Nga muốn gì và có thể làm gì với Mỹ và phương Tây

 Câu trả lời của Nga là sẵn sàng mọi phương án, tùy theo hành động của Mỹ và NATO.

Nga muốn gì và có thể làm gì với Mỹ và phương Tây

Nga muốn gì và có thể làm gì với Mỹ và phương Tây? (Nguồn: FT)

Không ngạc nhiên khi các cuộc đối thoại giữa Nga với Mỹ, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) không đạt một kết quả cụ thể đáng kể nào.

Các bên cứng rắn, không có bất cứ nhượng bộ nào. Đối thoại bế tắc, tình hình có thể leo thang thành một trong những cuộc khủng hoảng an ninh tồi tệ nhất châu Âu trong hàng thập kỷ.

Phương Tây ráo riết đổ lỗi cho Nga, dự báo việc tấn công Ukraine chỉ còn là vấn đề thời điểm và phương thức thế nào mà thôi!

Có tin phương Tây nói Nga đưa lực lượng đặc biệt vào Ukraine, tấn công lực lượng ly khai và người Nga ở Donbass, để tạo cớ chiến tranh! Tất nhiên là không kèm theo bất cứ bằng chứng nào.

Thứ trưởng Ngoại giao Victoria Nuland nói Mỹ và đồng minh đã chuẩn bị sẵn 18 phương án đáp trả, sẵn sàng giáng đòn đau đớn, nếu Nga tấn công Ukraine, bằng bất kỳ hình thức nào.

Trong đó có việc trừng phạt quan chức cấp cao Nga và chi viện vũ khí phương tiện hiện đại, hậu cần kỹ thuật, đưa cố vấn, chuyên gia trực tiếp hỗ trợ quân đội Ukraine. Đó có thể là bóng dáng của cuộc chiến tranh ủy nhiệm ở Ukraine.

Mất công sức chuẩn bị đối thoại, mà lại đặt nhiều rào cản, là chuyện không bình thường. Nhưng thực ra, đều nằm trong tính toán của Mỹ. Đổ riệt lỗi cho Nga, gây sức ép quốc tế, làm đối phương căng thẳng đối phó, buộc phải xuống thang; đồng thời củng cố quyết tâm nội bộ và biện minh cho các hành động tiếp theo.

Một số bình luận cho rằng Nga đang dẫn dắt cuộc chơi, chơi trò “bên miệng hố chiến tranh”; hoặc đưa ra điều kiện bảo đảm an ninh cả gói là quá tự tin, không thể chấp nhận được, tự đẩy mình vào thế khó... Cũng có ý kiến không hiểu Tổng thống Putin sẽ làm gì, muốn gì?

Vậy Nga muốn gì? Điều Nga muốn nhất là bảo đảm an ninh, thiết lập quan hệ bình đẳng, hợp tác cùng có lợi với Mỹ và phương Tây. Nhưng Nga bị đặt vào tình thế không còn đường lùi, buộc phải đặt ra “lằn ranh đỏ”, phải chơi bài ngửa.

Nga có thể làm gì? Câu trả lời của Moscow là sẵn sàng mọi phương án, tùy theo hành động của Mỹ và NATO.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết sẽ chấm dứt bất kỳ mối quan hệ nào, nếu Mỹ tiến hành các biện pháp trừng phạt nhằm vào lãnh đạo Nga. Nga quen với trừng phạt, đủ năng lực tự cung, tự cấp.

Cùng với chuẩn bị đất nước, Nga thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ hợp tác với Trung Quốc, đồng minh, đối tác trong Tổ chức Hiệp ước an ninh tập thể (CSTO), Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), Iran…, tạo thế về quân sự, an ninh, kinh tế, ngoại giao, đối phó với liên minh của Mỹ và phương Tây.

Quyết định sử dụng lực lượng gìn giữ hòa bình ở Kazakhstan vừa qua chứng tỏ Nga có đủ sức mạnh, quyết tâm xử trí đồng thời các tình huống phức tạp.

Nga muốn gì và có thể làm gì với Mỹ và phương Tây

Quân đội Nga tham gia tập trận Sứ mệnh Hòa bình của các nước thành viên SCO kết thúc ngày 24/9/2021 tại Orenburg, Nga.

Việc Nga duy trì lực lượng vũ trang, diễn tập quân sự gần biên giới Ukraine có tác dụng như đòn cảnh báo Mỹ, NATO không kết nạp, triển khai vũ khí, lực lượng ở Ukraine và Kiev chớ hành động liều lĩnh.

Rò rỉ thông tin Nga có thể triển khai lực lượng tên lửa ở Cuba, Venezuela, nếu Mỹ và NATO bác bỏ đề xuất. Nga không thừa nhận và cũng không bác bỏ khả năng đó.

Nếu xảy ra, kịch bản này gợi nhớ tới cuộc khủng hoảng tên lửa ở Cuba năm 1962, đẩy Mỹ và Liên Xô đến bên bờ vực của một cuộc chiến tranh hạt nhân (rất may là lãnh đạo hai bên đã dừng lại đúng lúc).

Suy cho cùng, nếu quân Nga triển khai ở Cuba, Venezuela thật, cũng chẳng khác gì Mỹ, NATO kết nạp Ukraine, đưa vũ khí tấn công áp sát biên giới Nga. Mới nghe thông tin, Mỹ đã nhảy dựng lên. Vậy mà Mỹ và NATO vẫn nói triển khai lực lượng vũ trang ở bất cứ đâu là chuyện bình thường.

Quan chức Nga bác bỏ cáo buộc sẵn sàng tấn công Ukraine. Nhưng Tổng thống Nga tuyên bố không loại trừ các hành động quân sự, kỹ thuật, nếu Mỹ và NATO xâm phạm “lằn ranh đỏ”.

Nga không chủ động khởi xướng hành động quân sự, không đẩy tới một cuộc tấn công toàn diện, để tránh hậu quả về kinh tế, chính trị, ngoại giao.

Nhưng Moscow cũng không bó tay nếu bị đẩy vào tình thế bắt buộc.

Các hành động kỹ thuật - quân sự mà Nga có thể thực hiện là tấn công mạng, vô hiệu hóa hệ thống chỉ huy, điều khiển, hoặc hỗ trợ lực lượng ly khai ở Dobass đánh trả tiến công của quân đội Ukraine…

Thực tế cuộc chiến tranh ở Syria, xung đột quân sự giữa Azerbaijan và Armenia; gần đây là khủng hoảng ở Kazakhstan… cho thấy sức mạnh, hành động quyết đoán, khả năng cơ động, triển khai lực lượng nhanh chóng, bất ngờ, giải quyết nhanh gọn, hiệu quả các tình huống phức tạp, trên các địa bàn khác nhau của Nga.

Lãnh đạo một số quốc gia, dù muốn can dự, can thiệp quân sự, cũng khó có thể ngay lập tức đưa ra các quyết định như vậy.

Đây là điều mà Mỹ và đồng minh lúng túng, khó dự báo, lường trước các hành động của Tổng thống Putin.

Ngoài ra, Nga còn có các phương án khác, từ thấp đến cao. Là nhà lãnh đạo lão luyện, Tổng thống Putin sẽ không tung hết các con bài chiến lược và cũng không vội vàng sử dụng đòn cao nhất. Nga vẫn ưu tiên cho biện pháp đối thoại, đàm phán. Mọi tuyên bố, hành động của Nga nhằm làm cho Mỹ, phương Tây hiểu quyết tâm của Moscow, ngăn chặn các hành động có thể đẩy đến cuộc chiến toàn diện.

Mâu thuẫn ở những vấn đề cốt lõi, không bên nào có dấu hiệu nhượng bộ. Bi quan đến mức, sau cuộc đàm phán với Nga, Đại sứ Mỹ tại OSCE nói, “tiếng trống chiến tranh đang vang lên rất lớn”.

Nhưng cũng có một vài tín hiệu tích cực. Ngay từ đầu, Nga đã chủ động theo đuổi biện pháp ngoại giao. Mới đây, Nga đã triệt phá một nhóm tin tặc khét tiếng, theo đề nghị của Mỹ.

Mỹ và đồng minh cũng có những khó khăn, vấn đề phức tạp. Mỹ sa lầy trong quan hệ căng thẳng với Nga, sẽ phân tán nguồn lực, gặp khó trong cuộc đối đầu toàn diện với Trung Quốc.

Thượng viện Mỹ đã bác bỏ đề xuất áp đặt lệnh trừng phạt mới đối với Nga về Dòng chảy phương Bắc 2, vì sợ ảnh hưởng đến quan hệ chiến lược với Đức.

Một số quốc gia thành viên Liên minh châu Âu bày tỏ lo ngại về an ninh chung, an ninh năng lượng, muốn đối thoại hơn là đối đầu.

Dù gặp gỡ bế tắc, nhưng cả Mỹ và NATO đều bày tỏ tiếp tục đối thoại. Nghĩa là các bên đều cố đi tìm biện pháp cùng chấp nhận được. Như hy vọng của Dmitry Peskov, sự sáng suốt chính trị và kinh nghiệm của Tổng thống Putin và Tổng thống Biden, là những cơ sở tốt để tiếp tục nỗ lực tìm kiếm sự hiểu biết lẫn nhau.

Tuy nhiên, cả Mỹ và Nga đều không muốn từ bỏ “lằn ranh đỏ”. Có chăng, trước mắt là cam kết chưa tính đến việc kết nạp Ukraine vào NATO, xem như một bước đi nhỏ.

Thực ra, thời điểm này, Mỹ và NATO kết nạp Ukraine cũng gặp không ít bất lợi. Nga có coi đó là thiện chí hay không, thì còn phải chờ.

Theo Báo Quốc tế

Đọc thêm

Nhớ anh Hai Mạnh

Nhớ anh Hai Mạnh

Nhớ anh “Hai Mạnh” – Đại tướng Chu Huy Mân là nhớ về những kỷ niệm mãi ấm lòng trong những năm tháng được sống gần ông.
Trận tấn công táo bạo, dũng mãnh vào sân bay Pha Hom

Trận tấn công táo bạo, dũng mãnh vào sân bay Pha Hom

Ngày 22/12/1972, Đại đội 1, Tiểu đoàn 48 bộ đội địa phương Hà Tĩnh đã táo bạo tấn công vào sân bay Pha Hom (sân bay dã chiến) thuộc vùng núi phía bắc huyện Mường Mày, tỉnh Bolikhămxay (Lào) và giành thắng lợi vang dội. Là Chính trị viên phó đại đội trực tiếp tham gia chiến đấu, tôi ghi lại chiến công này nhân kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.
Ngắm UAV cảm tử do Việt Nam sản xuất

Ngắm UAV cảm tử do Việt Nam sản xuất

UAV BXL.01 là loại cánh quạt chiến đấu cảm tử có khối lượng cất cánh tối đa 10kg, mang khối lượng đầu nổ 1,2kg, trần bay 1.000m, tốc độ bay 100-120km/h và hoạt động cự ly 10km do Việt Nam sản xuất.
Bồi đắp tình yêu đất nước qua “Tiết học biên cương”

Bồi đắp tình yêu đất nước qua “Tiết học biên cương”

Chương trình “Tiết học biên cương” do Đồn Biên phòng Lạch Kèn phối hợp với trường học ở huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) góp phần bồi đắp cho các em học sinh tình yêu quê hương, đất nước, ý thức trách nhiệm bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia.