Tòa án Hiến pháp Thái Lan đình chỉ chức vụ Thủ tướng Paetongtarn

Tòa án Hiến pháp Thái Lan đã chấp nhận đơn kiện của 36 thượng nghị sỹ, cáo buộc bà Paetongtarn vi phạm chuẩn mực đạo đức liên quan đến việc cuộc điện đàm nhạy cảm về chính trị với ông Hun Sen.

thu-tuong-thai-lan.jpg
Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra tại một cuộc họp báo ở Bangkok. (Ảnh: THX/TTXVN)

Reuters đưa tin ngày 1/7, Tòa án Hiến pháp Thái Lan đã quyết định đình chỉ công tác Thủ tướng Paetongtarn Shinawatra trong thời gian chờ xét xử vụ kiện yêu cầu bãi nhiệm bà, gia tăng áp lực lên chính phủ vốn đang đối mặt nhiều chỉ trích.

Theo thông cáo, tòa đã chấp nhận đơn kiện của 36 thượng nghị sỹ, cáo buộc bà Paetongtarn không trung thực và vi phạm chuẩn mực đạo đức theo quy định của hiến pháp, liên quan đến việc cuộc điện đàm nhạy cảm về chính trị với cựu lãnh đạo Campuchia Hun Sen bị lộ.

Chính phủ dự kiến sẽ do một phó thủ tướng điều hành tạm quyền trong lúc tòa án xem xét vụ việc.

Bà Paetongtarn vẫn sẽ giữ ghế trong nội các với tư cách Bộ trưởng Văn hóa mới được bổ nhiệm trong cuộc cải tổ vừa qua.

Chính phủ chưa đưa ra bình luận về quyết định đình chỉ này.

Cuộc điện đàm rò rỉ với vị chính khách Campuchia kỳ cựu đã gây phẫn nộ trong nước, khiến liên minh cầm quyền của bà Paetongtarn rơi vào thế đa số mong manh khi một đảng chủ chốt tuyên bố rời liên minh và dự kiến sớm thúc đẩy bỏ phiếu bất tín nhiệm tại Quốc hội. Các nhóm biểu tình cũng kêu gọi bà từ chức.

Trong cuộc gọi ngày 15/6 nhằm xoa dịu căng thẳng biên giới leo thang với Campuchia, bà Paetongtarn, 38 tuổi, đã "cúi mình" trước ông Hun Sen và chỉ trích một tư lệnh quân đội Thái Lan - hành vi bị xem là "giới hạn đỏ" tại quốc gia mà quân đội có ảnh hưởng lớn này.

Bà đã lên tiếng xin lỗi và cho biết phát ngôn của mình chỉ là chiến thuật đàm phán./.

vietnamplus.vn

Đọc thêm

Giữa chiến sự ác liệt Israel - Iran, lý do Nga chọn im lặng

Giữa chiến sự ác liệt Israel - Iran, lý do Nga chọn im lặng

5 tháng sau khi hiệp ước đối tác chiến lược Nga - Iran được ký kết, chính phủ Iran đang phải đối mặt với mối đe dọa nghiêm trọng từ các cuộc tấn công của Israel. Và Nga, ngoài các cuộc gọi điện và tuyên bố lên án, không thể hiện vai trò hỗ trợ nào.
Lãnh tụ tối cao Iran là ai?

Lãnh tụ tối cao Iran là ai?

Khi xung đột giữa Israel và Iran leo thang, cả thế giới hướng sự chú ý đến lãnh tụ tối cao Iran, nhà lãnh đạo tinh thần của quốc gia Hồi giáo.