Từ đầu năm tới nay, hầu hết doanh thu của các đơn vị bán lẻ giảm mạnh do ảnh hưởng tiêu cực của Covid-19.
Do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, tổng mức bán lẻ hàng hóa các tháng năm 2020 trên địa bàn tỉnh chỉ tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2019. Trong 10 tháng, tổng mức bán lẻ hàng hóa đạt khoảng 32.862 tỷ đồng, tăng 2,77% so với cùng kỳ năm trước. Hiện, các chủ doanh nghiệp, cửa hàng bán lẻ trên địa bàn đang kỳ vọng sức mua sẽ tăng lên trong đợt cuối năm.
Các nhà kinh doanh nhận định, các ngành hàng từ đồ gia dụng, điện máy, thời trang… thường “đắt khách” trong dịp cuối năm vì người dân có tâm lý mua sắm phục vụ tết Nguyên đán. Hơn nữa, các nguồn tiền cũng thường cuối năm mới “về túi” người tiêu dùng nên họ mạnh tay chi tiêu hơn.
Thời trang là mặt hàng được các tiểu thương trông chờ sức mua sẽ tăng lên.
Chị Phan Thị Hằng – tiểu thương kinh doanh giày dép tại chợ TP Hà Tĩnh chia sẻ: “Từ đầu năm đến nay, dịch bệnh, thiên tai hoành hành, việc buôn bán rơi vào cảnh ế ẩm. Chúng tôi chỉ trông chờ vào vài tháng tới đây, người dân mua sắm nhiều hơn, giúp tiểu thương chúng tôi gỡ gạc được phần nào”.
Chính sách giảm lệ phí trước bạ sắp hết thời hạn khiến thị trường ô tô nhộn nhịp hơn.
Đón tâm lý khách hàng, trong những tháng cuối năm, ngành bán lẻ cũng thường chạy các chương trình ưu đãi giảm giá, xả hàng để thu hút người tiêu dùng, tăng doanh số.
Phó Giám đốc Siêu thị Co.opmart Hà Tĩnh Phạm Thị Hiệp Định cho hay: "Thay vì cận ngày tết mới sắm sửa, tâm lý người dân vài năm trở lại đây sẽ sắm dần đồ dùng nên mùa mua sắm kéo dài trong vài tháng trước tết.
Năm 2020, doanh thu siêu thị giảm mạnh do bối cảnh dịch bệnh khiến kinh tế khó khăn, người tiêu dùng cũng dè dặt chi tiêu hơn và ưu tiên các mặt hàng thực phẩm, sản phẩm thiết yếu. Từ nay đến hết năm âm lịch, chúng tôi hi vọng hoạt động kinh doanh sẽ tốt hơn. Siêu thị cũng sẽ liên tục giảm giá đối với hầu hết các mặt hàng đề kích cầu tiêu dùng”.
Ngành bán lẻ kỳ vọng hoạt động mua bán sẽ sôi động hơn trong những tháng tới đây.
Chị Hà – chủ shop thời trang trên đường Xuân Diệu (TP Hà Tĩnh) chia sẻ: “Cuối năm, mặt hàng quần áo thời trang thường sẽ được người dân chi tiền mua sắm nhiều hơn. Mong rằng sức mua tăng hơn mấy tháng qua, bù lại cho cả năm buôn bán đìu hiu, ế ẩm”.
Dưới góc độ người tiêu dùng, chị Bùi Thị Quỳnh Thơ (phường Nguyễn Du, TP Hà Tĩnh) chia sẻ: “Cuối năm thường là dịp mua sắm của nhiều người, từ những bộ quần áo, đôi giày đến các đồ dùng trong gia đình. Hơn nữa, dịp này, các cửa hàng thường xả hàng, giảm giá sốc nên người tiêu dùng sẽ có tâm lý săn hàng giảm giá. Đôi khi, nhiều món hàng chưa phải thực sự cần thiết nhưng vì mức giảm quá tốt nên mua để dùng dần”.
Với nhiều chương trình kích cầu, đồ gia dụng, hàng điện máy được người dân “mạnh tay” mua sắm dịp cuối năm.
Theo Phó Giám đốc Sở Công thương Võ Tá Nghĩa, doanh thu bán lẻ hàng hóa những tháng cuối năm, đặc biệt là tháng 12 dương lịch và tháng Chạp thường cao hơn các tháng khác. Hoạt động kinh doanh thương mại thời điểm này thường sôi động hơn bởi bên cạnh tâm lý sắm sửa sau 1 năm thì đây cũng là đợt có nhiều ngày lễ như Noel, tết Dương lịch, tết Âm lịch. Để đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân, các đơn vị phân phối, đặc biệt là đơn vị lớn thường có kế hoạch chuẩn bị nguồn cung hàng hóa cho dịp này”.