tàu có khả năng nằm dưới mặt nước và phóng máy bay không người lái để thu thập dữ liệu trinh sát.
Dự án tàu Delfin thời Liên Xô. Ảnh: R.B
Giới chuyên gia quân sự cho rằng Strazh là phiên bản tái sinh của tàu lặn Delfin (Cá heo) của Liên Xô, được phát triển vào những năm 1950 cùng chung ý tưởng lai hỗn hợp giữa tàu nổi và tàu ngầm. “Dự án phát triển tàu Delfin đã thất bại do không thể chuyển động như ý muốn ở hai môi trường khác nhau. Có vẻ như các kỹ sư ngày nay đã có thể giải quyết các vấn đề nan giải của thời Liên Xô”, ông Dmitry Litovkin, Tổng biên tập Tạp chí Independent Military nói.
Tuy vậy, ông cho rằng công ty Rubin có phần vội vàng tìm kiếm khách hàng, bất chấp việc chưa thể chứng minh khả năng của con tàu trong thực tế.
Ông Litovkin lập luận rằng hiện tại, dự án mới chỉ tồn tại ở dạng bản thiết kế kỹ thuật số và nó hoàn toàn có thể không đi đến kết quả. Ông cũng nhắc lại việc Liên Xô từng thua Mỹ trong thương vụ bán trực thăng tấn công cho Ấn Độ.
“Chúng tôi muốn bán trực thăng Mi-28 cho người Ấn Độ. Hồi đó nó chỉ tồn tại trên giấy, và vì vậy Delhi đã ký hợp đồng mua chiếc Apache với người Mỹ. Nó đã được thử nghiệm trong chiến đấu”, nhà phân tích này cho biết thêm.
Tàu SMX-25. Ảnh: R.B
Đáng chú ý, các kỹ sư Pháp và Anh cũng đã đưa ra các dự án tàu hỗn hợp tương tự vào đầu thế kỷ 21. Tàu SMX-25 và SSGT của họ đều là tàu cao tốc được thiết kế nhằm mục đích tiếp cận khu vực chiến đấu với tốc độ khoảng 90 km/h, sau đó lặn xuống dưới nước và tấn công bí mật vào các vị trí của đối phương.
Tuy vậy, hai dự án trên đều gặp trở ngại vì chúng quá dễ bị các hệ thống tuần duyên phát hiện.
Theo lý thuyết, tốc độ cao sẽ cho phép chúng vượt qua các hệ thống tên lửa bờ biển, tiếp cận được vị trí chiến đấu rồi lặn xuống đáy biển và khai hỏa từ đó. Nhưng trong thực tế, ý tưởng đó lại bất khả thi. Chính tốc độ cao đã khiến con tàu không thể “tàng hình” trước các hệ thống tên lửa.
Ông Dmitry Litovkin, nhấn mạnh cho đến ngày nay chưa quốc gia nào có thể chế tạo thành công tàu lai, vì hai khái niệm này làm suy yếu lẫn nhau.