Mỹ dỡ bỏ hầu hết các lệnh trừng phạt được áp dụng từ năm 1979 đối với Syria

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 30/6 đã ký sắc lệnh hành pháp bãi bỏ hầu hết các lệnh trừng phạt của nước này đối với Syria, vốn được áp dụng kể từ năm 1979.

syria-2405.jpg
Người dân tại Hama, Syria. (Ảnh: THX/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Washington, Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 30/6 đã ký sắc lệnh hành pháp bãi bỏ hầu hết các lệnh trừng phạt của nước này đối với Syria, vốn được áp dụng kể từ năm 1979.

Đây là bước tiến lớn hướng tới việc bình thường hóa quan hệ giữa Mỹ với quốc gia Trung Đông đã có nhiều năm bị tàn phá do xung đột.

Sắc lệnh nêu rõ Mỹ sẽ hỗ trợ Syria ổn định, thống nhất và hòa bình cả trong nội bộ lẫn trong quan hệ với các nước láng giềng. Mỹ muốn nhìn thấy một Syria không phải là nơi trú ẩn cho các tổ chức khủng bố và bảo đảm an ninh cho các nhóm tôn giáo, sắc tộc thiểu số, qua đó góp phần thúc đẩy an ninh và thịnh vượng của khu vực.

Theo sắc lệnh này, Mỹ sẽ nới lỏng kiểm soát xuất khẩu một số hàng hóa nhất định và miễn trừ các hạn chế đối với một số viện trợ nước ngoài cho Syria.

Ngoài ra, Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio được giao nhiệm vụ tìm giải pháp nới lỏng trừng phạt của Liên hợp quốc đối với Syria.

Trong một phát biểu trước khi Tổng thống Trump ký sắc lệnh trên, Thư ký báo chí của Nhà Trắng Karoline Leavitt khẳng định bước đi này của nhà lãnh đạo Mỹ nhằm thúc đẩy và hỗ trợ con đường hướng tới ổn định và hòa bình của Syria.

Trong chuyến công du Trung Đông hồi tháng trước, Tổng thống Trump đã có cuộc gặp với Tổng thống lâm thời Syria Ahmad al-Sharaa tại Saudi Arabia.

Tại cuộc gặp, ông Trump tuyên bố sẽ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt khắc nghiệt của Mỹ đối với Syria, đồng thời kêu gọi ông Ahmad al-Sharaa đáp ứng một số điều kiện cụ thể như bình thường hóa quan hệ với các nước láng giềng, trong đó có Israel./.

vietnamplus.vn

Đọc thêm

Giữa chiến sự ác liệt Israel - Iran, lý do Nga chọn im lặng

Giữa chiến sự ác liệt Israel - Iran, lý do Nga chọn im lặng

5 tháng sau khi hiệp ước đối tác chiến lược Nga - Iran được ký kết, chính phủ Iran đang phải đối mặt với mối đe dọa nghiêm trọng từ các cuộc tấn công của Israel. Và Nga, ngoài các cuộc gọi điện và tuyên bố lên án, không thể hiện vai trò hỗ trợ nào.