Doanh thu nhóm hàng lương thực, thực phẩm 6 tháng đầu năm ước đạt hơn 13.000 tỷ đồng.
6 tháng đầu năm, hoạt động thương mại - dịch vụ trên địa bàn tỉnh tiếp tục ghi nhận sự phục hồi và tăng trưởng. Tình hình thị trường tương đối bình ổn, nguồn cung hàng hóa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân, giá cả không có biến động lớn.
Theo số liệu từ Sở Công thương, trong 6 tháng, tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 28.542 tỷ đồng, tăng 18,04% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, có 10/12 nhóm hàng bán lẻ doanh thu tăng so với cùng kỳ.
Tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa 6 tháng ước đạt 28.542 tỷ đồng, tăng 18,04% so với cùng kỳ năm trước.
Mặt hàng có doanh thu chiếm tỷ trọng cao nhất, góp phần tăng trưởng ngành bán lẻ là lương thực, thực phẩm với hơn 13.000 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ năm trước. Cùng đó, nhiều nhóm hàng khác có sức tiêu thụ tăng cao như: hàng may mặc tăng 26%; đồ dùng dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 27%; vật phẩm văn hóa, giáo dục tăng 36,8%; gỗ và vật liệu xây dựng tăng 35,3%; xăng dầu tăng 36,2%; đá quý, kim loại quý tăng 18%...
2 nhóm hàng có doanh thu giảm so với cùng kỳ năm trước là ô tô con (giảm 20%) và các phương tiện đi lại khác (giảm gần 38%).
Doanh thu mặt hàng đá quý, kim loại quý 6 tháng đầu năm tăng 18%.
Theo phân tích từ Sở Công thương, so với cùng kỳ năm trước, thị trường bán lẻ phục hồi tốt nhờ tình hình dịch COVID-19 không còn tác động lớn đến đời sống của người dân và hoạt động sản xuất của doanh nghiệp. Cùng đó, tăng trưởng doanh thu bán lẻ còn được hỗ trợ bởi các yếu tố như: sự phục hồi mạnh mẽ của ngành du lịch, các chương trình kích cầu tiêu dùng của doanh nghiệp bán lẻ, nhu cầu mua sắm tăng cao trong các thời điểm chuyển mùa, tết Nguyên đán, các kỳ nghỉ lễ.
Sự tăng trưởng của thị trường bán lẻ những tháng đầu năm đã góp phần tạo cơ hội cho các doanh nghiệp bán lẻ và các đơn vị sản xuất phát triển, đóng góp lớn vào sự phục hồi chung của nền kinh tế.