Nghe đảng viên 70 tuổi Đảng kể chuyện tổng khởi nghĩa, giành chính quyền

(Baohatinh.vn) - Ở tuổi 95, mắt đã mờ, chân không vững nhưng trong câu chuyện có lúc nhớ lúc quên của mình, dòng cảm xúc về những năm tháng tuổi trẻ sục sôi hào khí của mùa thu tháng tám lịch sử vẫn vẹn nguyên trong lòng người thương binh Phạm Quý Hậu (SN 1924, ở thôn Lâm Trung, xã Sơn Lâm, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh).

Biết chúng tôi đến tìm hiểu về những ngày tháng Tám lịch sử, dù ốm nằm liệt giường, cụ vẫn nhất quyết ngồi dậy để tiếp chuyện. Khuôn mặt bừng sáng niềm tự hào, cụ đưa chúng tôi trở về với dòng ký ức hào hùng những ngày tuổi trẻ nhiệt huyết cống hiến cho cách mạng.

Sinh ra và lớn lên trên miền quê giàu truyền thống cách mạng, chàng thanh niên Phạm Quý Hậu trưởng thành và giác ngộ cách mạng từ sớm. Trong hồi ức của mình, có lẽ không thể quên được thời điểm giơ cao cờ đỏ búa liềm giành lại chính quyền, giành lại mỗi tấc đất ngay trên chính quê hương.

Thời điểm từ tháng 6/1945 đến trước khởi nghĩa, hoạt động của Việt Minh diễn ra rộng khắp, sôi nổi. Nhiệm vụ trong tổ chức là cử cán bộ tích cực, nhiệt tình đến các thôn xóm, làng xã tuyên truyền cho nhân dân biết cương lĩnh cách mạng của Đảng. “Thời đó, Sơn Lâm là vùng rừng núi hoang vu, các cán bộ về đây để xây dựng Đoàn thanh niên Cứu quốc, thành lập đội tự vệ nhằm bảo vệ thôn xóm và các cuộc họp quan trọng” - cụ Hậu kể.

Những ngày đầu bước vào con đường cách mạng, được tham gia vào đội Cứu quốc và giữ chức Chính trị viên của Liên chi dân Trung Đồng (2 xóm của xã Đồng Khánh cũ, nay là xã Sơn Giang, Hương Sơn), cụ Hậu cũng như nhiều người dân trong thôn sẵn sàng góp gạo, góp rau nuôi các chiến sĩ cách mạng. Sau đó, cụ được tổ chức giao nhiệm vụ cảnh giới, phát giác mật thám trong khi các đồng chí đảng viên thâm nhập tuyên truyền cách mạng cho quần chúng nhân dân.

Kể lại quá trình chuẩn bị cho ngày tổng khởi nghĩa hết sức rốt ráo, khẩn trương tháng 8/1945, cụ Hậu nhớ lại: “Mọi công tác chuẩn bị đều được tiến hành trong bí mật, từ việc chuẩn bị vũ khí, cờ, biểu ngữ cho đến kế hoạch tổng khởi nghĩa. Lúc đó, tôi sử dụng bí danh Phạm Duy Nhân để hoạt động. Nhằm che mắt quân mật thám, các cuộc họp khẩn cấp được thay đổi địa điểm liên tục, truyền đơn được giấu vào ống tre, xe củi, kể cả gánh hàng của các mẹ, các chị đi chợ về…”.

Nhận được lệnh khởi nghĩa của Việt Minh, Ủy ban Khởi nghĩa xã Tình Diệm (xã Sơn Diệm hiện nay), được thành lập. Sáng 18/8/1945, thời khắc lịch sử của quê hương và của cả chàng trai trẻ Phạm Quý Hậu đã đến: “Hôm đó, tôi và một số đồng chí chủ chốt cùng hàng trăm người dân Tiến Lâm (xã Sơn Lâm hiện nay), Tình Diệm… giương cao cờ đỏ sao vàng, biểu ngữ, đánh trống, gõ mõ, thổi tù và cùng hàng ngàn người dân ở các thôn xã, các tổng trong huyện từ các ngả đường lớn đổ ra đường 8 kéo về huyện lỵ lật đổ chính quyền địch, chiếm đồn Phố Châu. Đến ngày 25/8, dưới sự lãnh đạo của Ủy ban Khởi nghĩa Hương Sơn, chúng tôi cùng toàn thể nhân dân lại tập trung ở đồn Phố Châu mít tinh, rồi kéo quân lên đồn Voi Bổ, đồn điền Sông Con bắt trói tên đồn trưởng Roong-be đóng cũi đưa về đồn Phố Châu”.

Cụ Hậu vui mừng thử chiếc xe lăn mới do con cháu tặng.

Cuộc tổng khởi nghĩa được quần chúng đón mừng bằng những tiếng reo hò và những khẩu hiệu hô vang khắp mọi nẻo đường. Cụ kể, lúc ấy, trong cụ có cảm giác lâng lâng thật khó tả, đó là niềm vui, niềm hạnh phúc khi từ kiếp nô lệ trở thành những người chủ của đất nước tự do, độc lập. Con đường lớn đang mở ra từ niềm tin vào chiến thắng, vào công lý, vào con đường độc lập, tự do mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn.

Niềm tin ấy đã nâng bước chàng trai Phạm Quý Hậu suốt cả chặng đường chiến đấu ác liệt với quân thù cùng khát vọng lớn lao là bảo vệ nền độc lập, hòa bình của dân tộc. Sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, tháng 1/1950, người thanh niên Phạm Quý Hậu chính thức trở thành đảng viên và cũng thời điểm đó cụ tham gia nhập ngũ vào đơn vị Đại đội 136 - Tiểu đoàn 319 - Trung đoàn 101 - Sư đoàn 325 ở Bình Trị Thiên. Tại đây, cụ giữ chức Tiểu đội trưởng huấn luyện tân binh và chiến đấu. Trải qua hơn 16 trận đánh lớn, nhỏ, người lính Phạm Quý Hậu với bản lĩnh, sự can trường luôn xung phong trên mọi tuyến đầu của các trận đánh.

Những chiếc huân, huy chương sờn cũ, cái còn, cái mất theo thời gian. Nhưng với cụ Hậu, đó là khối tài sản quý giá trong suốt cuộc đời cống hiến cho cách mạng.

Cụ vẫn nhớ như in trận đánh đã cướp đi 26 người đồng đội yêu quý của mình, đó là trận Thanh Hương - Mỹ Xuyên (xã Điền Hương, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế) diễn ra trong 3 ngày, từ 11 đến 13/3/1951. Cụ kể: “Trận đọ sức giữa ta và địch diễn ra vào khoảng 12h trưa cho tới tối tại đồi Vĩnh Xương nằm giữa hai làng Thanh Hương và Vĩnh Xương. Lúc đó, tôi chỉ huy khoảng 30 anh em chống đỡ trận càn của địch. Với thế trận gọng kìm, địch huy động cùng lúc nhiều lực lượng. Lúc đó đạn bắn rát mặt, trên trời, máy bay dội bom chỉ điểm cho quân đánh bộ phía dưới. Thời điểm giao tranh ác liệt, tôi xung phong chạy đầu tuyến thì gặp đúng lúc máy bay thả bom. Tỉnh dậy với đôi bàn tay đã bị cắt đứt, toàn thân thể cháy sém vì áp lực của bom, nỗi đau nhân lên bội phần khi tôi nhận tin 30 người đồng đội chỉ có 4 người còn sống”.

Từ năm 1952-1955, cụ Hậu được chuyển về tuyến sau điều trị rồi phục viên, trở về quê hương, là thương binh hạng 1/4. Trong suốt những năm tháng lao động, sản xuất ở quê nhà, người thương binh nặng Phạm Quý Hậu vẫn luôn nêu cao phẩm chất người lính Cụ Hồ “tàn nhưng không phế”.

95 năm tuổi đời, 70 năm tuổi Đảng, cụ Phạm Quý Hậu là nhân chứng hiếm hoi của cuộc Tổng khởi nghĩa tháng 8/1945 còn sống ở Hương Sơn. May mắn được gặp gỡ, lắng nghe cụ kể về những ký ức hào hùng, chúng tôi như được trở về mùa thu cách mạng của quê hương, đất nước để thấy lòng mình thêm rạng rỡ, tin yêu…

Thiết kế: Huy Tùng

Chủ đề NGƯỜI HÀ TĨNH

Chủ đề NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói