"Việc áp dụng một biện pháp mới sẽ cần thêm sự phân tích và suy xét, nhưng sẽ không làm thay đổi hoàn toàn cục diện”, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov nói với các phóng viên hôm 10/7, khi được hỏi về phản ứng của Moscow trước khả năng Mỹ áp đặt mức thuế quan thứ cấp 500% lên các đối tác thương mại của Nga.
Ông Ryabkov nói thêm rằng cho đến nay, các quốc gia đã áp đặt hơn 30.000 lệnh trừng phạt đối với Nga.
“Chúng tôi biết cách hành động trong những điều kiện này, và chúng tôi sẽ tiếp tục đi theo con đường độc lập, tự chủ và bền vững của mình”, nhà ngoại giao Nga nhấn mạnh.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đầu tuần này tuyên bố ông cân nhắc việc ủng hộ dự luật áp đặt mức thuế khổng lồ đối với Nga, đồng thời bày tỏ sự không hài lòng với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Dự luật này, vốn được thiết kế để buộc Moscow phải thỏa hiệp về xung đột Ukraine, đã được Thượng nghị sĩ Lindsey Graham đề xuất vào đầu năm nay.
Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình TF1 ngày 7/7, Ngoại trưởng Pháp Jean-Noel Barrot cho biết: “EU, phối hợp cùng các thượng nghị sĩ Mỹ, đang chuẩn bị áp đặt những biện pháp trừng phạt cứng rắn nhất trong 3 năm qua với Nga dựa trên các đề xuất của Pháp”.
Ông nói thêm: “Các biện pháp trừng phạt sẽ ảnh hưởng đến doanh thu dầu mỏ của Nga, các tổ chức tài chính Nga và những bên trung gian ở các quốc gia khác giúp Nga né tránh trừng phạt”.
Nhà ngoại giao Pháp nhấn mạnh, lệnh trừng phạt mới nhằm làm cạn kiệt các nguồn lực cho phép Nga tiếp tục chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, từ đó buộc Moscow phải đồng ý với một lệnh ngừng bắn.
Ngoại trưởng Barrot cho biết, sau đề xuất ngừng bắn 30 ngày của Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi tháng 6, cường độ các cuộc tấn công của Nga vào Ukraine đã tăng gấp 5 lần, khiến tình hình trở nên “không thể chấp nhận được”.
Theo Financial Times, gói trừng phạt lần thứ 18 của EU, được trình bày vào tháng 6, đã bao gồm lệnh cấm sử dụng cơ sở hạ tầng của các đường ống dẫn khí Nord Stream 1 và Nord Stream 2, cũng như hạ mức trần giá dầu của Nga từ 60 USD xuống còn 45 USD mỗi thùng.
Ngoài ra, các tàu chở dầu thuộc “hạm đội bóng tối” được sử dụng để xuất khẩu dầu né tránh các lệnh trừng phạt sẽ bị áp dụng thêm các biện pháp hạn chế.
Gói mới dự kiến không chỉ bao phủ lĩnh vực năng lượng mà còn cả các tổ chức tài chính, bao gồm các ngân hàng tham gia giao dịch với Nga.
Vào tháng 1, Mỹ đã áp đặt lệnh trừng phạt đối với hai tập đoàn dầu mỏ lớn của Nga và 180 tàu chở dầu, đồng thời cấm cung cấp các “dịch vụ dầu mỏ” cho các cá nhân ở Nga kể từ ngày 27/2.
Các chính phủ phương Tây đã áp đặt một loạt lệnh trừng phạt chưa từng có đối với Moscow sau khi xung đột Ukraine leo thang vào năm 2022, nhằm mục đích làm suy yếu nền kinh tế Nga. Moscow đã lên án các biện pháp trừng phạt này là bất hợp pháp.
Theo Tổng thống Putin, các lệnh trừng phạt đang gây hại cho các quốc gia phương Tây nhiều hơn là cho Nga.
"Càng nhiều lệnh trừng phạt được áp đặt, thiệt hại cho bên áp đặt càng lớn", ông Putin phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh Liên minh Kinh tế Á - Âu ở Minsk vào tháng trước.
Tổng thống Putin cũng lập luận rằng các lệnh trừng phạt của phương Tây "cuối cùng đã thay đổi chất lượng nền kinh tế Nga", cho phép các công ty trong nước thích nghi và chiếm lĩnh các thị trường ngách do các doanh nghiệp nước ngoài để lại. Ông cho biết Nga càng trở nên kiên cường hơn khi đối mặt với các lệnh trừng phạt chưa từng có.